Bạn đọc viết:

Nhớ cô bé đẫm nước mắt trong lớp múa…

(Dân trí) - Đọc bài viết Bạn đã bao giờ hỏi “Con có thích môn học này không?” trên báo Dân trí, tôi bất chợt nhớ tới cô bé 5 tuổi đẫm nước mắt trong lớp múa cuối tuần vừa rồi. Một đứa trẻ đã khóc vì không chịu vào lớp và khóc vì bị mắng, còn người mẹ cứ xa xả quát con, ép con vào học giữa chốn đông người.

Hôm ấy, khi theo chân cháu gái đến lớp học múa buổi đầu tiên ở nhà văn hóa, tôi bắt gặp nhiều cô bé tươi tắn trong bộ váy voan hồng nhạt đáng yêu. Các con như bầy chim non ríu rít chuyện trò, chạy nhảy, vui đùa. Và khi tiếng chuông báo giờ vào lớp, tôi nhìn thấy một cô bé theo đà kéo tay của người mẹ về lớp.

Bé con xinh xắn với hai bím tóc tết và bộ váy mới tinh tươm lại mang khuôn mặt bí xị, buồn thiu. Mấy phụ huynh đang đứng đợi con bên ngoài cửa lớp thấy vậy vội đùa và động viên “Đừng nhăn mà xấu chứ con!”, “Cười lên cho xinh nào…”, “Học múa xong, con sẽ dẻo và đẹp như cô giáo vậy đó…”.

Con trẻ bị mẹ đẩy vào lớp bắt đầu mếu máo: “Con không học múa, con không muốn học múa…”. Người mẹ vội to tiếng quát con: “Mi không học là ba mi đánh bây giờ. Nộp tiền học, mua đồng phục rồi, giờ không học là răng?”. Cô ấy phết vào mông con hai cái làm bé con càng khóc to hơn, inh ỏi hơn.

Mọi người vội xúm lại can ngăn và khuyên nhủ người mẹ bớt nóng giận. Trò chuyện một hồi mới phát hiện ra rằng hôm nay lớp múa đang có hẹn làm phóng sự ngắn để quảng bá các hoạt động vào dịp hè. Và người mẹ trẻ ấy muốn con phải tham gia, phải được lên hình.

Vì gia đình chúng tôi đăng ký muộn mấy buổi nên không hề biết thông tin ấy. Một bé gái xinh xắn và múa rành rọt nhất lớp được chọn làm sứ giả cùng cô tiên tham quan lớp múa và hòa vào điệu múa cơ bản của các cháu. Các cháu còn lại trong lớp tham gia để múa minh họa cho bài múa trong khoảng 4, 5 phút vậy thôi.

Ngạc nhiên là cô bé tức tưởi hồi nãy vẫn còn tỉ tê khóc. Con vừa quẹt nước mắt vừa lấm lét nhìn ra cửa nơi người mẹ nãy giờ vẫn chưa nguôi cơn giận nhìn trừng trừng vào. Ngạc nhiên hơn nữa là vào thời điểm quay phóng sự, người mẹ ấy chen chân vào cửa lớp, đẩy con mình lên hàng trên và ai cũng nhận ra cô ấy muốn con mình lọt vào ống kính ghi hình.

Chỉ với một buổi ghi hình phóng sự ngắn, ít nhất có một người mẹ đã thể hiện khao khát con cái trở nên “nổi tiếng”. Chỉ ở một lớp múa năng khiếu, ít nhất có một người mẹ vì sở thích, ước muốn cá nhân mình mà ép uổng con phải vào học, thậm chí là đánh mắng khi con không nghe lời.

Câu hỏi đặt ra cuối bài báo Bạn đã bao giờ hỏi “Con có thích học môn này không?” nghe qua cực kỳ bình thường hóa ra lại là chuyện hiếm thấy ở không ít người bố người mẹ hiện nay. Nhiều người luôn lấy lý do “học cho con”, “học vì tương lai của chính con” để ép con phải miệt mài ôn luyện mỗi mùa thi và “cày” từ lớp học thêm này đến lớp năng khiếu khác.

Khi mùa hè vừa sang, nhiều đứa trẻ thốt lên rằng “học kỳ 3 đang về”. Điều ấy quả là không sai bởi các con rời sách vở của chương trình chính khóa lại bắt tay vào chương trình ôn luyện hè rồi học trước chương trình của năm mới. Sự học với áp lực kiến thức, điểm số, thành tích dường như chưa bao giờ rời xa bọn trẻ…

Bởi vậy nên thật khó để vun bồi tình yêu với sách vở, niềm yêu thích chinh phục kiến thức, sự hăng say luyện tập năng khiếu khi mà nhiều đứa trẻ còn phải đến lớp học thêm vì “bố mẹ muốn vậy”, nhiều đứa trẻ vào lớp năng khiếu vì “bố mẹ thích vậy”. 

Một bé con 5 tuổi đã phản ứng với ý muốn của người lớn bằng gương mặt đẫm nước mắt ở lớp múa. Còn những đứa trẻ lớn hơn dường như quen dần với sự ép uổng của bố mẹ nên không khóc, không phản kháng, không ý kiến mỗi khi thời khóa biểu học thêm được đưa ra.

Vậy nhưng, đừng lầm tưởng là con vui vẻ đăng ký học năng khiếu, con vui thích đến lớp học thêm vì đó là sở thích, ý nguyện của con nhé! Hãy thử hỏi bọn trẻ chuyện học hành…

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!