Những "cao thủ" nhũng nhiễu trường thi

(Dân trí) - Khi các trường đã phanh phui hàng loạt trường hợp thi hộ, thi kèm và Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ dẹp đến cùng hình thức gian lận đặc biệt tinh vi này, thì "cao thủ" nhũng nhiễu trường thi vẫn... cười khẩy!

Hành tung còn trong mịt mùng nhưng trong một buổi chiều lúc hậu thi, hứng chí sau “vụ mùa nặng hạt”, cao thủ trường thi đã hào hứng kể chiến công của mình. Tất nhiên, không thể biết cao thủ này là ai nhưng có một sự thật đang tồn tại: Có rất nhiều cao thủ thế này tung hoành từ nhiều năm nay nhũng nhiễu chốn trường thi.

 

Quân cờ di động

 

Không thoả thuận trước, không nằm trong bất kỳ đường dây nào, tác chiến một mình, hoạt động kiểu…con thoi! Và sau đây là con đường ma quỷ của một cao thủ.

 

H. vốn là sinh viên xuất sắc của một trường đại học khá nổi tiếng của Hà Nội. Bốn năm trước, H. là một thí sính nghèo đến từ một vùng biển nghèo tỉnh Nam Định. Một thân một mình lặn lội vượt hơn trăm cây số đi thi, chứng kiến cảnh xe đưa xe đón tấp nập các cô chiêu cậu ấm, H.không khỏi chạnh lòng.

 

Sau bữa trưa ngổn ngang thức ăn và một xấp tiền 50 nghìn giúi vào tay của phụ huynh thí sinh ngồi cạnh cậu trả ơn cho việc H. đã nhắc bài cho cậu ấm này làm cho H. cực kỳ suy nghĩ. H. đỗ đại học với số điểm cực cao và một dự định đeo bám. Suốt một năm trời vừa đi học rạc người vừa làm gia sư vừa văn ôn võ luyện những kiến thức cũ để không bị mai một, cậu nóng lòng chờ mùa tuyển sinh năm sau.

 

Rồi mùa thi cũng đến! H. lại nộp hồ sơ dự thi “cõng” theo ý đồ: đến trường thi và gạ những thí sinh…cắn bút. Theo kinh nghiệm sẵn có, H. biết thí sinh cắn bút năm nào chẳng nhiều vô kể. Vì thế, cậu ta thảo  sẵn cho thí sinh cắn bút kia một mảnh giấy có nội dung: Tôi là thí sinh… SBD… đã chép bài của thí sinh…SBD. Số tiền phải trả nếu trúng tuyển là…

 

Thoả thuận này được thực hiện tức thì ngay trong phòng thi và được hạ thổ để chuyển lại cho H. Chưa năm nào H. ra về tay không vì thí sinh trong diện được thì vấn đề tiền không quan trọng, không được thì còn gì để mất, học mãi cũng chẳng đỗ được…nhan nhản!

 

Tống tiền

 

Chỉ cần một bài diễn văn trơn tru, sau mấy năm hành tẩu, số tiền H. kiếm được từ hầu bao của các bậc phụ huynh khá ngọt và thường gấp ba, gấp bốn lần số tiền “cò mồi” ban đầu. Đại loại, chỉ cần phủ đầu: Thôi cháu cũng chẳng thiết đỗ vì cháu cũng chẳng có tiền đóng học đâu mà thiết đỗ, tuỳ gia đình!

 

Những lần đầu vòi tiền, H. cũng thấy nhục nhã lắm! Cậu ta tự an ủi: Người ta gian lận để đỗ, người ta chẳng thấy nhục thì thôi, mình là thằng có chất xám, mình bỏ ra bán đi, có gì mà nhục! Nhưng trong kỳ thi vừa diễn ra năm nay, H. thấy buồn rầu lắm khi nhận tiền từ người bố da đen sạm, áo bạc mầu và đẫm mồ hôi của một thí sinh người Thanh Hoá. Cậu nghĩ thầm: Khổ thân ông bố quá khi có thằng con mất dạy, nuôi phí cơm, thi ba năm không đỗ mà vẫn vênh váo!

 

H. nhớ đến cha mình và thấy thương những đồng tiền một nghìn, hai nghìn nhọc nhằn được cột thành từng cột bằng dây cói ấy lắm nên đã trả lại tiền và cả tờ biên nhận nhăn nhúm nhưng ông bố đó kiên quyết từ chối vì sợ bị tố giác! Rồi nỗi buồn đó cũng qua nhanh khi H. tự tin: có phải thằng nào cũng vừa giỏi, vừa thông minh như mình để dễ dàng nghĩ ra được cách kiếm tiền!

 

Tảng băng chìm

 

Trà trộn vào thi như H, có bao nhiêu thí sinh như vậy? Câu trả lời rõ ràng đang là một ẩn số và sẽ còn là một ẩn số trong thời điểm mà vào đại học vẫn luôn là một con đường độc đạo!

 

Vậy là, khi Bộ GD-ĐT với những nỗ lực không ngừng ra tuyên bố: Kiên quyết ngăn chặn những hành vi gian lận trong thi cử thì những cao thủ như H. vẫn cười...

 

Mai Minh