Nhiều áp lực khiến học sinh không cảm thấy hạnh phúc khi ở trường

(Dân trí) - Một học sinh nữ, lớp 11 cho rằng: “Nhiều khi em cảm thấy giống như là mình không thuộc về nơi này, có nhiều áp lực từ nhiều phía, áp lực phải thành công mọi việc, suôn sẻ ở mọi việc, mà mình không đạt được điều đó, mình cảm thấy mình không cố gắng đủ”.

 Nhóm nghiên cứu gồm các tác giả Nguyễn Văn Lượt - Phạm Văn Sơn - Nguyễn Thị Nhật Phương - Đào Phan Thảo Linh, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nghiên cứu: “Cảm nhận hạnh phúc ở trường học của học sinh trung học phổ thông”.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 253 học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội và Đà Nẵng, trong đó có 144 học sinh nữ (chiếm 56,9%), 109 học sinh nam (chiếm 43,1%) về cảm nhận hạnh phúc ở trường học.

cang thang.jpg

Các em chia sẻ “áp lực thi cử là rất lớn, nhiều khi em cảm thấy rất mệt mỏi”

 

Không hài lòng với các điều kiện học tập ở trường

Cảm nhận hạnh phúc ở trường học của học sinh được nghiên cứu qua 4 khía cạnh: điều kiện trường học, các mối quan hệ ở trường học, sự tự hoàn thiện bản thân và vấn đề sức khỏe ở trường học.

Nhìn chung, học sinh trong mẫu nghiên cứu này không cảm thấy hài lòng với các điều kiện học tập ở trường. Trong đó, các khía cạnh học sinh ít hài lòng nhất là tiếng ồn, môi trường học tập căng thẳng.

Lý giải cho điều này, một học sinh nữ, lớp 11 cho rằng “Nhiều khi em cảm thấy giống như là mình không thuộc về nơi này, có nhiều áp lực từ nhiều phía, áp lực phải thành công mọi việc, suôn sẻ ở mọi việc, mà mình không đạt được điều đó, mình cảm thấy mình không cố gắng đủ”;

Hay là ý kiến của một học sinh nữ, lớp 12 cũng của trường này cho biết: Học trong trường chuyên nên áp lực thi cử là rất lớn, nhiều khi em cảm thấy rất mệt mỏi,” và có mong muốn “đừng đặt áp lực lớp chọn trường chuyên cho học sinh mà để tự chúng em cố gắng bởi chúng em cũng biết đâu là điều quan trọng với mình, chúng em sẽ cố gắng làm điều đó".

Thất vọng vì nhà vệ sinh

"Nhà vệ sinh ở trường học" cũng là khía cạnh học sinh có sự hài lòng ở mức thấp mà học sinh đánh giá là có ảnh hưởng tới việc học tập của các em ở trường.

Theo nghiên cứu, một số phỏng vấn sâu cho thấy rõ hơn lý do vì sao

Nghiên cứu sử dụng khung lý thuyết về cảm nhận hạnh phúc ở trường học của Allardt (1989), được phát triển bởi Kuno và Rimpela (2002).

 Thang đo cảm nhận hạnh phúc ở trường học của Kuno và Rimpela (2002) và phương pháp phỏng vấn sâu được sử dụng trong nghiên cứu này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, học sinh trung học phổ thông báo cáo điểm số cảm nhận hạnh phúc về các mối quan hệ trong trường học ở mức cao nhất; có sự khác biệt giữa nhóm học sinh nam và nữ, học sinh các khối lớp 10, 11 và 12 về cảm nhận hạnh phúc nói chung ở trường học.  

 

học sinh còn chưa hài lòng với nhà vệ sinh ở trường học: “Trước khi vô trường thì em rất là kì vọng về cái nhà vệ sinh của trường nhưng mà sau khi vô thì em thật sự rất là thất vọng với nhà vệ sinh, (nó còn thua cả cái nhà vệ sinh cấp II của em nữa), rất là đau đớn.” “Nhà vệ sinh bét dễ sợ luôn” (nữ, học sinh lớp 11) và “Phòng vệ sinh ở trường thì bốc mùi khó chịu, nếu không cần thiết lắm thì tụi em sẽ không vào đó. Đó là nơi bọn em ghét nhất ở trường học.”

 Khi được hỏi mong muốn đề xuất về cơ sở vất chất như thế nào thì học sinh này mong muốn “Em muốn nhà vệ sinh được cải thiện thêm, miễn là cái nhà vệ sinh sạch sẽ là em thấy vui rồi” hoặc “em muốn khu nhà vệ sinh phải được xây lại cho sạch hơn, thoáng hơn” (Học sinh nữ lớp 12).

