Sóc Trăng:

Những “người mẹ thứ hai” của học sinh khuyết tật

(Dân trí) - Đến trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng, nhiều người khâm phục, ngưỡng mộ những cô giáo đang trực tiếp giảng dạy cho các em học sinh có số phận không may mắn để các em có được những kiến thức, kỹ năng cần thiết trưởng thành và hòa nhập vào xã hội một cách tự tin.

Là một giáo viên đã gắn bó 24 năm với các em học sinh khiếm thính, cô Châu Thị Lụa chia sẻ: “Năm 1994, tôi về công tác tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật của tỉnh. Khi mới về đây vẫn có bỡ ngỡ nhưng thấy hình ảnh các em học sinh khiếm thị quờ quạng đi thì tôi rất thương. Trong những năm ở trường, tôi đã dạy qua các lớp chậm phát triển, khiếm thính và hiện nay phụ trách lớp học sinh khiếm thị. Lớp nào tôi cũng cố gắng hết mình vì các em học sinh thân yêu”.

Cô Châu Thị Lụa và các em học sinh khiếm thị.
Cô Châu Thị Lụa và các em học sinh khiếm thị.

Nói về phương pháp giảng dạy, cô Lụa cho biết: “Học sinh đều ở nội trú tại trường, xa gia đình nên các em chịu ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường tập thể. Tâm lý của các em đầu tiên bao giờ cũng có tâm lý của người khuyết tật, mặc cảm, muốn bỏ mặc mọi thứ và không vươn lên. Vì thế, chúng tôi phải gần gũi để nắm bắt tâm lý, động viên các em, giúp các em hiểu rằng, tuy mình “tàn nhưng không phế”, giúp các em nhận thức tích cực hơn trong học tập. Chính vì thế, các em có động cơ, thái độ học tập đúng đắn, đạt kết quả cao”.

Theo cô Lụa, dạy một học sinh bình thường đã khó nhưng để dạy một em học sinh khiếm thị hoặc khuyết tật thì vô cùng vất vả. Một học sinh khiếm thị khi giảng dạy hoặc chấm bài có lẽ phải bằng 10 học sinh thường. Trước hết, giáo viên phải thông thạo về chữ nổi, sau đó thường xuyên chấm sửa bài, giảng bài bởi khi các em viết bài, đọc bài hay vẽ hình sẽ rất khó khăn so với các em học sinh mắt sáng. Cô giáo phải hiểu được tâm tư, phương pháp đặc biệt dành cho học sinh khiếm thị để giúp đỡ, động viên, chia sẻ và hướng dẫn tỉ mỉ cho học sinh.

Nói về công việc của mình, cô Lụa tâm sự: “Chúng tôi không ngại vất vả khi dạy học sinh khiếm thị. Mong muốn của tôi và các đồng nghiệp là làm sao cho tất cả các trẻ khiếm thị đều được đến trường đúng độ tuổi. Hiện nay, vì nhiều lý do nên ở nhiều địa phương vẫn có không ít trẻ khuyết tật chưa được đến trường học. Chúng tôi rất mong phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện cho các em được đến trường, hòa nhập với cộng đồng tốt hơn”.

Các em học sinh khiếm thính với cô giáo Nguyễn Thị Thu Vân.
Các em học sinh khiếm thính với cô giáo Nguyễn Thị Thu Vân.

Rời lớp khiến thị của cô Châu Thị Lụa, chúng tôi đến lớp trẻ khiếm thính của cô Nguyễn Thị Thu Vân khi cô và trò đang cùng nhau vui vẻ trong lớp học.

Cô Thu Vân cho biết: “Hồi mới về trường, tôi rất bỡ ngỡ bởi các em học sinh ở đây rất đặc biệt. Có em không nghe được, không nói được, có em nói chỉ phát ra âm thanh chứ không thành tiếng. Thế nhưng, nhìn những khuôn mặt ngây thơ, những nụ cười nhỏ nhẹ, ấm áp, những đôi mắt trong veo ánh lên niềm vui khi được đi học của các em thì tôi thấy thương vô kể, lòng dạ cứ xôn xao nên không còn bỡ ngỡ mà gắn bó với trường cho đến nay đã 16 năm tròn”.

Vì thế, trong những năm giảng dạy, cô Thu Vân đã có nhiều cố gắng trong việc tìm tòi các phương pháp giảng dạy thích hợp với học sinh của mình, với mong muốn giúp các em có kiến thức, kỹ năng, sớm hòa nhập vào cuộc sống.

Để giúp các em tiến bộ trong học tập cũng như sinh hoạt, cô Thu Vân cho biết: “Giảng dạy đối tượng học sinh khuyết tật phải nói là rất khó khăn. Riêng với lớp học sinh khiếm thích, trong giảng dạy cũng như giao tiếp với các em, tôi luôn chú ý quan sát mọi cử chỉ, điệu bộ, động tác trên khuôn mắt cũng như miệng của các em để giải mã thông điệp các em muốn thể hiện là điều gì.

Bên cạnh đó, tôi cũng nghiên cứu chương trình, tham mưu cho ban giám hiệu để có giải pháp phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên liên hệ với phụ huynh để có biện pháp phối hợp giáo dục các em tốt hơn; phối hợp với bộ phận bảo mẫu để giáo dục cho các em kỹ năng sống, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em. Do các em ở lớp có nhiều độ tuổi nên tôi chia thành nhiều nhóm để các em sinh hoạt, học tập phù hợp hơn, bản thân mình cũng có biện pháp giáo dục phù hợp hơn.

Học sinh lớp tôi phụ trách luôn đạt chuẩn kiến thức kỹ năng theo yêu cầu của chương trình. Nhiều em rất tiến bộ, đạt thành tích cao trong học tập cũng như các hoạt động khác của nhà trường, sống rất có tình cảm. Nhìn các em trưởng thành, tôi rất vui và hạnh phúc. Vì vậy, tôi sẽ gắn bó mãi với ngôi trường này”.

Thầy Huỳnh Minh Tuấn - Hiệu trưởng trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Là trường nuôi dạy học sinh khuyết tật, đội ngũ cán bộ, giáo viên của chúng tôi luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong giảng dạy và trong mọi công tác khác với mong muốn giúp các em có kiến thức, có kỹ năng, hòa nhập tốt vào cuộc sống cộng đồng, tự tin bước vào đời một cách vững vàng. Vì thế, đội ngũ giáo viên của trường đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu tận tâm với các em học sinh khuyết tật, trong số này có cô Châu Thị Lụa, cô Nguyễn Thị Thu Vân”.

Cao Xuân Lương