Bạn đọc viết:

Nỗi lòng bố mẹ khi con thi học kì

(Dân trí) - Mấy ngày nay, bạn bè tôi đã đăng tải trên mạng xã hội những dòng tâm trạng về kì thi học kì 1 của các con. Có bạn còn chụp nguyên bài ôn tiếng Anh, môn Toán nhờ bạn bè tư vấn giùm là chọn đáp án nào vì khó quá, bố mẹ mày mò tìm hiểu hết rồi nhưng chưa dám chắc chắn đúng - sai.

Thế mới biết, bố mẹ nào cũng tận tâm lo lắng cho các con, kì thi sát nút càng khiến bố mẹ cũng bớt việc cơ quan, bớt việc nhà để ngồi học cùng con. Vượt qua kì thi đâu có dễ dàng gì, bố mẹ nào cũng mong con mình đạt điểm cao nhất, không thể tuột danh hiệu học sinh giỏi trong lớp. Tôi cũng như mọi người, mong con cố gắng hết sức, cố gắng không ngừng nghỉ và cũng sẵn sàng nổi khùng nếu con bị điểm kém.

Khi kì thi đang tới rất gần thì tôi cũng thấy chạnh lòng thương con mình, thương rất nhiều em học sinh đang học tăng ca túi bụi ở trường lớp, ở các trung tâm, ở nhà thầy cô cuối tuần. Hình ảnh các em ăn cơm vội vàng trên yên xe của bố mẹ trên đường đi học thêm, hoặc đứng xúc cơm ăn ngay cạnh cổng trường học cho kịp giờ là chuyện thường ngày, bất kì ai đưa đón con học hành đều dễ dàng bắt gặp. Nếu không ăn tranh thủ, ngủ gật gù thì làm sao có sức mà học ngày, học đêm, học để chiến thắng trong quá nhiều kì thi suốt thời đi học.

Chẳng ai có thể dửng dưng đứng ngoài cuộc đua khốc liệt về điểm số và thi cử của các con. Nhiều bậc cha mẹ cứ căn ke đến gần kì thi của con là chăm sóc con tỉ mỉ từ bữa ăn, giấc ngủ cũng như ốp con học tới khuya mới an tâm. Con thi học kì mà thua kém bạn bè 1 điểm thôi cũng khiến bố mẹ “mất ăn, mất ngủ”. Tại sao mình đã đầu tư cho con hết tốc lực như thế mà con vẫn thua kém bạn này, bạn khác? Nhất định con mình không phải là đứa dốt nát, chẳng qua con chưa chăm học, chưa học thêm thầy cô giỏi bằng con nhà người khác, thế thì con càng phải cố gắng hơn nữa.

Tôi từng kèm con suốt 2 năm ròng rã khi con mới vào lớp 1 và nhận ra một điều, mỗi khi tới kì thi con thường lo âu, sợ điểm kém làm bố mẹ thất vọng. Tôi đâu muốn con mình đi học về lúc nào cũng nơm nớp sợ sệt khi bố mẹ hỏi han. Vậy là tôi cố gắng lái mình khỏi guồng quay ép con học mà chỉ nhắc nhở, động viên con, hướng dẫn cho con để con tự học là chính. Mẹ vẫn kiểm tra bài vở hàng tuần của con, kịp chấn chỉnh khi thấy con học kém môn nào đó, chỉ rõ chỗ con sai sót. Tôi học cách chấp nhận những khuyết điểm của con, thay vì quát mắng con tôi hỏi han xem con và các bạn ở lớp học hành ra sao.

Con đang học lớp 4, cách đây vài tuần con thi giữa kì 1 được điểm 9, điểm 8. Con nói rõ là con đạt điểm 8 môn Tập làm văn, đúng môn học mà mẹ có khả năng hướng dẫn con tỉ mỉ nhất. Nhưng tôi không hề tức giận bởi con trai nói "môn Tiếng Việt không phải là môn mà con thích nhất, con không học giỏi văn như mẹ được". Khi tôi kể chuyện với một người bạn, bạn này nói "riêng con tớ thi cứ phải 10, tớ mới thích".

Bạn bè tôi nhiều người nghĩ tôi xuề xòa với việc học của con. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, con hãy học với niềm yêu thích chứ không phải học thuộc lòng như cháo chảy rồi quên ngay, học chỉ vì điểm số. Tôi kể cho con trai nghe về anh Phan Đăng Nhật Minh thi “Đường lên đỉnh Olympia”, anh ấy không học trường chuyên, anh ấy không đi học thêm mà tự học là chính, anh ấy giỏi giang thông minh khiến bao bạn bè nể phục. Con hãy cứ cố gắng tập trung học ngay trên lớp, tập trung khi tự học tại nhà thì chắc chắn con vẫn học tốt. Thời gian còn lại, con hãy cứ vui chơi thỏa thích, mẹ không bao giờ bắt con đi học thêm...

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!