Nhìn chung học sinh cảm thấy không bị bắt nạt ở trường học; hòa thuận với bạn học; giáo viên quan tâm đến học sinh. Có những ý kiến phỏng vấn sâu đồng tình về điều này như: “Cô dạy toán nhưng lại dạy lớp em về cách làm người, về chân - thiện - mỹ rất nhiều. Cô quan tâm không chỉ đến việc học trên lớp mà còn cả hoàn cảnh gia đình của tụi em, tôn trọng ý kiến của học sinh và luôn sát bên học sinh. Với lớp em, cô là người mẹ hiền của cả lớp".

“Em nghĩ là tình cảm thầy cô dành cho em, em thấy tình cảm ấy rất thật. Điều đó làm tụi em tự tin hơn và cảm thấy mình được yêu thương, được quan tâm, luôn có người bên cạnh quan tâm và động viên giúp em vượt qua áp lực thi cử, giúp em có tinh thần lạc quan hơn".  (Học sinh lớp 12).

Hạn chế sự trợ giúp từ phía nhà trường

Trong nhóm cách thức tự hoàn thiện, đáng chú ý nhất là mệnh đề "tìm kiếm sự trợ giúp từ nhà trường khi gặp vấn đề về học tập". Mặc dù học sinh đánh giá trường học tạo điều kiện cho các em phát triển bản thân nhưng các em lại rất hạn chế tìm kiếm sự trợ giúp từ phía nhà trường.

Nguyên nhân của điều này có thể do tâm lý ngại ngùng của các em như chia sẻ của 1 học sinh nữ lớp 11:  “Em tự giải quyết hoặc em tìm đến bạn bè của mình. Vì em thấy rất khó khăn để nói chuyện với cha mẹ hoặc thầy cô".

Áp lực thi cử là rất lớn

Về khía cạnh sức khỏe, các vấn đề các em thường gặp phải là khó ngủ, đau đầu, căng thẳng, mệt mỏi. Các kết quả phỏng vấn sâu cho thấy mệt mỏi, thiếu ngủ xảy ra ở đa số các bạn học sinh “7h15p vào học, có những hôm 7h10 em đến lớp mà thấy trong lớp có ít học sinh, các bạn gục mặt xuống bàn hết làm em cảm thấy tinh thần đi xuống.”

Và “hầu hết là mấy môn học không phải thi đại học thì dạy hết chương trình thì các thầy cô cho lớp tự do hoạt động, yêu cầu không được quá mất trật tự ảnh hưởng đến lớp khác, các bạn luyện đề môn thi, trò chuyện với nhau hay có bạn ngủ trong những tiết đó” (Học sinh nữ, lớp 12).

Tìm hiểu sâu hơn thông qua phỏng vấn sâu một vài khách thể, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng khối 12 có mức độ hạnh phúc thấp hơn là do các em sắp phải bước vào kì thi THPT Quốc gia, các em chia sẻ “áp lực thi cử là rất lớn, nhiều khi em cảm thấy rất mệt mỏi” hay ảnh hưởng của việc phải tập trung ôn thi là “đến lớp mà thấy trong lớp có ít học sinh, các bạn gục mặt xuống bàn hết làm em cảm thấy tinh thần đi xuống” và suy nghĩ tiêu cực “sắp phải xa nhau”.

Mối quan hệ với thầy cô cũng bị ảnh hưởng khi “trước kia, các thầy cô bày nhiều trò cho lớp lắm ạ như là cho lớp thuyết trình, bài tập nhóm thi đua kiểu vừa học vừa chơi” còn vào thời gian ôn thi thì “thầy cô hầu hết là đưa đề cho lớp làm, giảng lại chỗ khó hiểu, nhắc lại kiến thức cũ”.

Ngoài ra, có một ý kiến của một học sinh khối 11 cho rằng hứng thú bị giảm vì cùng mô típ học không thay đổi, nên cho thêm thực hành và các phương pháp giảng dạy mới Những ý kiến này lý giải phần nào cho việc khối 10 có mức độ hạnh phúc cao hơn hai khối 11 và. 12.

Theo nhóm nghiên cứu, nhìn chung cảm nhận hạnh phúc ở trường học của nhóm mẫu nghiên cứu này ở mức dưới trung bình. Trong các khía cạnh về cảm nhận hạnh phúc ở trường học, học sinh hài lòng nhất với các mối quan hệ ở trường học.

Có sự khác biệt giữa nhóm nam và nữ về cảm nhận hạnh phúc ở trường học nói chung và ở khía cạnh "điều kiện ở trường học" và "sức khỏe ở trường học" nhưng không có sự khác biệt ở các khía cạnh: "phát triển bản thân" và "mối quan hệ trong trường học".

Nhóm học sinh khối 10 báo cáo điểm số về cảm nhận hạnh phúc cao hơn so với nhóm học sinh lớp 11, 12.

Hồng Hạnh (ghi)