Những đối tượng được Nhà nước ưu tiên cử đi học tại nước ngoài

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn tuyển sinh và chế độ tài chính thực hiện Quyết định số 599/QĐ-TTg về Đề án “Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2020.

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện Đề án 599.

Đối tượng tuyển sinh: Trình độ đại học, Học sinh đạt giải Olympic quốc tế; Học sinh có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực Văn hóa - Nghệ thuật, Thể dục - Thể thao;

Trình độ thạc sĩ: Giảng viên các cơ sở giáo dục đại học; Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ, các bộ, ngành và cơ quan nhà nước;

Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2013 đến năm 2020. Trong đó, thời gian tuyển mới các đối tượng đi học từ năm 2015 đến năm 2017.

Phương thức đào tạo: Đào tạo tập trung toàn thời gian ở nước ngoài; Đào tạo theo phương thức phối hợp gồm một phần thời gian đào tạo ở trong nước và một phần thời gian ở nước ngoài.

Ứng viên tham gia dự tuyển phải có cam kết hoàn thành nghĩa vụ học tập và về nước phục vụ sau khi tốt nghiệp theo quy định. Cam kết phải được cơ quan đang công tác hoặc gia đình (đối với người chưa có cơ quan công tác) bảo lãnh.

Đối tượng đi học đại học phải là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông; sinh viên đang học đại học năm thứ nhất hoặc năm thứ hai tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam vào thời điểm ban hành thông báo tuyển sinh; Những đối tượng này là học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn cử dự thi và đạt giải nhất, nhì, ba tại kỳ thi Olympic quốc tế; là học sinh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử dự thi và đạt giải nhất, nhì, ba các kỳ thi quốc tế thuộc lĩnh vực Văn hóa - Nghệ thuật và Thể dục - Thể thao.

Đối tượng đi học thạc sĩ yêu cầu tuổi dưới 35 tính đến ngày thông báo tuyển sinh; phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy đạt loại khá trở lên. Trường hợp đối tượng dự tuyển có bằng tốt nghiệp đại học do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng hoặc làm thủ tục công nhận văn bằng tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (trừ các trường hợp đi học theo chương trình học bổng ngân sách nhà nước và Hiệp định do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý).

Đồng thời phải là giảng viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, có ít nhất 2 năm công tác liên tục tại cơ sở cử đi học và được cơ sở xét chọn, cử dự tuyển; phải đáp ứng các quy định hiện hành đối với công chức, viên chức nhà nước đi học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và được cơ quan xét chọn và cử dự tuyển.

Nước cử đi học, trình độ đại học: Ưu tiên gửi đi đào tạo tại Anh, Canada, Đức, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Australia, Pháp, Trung Quốc và một số nước khác có thế mạnh về từng lĩnh vực đào tạo;

Trình độ thạc sĩ: Ưu tiên gửi đi đào tạo tại Anh, Canada, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Pháp, Trung Quốc (gồm cả Hong Kong và Đài Loan) và một số nước khác (Bỉ, Ireland, Ấn Độ, Singapore…) có thế mạnh về từng lĩnh vực đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ: www.moet.gov.vn và trang thông tin điện tử của Cục Đào tạo với nước ngoài tại địa chỉ: www.vied.vn.

Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng xét tuyển do Cục Đào tạo với nước ngoài chủ trì phối hợp với Vụ Giáo dục đại học thẩm định danh sách ứng viên theo nguyên tắc xét tuyển và trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định.

Hồng Hạnh