Nữ tiến sĩ có nhiều công bố quốc tế từ trải nghiệm nhóm nghiên cứu

(Dân trí) - “Được tham gia vào nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và kết cấu tiên tiến của Đại học Công nghệ - ĐH QGHN là trải nghiệm quý giá và bước ngoặt trên hành trình nghiên cứu khoa học của tôi” - TS Vũ Thị Thùy Anh, nữ Tiến sĩ có nhiều công bố quốc tế đã trải lòng như vậy.

Hành trình của chị không thể thiếu bóng dáng của những người thầy, đồng nghiệp đã cùng gây dựng nên một nhóm nghiên cứu mạnh.

Gồng mình học… để qua môn

TS Vũ Thị Thùy Anh bắt đầu ước mơ nghiên cứu khoa học của mình vào năm 2005, khi chị là sinh viên năm nhất ngành Cơ kỹ thuật - Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN nhận được học bổng chính phủ sang Nga du học  - nơi theo chị là tốt nhất để theo học về Vật lý.

Nhớ lại những ngày đó, chị kể, ngày qua ngày tại trường ĐH Bách Khoa Saint - Petersburg, cô sinh viên theo học ngành ngành Lý cơ cứ phải gồng mình lên theo học để qua môn chứ chưa nói gì tới ước mơ lớn lao hơn, bởi đi bất cứ đâu, gặp bất kì người Nga hay người Việt nào chỉ cần nhắc tới khoa Lý cơ là mọi người lại lắc đầu ngao ngán về mức độ khó của ngành.

Bảy năm vất vả, Thùy Anh tốt nghiệp Thạc sỹ và về nước theo lời khuyên của bố mẹ. “Khi đó tôi muốn theo đuổi học tiếp lên tiến sĩ nhưng bố mẹ sợ tôi vất vả qua nên khuyên tôi trở về nước làm việc, ổn định cuộc sống”. Chị trở về và trở thành một trong những giảng viên nữ hiếm hoi của bộ môn Côn nghệ Xây dựng - Giao thông, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.

Công việc giảng dạy đòi hỏi chị cần tiếp tục học tập, phấn đấu. Câu hỏi đặt ra với chị khi đó là “học Tiến sĩ trong nước hay nước ngoài?”. Nhiều lời khuyên dành cho chị nên ra nước ngoài nhưng cuối cùng chị quyết định học Tiến sĩ trong nước.

Nữ tiến sĩ có nhiều công bố quốc tế từ trải nghiệm nhóm nghiên cứu - 1

TS Vũ Thị Thùy Anh cùng các thành viên trong Nhóm nghiên cứu tại buổi lễ bảo vệ tiến sĩ

“Khi ấy cơ duyên đưa tôi đến với nhóm nghiên cứu của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nhóm chỉ có 3 thành viên bao gồm thầy là trưởng nhóm và 2 sinh viên, tôi là thành viên thứ tư của nhóm. Được tham gia vào nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và kết cấu tiên tiến của Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội là trải nghiệm quý giá và là bước ngoặt trên hành trình nghiên cứu khoa học của tôi” - Chị Thùy Anh nhớ lại những ngày đầu tham gia nhóm nghiên cứu.

Chị cho biết, nguyên tắc làm việc của một nhóm nghiên cứu là lớp trước hướng dẫn lớp sau, người đi trước hỗ trợ người đi sau, thầy là người hướng dẫn, chỉ đạo từ trên xuống, nhóm làm việc với tinh thần thoải mái, không phân biệt tuổi tác hay trình độ. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu từ 4 thành viên đã trở thành một nhóm lớn với gần 30 thành viên đến từ các trường đại học khác nhau trong cả nước.

Nhiều công bố quốc tế

Khi được hỏi, làm việc trong một nhóm nghiên cứu khác gì với làm việc độc lập, chị Thùy Anh cho biết, làm việc trong nhóm nghiên cứu không chỉ giúp người tham gia hiểu hơn về tình hình khoa học giáo dục trong nước mà quan trọng là giúp mỗi người thấy được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, khắc phục điểm yếu và phát huy thế mạnh.

Hơn hết làm việc trong nhóm nghiên cứu là sẽ không cảm thấy bị nhàm chán, những khó khăn luôn nhận được sự chia sẻ, động viên kịp thời của các thành viên trong nhóm, niềm vui cũng nhân đôi, nhân ba.

Nhớ lại ngày nhận được kết quả công bố đầu tiên trên tạp chí quốc tế uy tín ISI, chị Thùy Anh kể: “đó là ngày tôi vỡ òa cảm xúc, hạnh phúc vì nỗ lực của mình đã có thành quả nhưng hơn nữa là trân trọng và biết ơn những người đã cùng đồng hành với mình trên một chặng đường ban đầu nhiều khó khăn”.   

Nữ tiến sĩ có nhiều công bố quốc tế từ trải nghiệm nhóm nghiên cứu - 2

Tiến sĩ Vũ Thị Thùy Anh và GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng Nhóm nghiên cứu

Phụ nữ làm khoa học có nhiều hạn chế về mặt thời gian cũng như khả năng tập trung vào công việc, nhưng bù lại chị Thùy Anh có được sự ủng hộ hết lòng của gia đình. “Làm khoa học mà không có được điều đó không thể làm được, tôi biết ơn gia đình đã đồng hành để sau 4 năm, tôi vừa hoàn thành luận án Tiến sĩ, vừa được trải nghiệm trong môi trường làm khoa học với các chuyên gia trong nước và quốc tế hàng đầu” - Chị Thùy Anh chia sẻ.

Sau 4 năm với quyết định làm Tiến sĩ trong nước và tham gia nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và kết cấu tiên tiến của Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, TS Vũ Thị Thùy Anh đã có 7 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế ISI, 4 báo cáo tại hội nghị quốc tế trong nước và 2 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước. Đây là con số đáng “nể” đối với một nữ TS mới có vỏn vẹn 6 năm đặt chân vào “địa hạt” nghiên cứu khoa học.

Chị chia sẻ, con đường làm khoa học đối với chị còn rất dài nhưng ngay ở những bước đi đầu tiên chị đã nhận được một “món quà” lớn, đó là sự trưởng thành, bắt đầu từ quyết định đúng đắn khi tham gia vào một nhóm nghiên cứu.

“Việc của tôi là tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học đã lựa chọn, tiếp tục góp phần thúc đẩy hoạt động của nhóm nghiên cứu, tôi nhận được thành quả từ đó thì phải trao đi cho những người khác cũng đang chập chững bước những bước đầu tiên giống tôi cách đây 6 năm”.

TS Vũ Thị Thùy Anh hy vọng mô hình nhóm nghiên cứu sẽ được nhân rộng ở nhiều trường đại học trên cả nước nhằm đưa chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh của Việt Nam ngang tầm quốc tế.

Thu Minh

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục