Nhiều GV lo lắng với dự thảo xóa bỏ biên chế nhà giáo

(Dân trí) - Một trong 11 giải pháp mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra trong dự thảo “Chiến lược Phát triển Giáo dục giai đoạn 2009-2020” là xóa bỏ biên chế, chuyển sang hợp đồng đối với đội ngũ nhà giáo, tạo nên sự cạnh tranh phấn đấu của mỗi cá nhân…

Nhiều giáo viên đã rất lo lắng khi biết thông tin này. Chị Trần Thị H, giáo viên trường M.N (TP Hà Đông - Hà Nội) đã gần năm làm giáo viên hợp đồng, lương rất thấp và không được cộng tiền đứng lớp. Trong đợt thi công chức vừa qua, cố gắng lắm chị mới vào được biên chế. Chị H băn khoăn: “Nếu chuyển thế thì chế độ có được hưởng như cũ hay lại hưởng theo chế độ hợp đồng?”

Còn cô giáo Nguyễn Thị Bốn, có hơn 30 năm trong nghề băn khoăn: “Trước nay hợp đồng và biên chế quyền lợi khác nhau, nếu bây giờ “cào bằng” chế độ giữa giáo viên mới tuyển và giáo viên cũ thì rất thiệt thòi đối với những nhà giáo trên 20, 30 năm tuổi nghề như chúng tôi”.

Việc chuyển đổi từ biên chế sang hợp đồng đối với vùng đồng bằng đã khó thì đối với vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó hơn.

Bà Trần Thị Thắm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai tâm sự: “Hiện tại, các trường phổ thông ở các huyện miền núi của Lào Cai ngoài 7.000đ học phí/tháng nhà trường không có khoản thu nào. Không phải đóng góp, học sinh còn không đến trường. Muốn có học sinh, giáo viên phải đến tận nhà để vận động”.

“Trong chế độ biên chế giáo viên miền núi, ngoài lương còn được hưởng các khoản phụ cấp ưu đãi hàng tháng, nhưng vẫn ít giáo viên nào muốn lên miền núi. Vì vậy, tôi sợ khi chuyển sang hợp đồng, những vùng như: miền núi, hải đảo và những những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn vốn đã thiếu giáo viên, càng trở nên thiếu trầm trọng hơn” - bà Thắm bày tỏ lo lắng.

Giải thích những băn khoăn, lo lắng của các giáo viên về dự thảo này, ông Phạm Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Đây mới là dự thảo cho chiến lược phát triển giáo dục từ năm 2009-2020 và đang trong quá trình nghiên cứu. Khi xây dựng văn bản chính sách thì phải làm theo quy trình chặt chẽ và còn phải lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên… Hơn nữa, đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến đời sống của từng giáo viên nên rất thận trọng”.

Ông Hùng cho rằng, “sẽ không chuyển đổi giáo viên đã trong biên chế sang hợp đồng mà vẫn giữ nguyên chế độ biên chế đến khi họ về hưu. Quy định mới sẽ áp dụng đối với các giáo viên mới tuyển dụng”.

Theo nhiều giáo viên và nhà quản lý giáo dục, chuyển đổi mô hình tuyển dụng giáo viên là đúng vì chất lượng giáo dục phải là sự cạnh tranh và trên thực tế có rất nhiều giáo viên bỏ biên chế sang hợp đồng để có thu nhập khá hơn. Nhưng đó là sự tự nguyện của một bộ phận nhỏ giáo viên chứ không phải là tất cả.

Do vậy, mô hình giáo dục chuyển từ biên chế sang hợp đồng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn mà khó khăn lớn nhất vẫn là sự đồng thuận của giáo viên, giảng viên. Vì vậy, trong quá trình thực hiện cần phải làm tốt công tác tư tưởng, nếu không sẽ gây tâm lí không tốt cho giáo viên.

Hồng Hạnh