Nơi tiếng học bài vang trên triền núi

(Dân trí) - Con đường mòn bé như sợi dây rừng dẫn tôi đến với những ngôi trường nằm vắt vẻo trên các rẻo cao, dưới thung lũng của huyện Văn Bàn, Lào Cai.

 Nơi đó như làng, như bản, nơi đó như thành phố với những công dân tí hon đang chen chúc nhau bộn bề đèn sách, nơi đó mùa này vui lắm.
 
Nơi tiếng học bài vang trên triền núi - 1

Nỗi niềm người thầy "cắm bản"

Tập quán canh tác, chăn nuôi lạc hậu đã khiến cái nghèo đeo đẳng bà con dân tộc Mông nơi này đã lâu lắm rồi. 90 hộ có tới hơn 70 hộ thuộc diện đói nghèo. Khi cái nghèo vẫn còn hiển hiện ở mỗi gia đình các bậc phụ huynh chưa quan tâm tới việc học của con cái. Nếp nghĩ đẻ nhiều con rồi cùng bố mẹ phát được nhiều nương đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây.

Thầy Lê Minh Tâm - Hiệu trưởng trường tiểu học Mà Xa Phìn cho biết. “Trường gồm 3 điểm lớp mở ở 4 thôn bản với 202 học sinh, với 18 giáo viên. Điểm trường nào cũng khó khăn riêng như phân hiệu Giàng Dúa Chải thiếu nước, thiếu điện trầm trọng. Hàng ngày để có nước sinh hoạt, các thầy phải đi bộ cõng nước cách đó 2km. Những giọt nước chỉ được dùng trong việc nấu ăn hàng ngày, nước thải được sử dụng cho việc tưới rau. Tắm giặt chỉ có ra suối. Điện thì vẫn chỉ là thứ... cực kì xa xỉ. Bớt  lo hơn chuyện điện, nước nhưng điểm trường  Mà Xa Phìn được coi là điểm khó khăn nhất bởi nằm ở nơi xa nhất huyện với con đường nhỏ như sợi dây rừng vắt ngang qua những vách đá dựng đứng.

Thầy Vương Chính Mong không nhớ nổi mình đã ở đây bao nhiêu mùa thảo quả, bao nhiêu mùa hoa mua mọc bên sườn đồi, nhưng thầy nhớ rất rõ đó là từng nóc nhà, từng lối mòn, từng "lứa" học sinh đã được thầy "gieo chữ". Thầy đã vinh dự được hai lần UBND tỉnh Lào Cai tặng bằng khen cho những nỗ lực không biết mệt mỏi trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục của xã.

Những giáo viên trẻ mang trong mình nhiều tâm sự, họ cũng lo cho cuộc sống sau này, rồi chuyện gia đình, con cái. Đang tuổi xuân mà ngày nào họ cũng trèo đèo, lội suối, phải sống trong một môi trường thiếu thốn như thế. Một mái ấm gia đình là niềm mong ước của nhiều thầy cô giáo trẻ. "Nếu không có lòng yêu nghề, tôi tin rằng không có ai  dám hi sinh cả tuổi trẻ đề gắn bó với cuộc sống khô cằn nơi vùng cao này".

Được chứng kiến cuộc sống  "3 cùng" của các thấy cô nơi đây, tôi càng hiểu rõ hơn công việc hàng ngày của những con người gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng cao. Buổi sáng khi tiếng chim Cư Cứ bắt đầu cất tiếng hót gọi đàn thì cũng là lúc các thầy cô chia nhau vào từng bản để gọi học sinh. Nếp sinh hoạt của người Mông và thời tiết giá lạnh khiến thời gian đến lớp của các em rất muộn

Cách các thầy "dụ" lũ trẻ đến trường cũng rất đặc biệt. Ngoài sự gần gũi, thân thiện với học sinh thì những hoạt động ngoài giờ lên lớp để thu hút học sinh cũng được các thầy chú trọng. Đó là những chiếc bập bênh, xích đu được các thầy cất công vào rừng chặt cây làm trò chơi cho học sinh hay chỉ là đoạn phim hoạt hình mà các thầy tải vào điện thoại khi có dịp xuống núi cho các em  xem trong giờ ra chơi. Cô giáo Đặng Thị Chúy, Chủ nhiệm lớp 3 thì có cách làm riêng, tặng cho những học sinh đi học đều, học tốt những phần thưởng đơn giản là chiếc bút, tập sách hay chỉ là một, hai cái kẹo mà cô tự bỏ tiền túi ra mua.
 
Nơi tiếng học bài vang trên triền núi - 2
Học sinh trường tiểu học Mà Xa Phìn trong một buổi học.
 
