Nhiều thí sinh dự kiến thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học

(Dân trí) - Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm, phổ điểm các tổ hợp xét tuyển kì thi THPT Quốc gia 2017, nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng trước việc đỗ và trượt các nguyện vọng xét tuyển đã đăng ký nên dự kiến thay đổi nguyện vọng.

Tại ngày hội xét tuyển do báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức sáng ngày 8/7 tại Hà Nội, em Quách Thanh Trang (Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông) cho biết: “Năm nay em thi khối A, nguyện vọng 1 vào trường ĐH Khoa học tự nhiên, em đạt 25 điểm trong khi điểm số đầu vào của ngành em chọn năm ngoái là 24 điểm mà năm nay điểm số rất cao nên em sẽ thay đổi nguyện vọng vào ngành khác của trường”.

Nhiều thí sinh dự kiến thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học - 1

Còn em Đinh Mạnh Hùng (Hưng Yên) cho hay, so sánh mức điểm năm nay và năm trước thì thấy điểm năm nay các bạn cao hơn, trong khi nguyện vọng 1 của em đăng kí vào Học viện Bưu chính Viễn thông, nhưng em chỉ đạt 23 điểm nên em sẽ thay đổi nguyện vọng vào các trường có điểm thấp hơn để cơ hội trúng tuyển cao hơn.

Nhiều thí sinh dự kiến thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học - 2

Với tổng điểm thi xét tuyển đại học chỉ được 15 điểm, em Đặng Phương Nam (trường THPT Hoàng Cầu - Hà Nội) cho biết, nguyện vọng 1 em đăng kí vào trường ĐH Kinh tế - Kĩ thuật, nhưng sau khi được biết điểm, em sẽ điều chỉnh nguyện vọng của mình vào một số trường cao đẳng khác có ngành Cơ khí điện tử để xét tuyển. Cơ hội vào các trường cao đẳng sẽ cao hơn với mức điểm của em.

Ngoài sự lo lắng của các sĩ tử về nguyện vọng xét tuyển, không ít phụ huynh đã nóng lòng trực tiếp tới quầy tư vấn của các trường ĐH-CĐ để tìm hiểu thêm thông tin định hướng cho con.

Nhiều thí sinh dự kiến thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học - 3

Anh Nguyễn Văn Tú ở Hải Dương lo lắng: “Điểm thi của con không cao. Gia đình rất sốt ruột trước việc xét tuyển nguyện vọng vào đại học. Ban đầu cháu đăng kí vào Học viện Ngoại giao, khoa Truyền thông quốc tế, nhưng cháu chỉ được 23 điểm, nên tôi phải tham khảo thêm thông tin để giúp cháu chuyển nguyện vọng đúng hướng, kịp thời với điểm chuẩn xét tuyển các trường sau này.

“Em đạt 22 điểm khối C01 nguyện vọng vào Học viện An ninh Nhân dân,nhưng tỷ lệ chọi năm nay khoảng 1/24. Ngoài ra, không còn lấy điểm tổ hợp môn Văn, Sử, Địa như truyền thống, thay vào đó là tổ hợp môn Toán, Ngữ Văn, Lịch Sử nên điểm số càng khó xác định điểm chuẩn khi mặt bằng chung kết quả toàn quốc rất cao. Nên em buộc lòng phải thay đổi nguyện vọng để xét tuyển đỗ đại học thật tốt với kết quả của mình” – em Triệu Tuấn Trung (THPT Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết.

Ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: “Đối với thí sinh, đây là lúc các em đối sánh kết quả thi của mình với kết quả thi dự kiến trước đây trong bối cảnh chung về kết quả thi toàn quốc để quyết định lần cuối việc đăng kí xét tuyển. Trong đợt 1, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển 1 lần duy nhất. Nếu không trúng tuyển đợt 1, các em có thể đăng kí xét tuyển các đợt bổ sung trong năm, nếu các trường còn chỉ tiêu”.

TS. Vũ Mạnh Hà, chuyên gia tư vấn tuyển sinh khuyên các thí sinh: “Tỷ lệ đỗ vào các trường ĐH, CĐ năm nay rất cao, nhưng các em học sinh và phụ huynh hãy lưu ý, đừng đỗ vào các trường đại học bằng mọi cách. Bởi vì theo số liệu điều tra xã hội học hàng năm tại các trường đại học thì có tới 10% - 15% sinh viên các trường đại học bỏ học sau 1 năm để thi lại vào trường mình ước mơ ban đầu.

Như vậy sẽ rất tốn kém cho gia đình và mất thời gian. Thay vì chọn 1 trường phù hợp ngay từ đầu để cố gắng theo tới cùng hoặc chọn các trường cao đẳng, trung cấp nghề để học.

Nhiều khi một số ngành nghề chỉ yêu cầu trình độ Trung cấp đã có thể làm được việc sản xuất linh phụ kiện cơ khí, trong khi số lượng cử nhân ra trường lại đi làm những việc đó thì quá lãng phí về thời gian, trình độ và tiền của sau 4 năm học đại học”.

Hà Cường