Những quan niệm sai lầm trong cách dạy con

(Dân trí) - Hiện có hai trường phái dạy con: cho con chủ động tự học và bắt ép con theo khuôn khổ. Theo TS Văn học Diệu Lan Phương (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội), không phải lúc nào bố mẹ cũng kè kè bên cạnh nhưng sự đồng hành cùng con luôn quan trọng trong thời đại nhiều cám dỗ, nhiều lựa chọn.

Con tự do mới sáng tạo

Theo TS Diệu Lan Phương, mỗi học sinh có phương pháp học khác nhau. Bản thân chị, không chạy theo luyện Toán, Văn cho con bởi như thế phải bắt trẻ ngồi lì cả ngày.

“Bố mẹ mình là giáo viên, bản thân mình làm giáo dục, qua những trải nghiệm, phải hướng đến giá trị bền vững. Tự học là giá trị bền vững”, TS Lan Phương chia sẻ.

Cũng theo TS Phương, hiện có hai trường phái dạy con: Cho con chủ động tự học và bắt ép con theo khuôn khổ. Không phải lúc nào bố mẹ cũng kè kè bên cạnh nhưng chị cho rằng, sự đồng hành cùng con, luôn quan trọng trong thời đại nhiều cám dỗ, nhiều lựa chọn.

"Sai lầm từ trước đến nay, các gia đình hay áp đặt suy nghĩ của người lớn lên con. Tuy nhiên, hãy để con tự do mới có sáng tạo", chị khẳng định.

Nữ tiến sĩ dẫn chứng, trẻ con tập trung cao nhất 30 phút, trẻ lớp 1, 2 là 10 phút. Nếu bố mẹ bắt con ngồi bàn học 2 tiếng lãng phí, gây tâm trạng chán nản. Do đó, hãy cho con đi ra ngoài, vui chơi cũng là cách học, như thế kiến thức mới nhanh vào.


Theo TS Diệu Lan Phương, mỗi học sinh có phương pháp học khác nhau. (Ảnh: Đ.Q)

Theo TS Diệu Lan Phương, mỗi học sinh có phương pháp học khác nhau. (Ảnh: Đ.Q)

“Tôi hỏi con, nhân vật nào mình thích nhất. Con bảo thích con Rocky. Trong khi đó, tôi nghĩ con sẽ thích nhân vật Totto Chan. Rõ ràng, thông thường suy nghĩ của trẻ thơ sẽ khác với người lớn”, chị chia sẻ.

Chia sẻ về điều này, Thạc sĩ thực hành tâm lý học Phạm Lê Hoàng Minh cho rằng, không nhất thiết bắt buộc các bạn nhỏ cứ phải ngồi im lặng hàng tiếng đồng hồ trên bàn học. Thay vào đó, hãy cho trẻ chủ động học tập hơn là bắt ép, ngồi im.

Đồng tình với quan điểm của TS Diệu Lan Phương, Th.s Hoàng Minh cũng thừa nhận, mỗi bạn trẻ có mỗi phong cách khác nhau. Nếu áp dụng chung một cách thức theo đại trà thì chắc chắn sẽ có bạn không tương thích.

Để rõ hơn, ông cũng dẫn lại câu chuyện mình từng gặp mới đây, trường hợp một học sinh ở lớp học rất giỏi nhưng ở nhà bố mẹ không bao giờ thấy con học, con lại còn có thói xấu, có bạn trai.

“Khi gặp học sinh này, tôi thấy em không có vấn đề gì nhưng khi gặp mẹ, tôi thấy bà đang lo lắng quá mức. Do vậy, tôi đã khuyên phụ huynh nên bớt lo lắng, bớt áp lực”, Th.s Minh nhớ lại.

Không bao giờ bắt con viết nhiều lần một bài văn

Chia sẻ tại tọa đàm “Dạy con tự học hiệu quả”, vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 5/1, TS Diệu Lan Phương ủng hộ quan điểm kèm con nhưng sau đó để con tự do, chủ động sáng tạo.

“Tôi không kèm con, chỉ định hướng. Đặc biệt, bạn lớp 5 dạy bạn học lớp 1. Bạn lớp 1 sang học kỳ 2 đã biết đọc nên sẽ để học tự do. Ở nhà, hai chị em chơi trò cô giáo với nhau. Thậm chí, mẹ con chơi trò chơi với nhau. Khuyến khích con sáng tạo, không bao giờ bắt con làm đi làm lại một bài văn. Bài làm văn chỉ là một phần nhỏ trong năng lực ngôn ngữ, vì thế con viết gì, tôi cũng ủng hộ”, TS Phương cho biết.

Được biết, là người yêu thích sách vở nên ở nhà, chị thường đọc cho con nghe, ít nhất mỗi buổi tối 20 phút.

Chị cho biết thêm, từ nhỏ mình là người lười học nhất nhưng lại học giỏi nhất. Do đó theo chị, động lực bên trong mới trọng nhất, khuyến khích cho con có suy nghĩ, mục tiêu.

Nữ tiến sĩ cho hay, khả năng nhận thức của mỗi trẻ là khác nhau. Tùy trí thức, trí tuệ, cha mẹ không nên sốt ruột bởi đường học còn dài, nhanh hơn 1, 2 năm không có gì là vội.

“Cho dù áp dụng các phương pháp giáo dục phương Đông hay phương Tây, phụ huynh cũng không nên quá sùng bái, thấy gì hay sẽ học, cần căn cứ vào khả năng nhận thức của con, quan trọng phải dạy tình yêu thương quan trọng”, nữ tiến sĩ cho hay.

Về điều này, Th.s Minh cho rằng: “Tôi hay nói nuôi con như trò chơi thả diều, diều bay cao thì tay cầm phải lỏng, cầm chặt thì dây đứt”.

Ông khẳng định, tự học là tốt nhưng làm thế nào kiểm soát can thiệp nội dung tự học của con. Con phải là người chủ động lựa chọn nhưng phụ huynh nên đặt vấn đề cái nào phù hợp với con, cái nào không.

Mỹ Hà