Gập ghềnh xuống núi tìm chữ

"Em không biết viết cái này, em không bắt chước được, con chữ loằng ngoằng lắm em chỉ biết đi bẫy con chuột trong rừng thôi!" - chú bé Giàng A Pùa  giãy nảy. Thầy giáo Mong dỗ dành, vậy thì mình hãy làm thử như cái bẫy chuột xem nhé. Những dòng kẻ này chính là đường đi của con chuột. Mình sẽ viết cái chữ theo dòng kẻ này nhé!. Dần dà những con chữ cứ đi theo dòng kẻ của Pùa. Đến nay em đã học lớp 6 ở trường nội trú huyện rồi. Có lẽ em không bao giờ quên cái ngày lần đầu tiên được vượt qua ngọn núi cao nhất ra phố huyện học. Lần đầu tiên được nhìn thấy những sự vật mà em chỉ nhìn qua chiếc tivi chạy bằng điện nước của nhà ông trưởng bản hay chỉ dám tưởng tượng qua những câu chuyện kể của các thầy cô. Nhà Pùa có 10 anh chị em nhưng chỉ có 3 anh em út được tới lớp. Các anh chị trên Pùa đều đã xây dựng gia đình. Ở cái tuổi của em nếu không đi học, cũng ở nhà nuôi thêm con trâu, con lợn để bố mẹ cưới vợ. Có lẽ, cha mẹ em là một trong số ít người nơi đây có cái nhìn vượt mây mù, núi cao. Họ biết không dứt được hủ tục, đói nghèo, không cho con em bám lấy cái chữ hẳn đời chúng cơ cực lắm!  Em tâm sự: "Cha mẹ dạy rằng, chúng phải thay cha mẹ cõng chữ về với bản để trẻ con có thể dạy người già cách đọc sách, cách tính toán... học hết con chữ ở đây em sẽ lên tận Lào Cai để học cái chữ "to hơn".

Ngôi trường tiểu học Mà Xa Phìn nằm chênh vênh trên sườn đồi cạnh bản. Mặc cho cái nghèo đói vẫn đeo bám cuộc sống nơi đây, mặc cho cái rét khắc nghiệt nơi vùng cao này, cứ vào buổi sáng lũ trẻ vẫn tung tăng đến trường với một manh áo mỏng manh trên đôi chân trần còn lấm bùn đất. Trên vai chúng ngoài cặp sách trĩu nặng là vài thanh củi mang đi để đốt sưởi ấm trong lớp học. Nhiệt độ ngày hôm nay đã xuống tới 5 độ C. Ngoài trời sương mù dày đặc, trong lớp thì tối om  nhưng lớp cô Chúy chỉ vắng 1 bạn, hoạt động dạy học vẫn diễn ra bình thường. Giữa lớp, một đống lửa được đốt lên để xua tan cái lạnh và cũng để cung cấp ánh sáng cho lớp học. Xen lẫn bài dạy của cô là những tiết mục được các "ca sĩ nhí" thể hiện rất chuyên nghiệp.

Chúng chăm chỉ như những người Mông ở đất này vậy. Hàng ngày ngoài giờ học, chúng phải lên rẫy giúp cha mẹ hay vào rừng kiếm củi, bẫy con chuột, con chim làm thức ăn bổ sung nguồn đạm cho gia đình. 

Món quà mọn chứa tình cảm lớn

Khổ là vậy mà khi hỏi chuyện chúng vui lắm. Chúng bảo: "Đi học thích lắm! Không xuống lớp lấy cái chữ thì ở nhà phải leo núi mỏi chân, cuốc rẫy phồng tay". Có lẽ thấy được "cái sướng" của mình nên chúng học rất chăm. Cứ tối khi cơm đã ấm cái bụng thì chúng lại rủ nhau học bài, không có điện thì đốt một đống lửa to để học.

 Ước mơ của bạn nhỏ Phà Thị Vi là muốn trở thành một bác sĩ. Em tâm sự: "Bản em chưa có trạm y tế, người dân bị ốm đau toàn phải tự chữa hay phó mặc cho những ông thầy cúng". Còn bạn Sênh thì lại muốn trở thành thầy giáo chỉ đơn giản là em rất quý thầy giáo chủ nhiệm của mình.

Những ngày lễ tết là dịp chúng bày tỏ tình cảm với các thầy cô theo cách riêng của mình. Đó là những nhành phong lan mà chúng cất công vào rừng kiếm làm quà cho cho các thầy cô vào ngày 20/11 hay những là những lời mời  vào góp vui với gia đình vào Tết cổ truyền của dân tộc. Sắp đến Tết, dường như bạn nào cũng háo hức hơn. Những món quà tặng thầy cô về vui xuân được các em chuẩn bị từ khá lâu, bạn Cú có hẳn một cành đào rừng tặng thầy, còn bạn Sênh sẽ có một chú chim Ngũ Sắc tuyệt đẹp làm quà cho cậu con trai 4 tuổi của thầy giáo chủ nhiệm...

Dẫu biết rằng phía trước còn đó nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng hàng ngày tiếng các em bi bô học bài đã vang khắp lòng thung, triền núi lan vào từng nhành cây kẽ lá trên từng thửa ruộng bậc thang. Niềm vui tỏa rạng trên từng nếp nhăn của người già, trên những nét hồn nhiên của những đứa trẻ vùng cao này.

Bài và ảnh: Vân Kiên