Ông giáo già 22 năm miệt mài dạy học miễn phí nơi sân đình

Về nghỉ hưu nhưng với lòng yêu nghề và tình thương những học trò nghèo không có điều kiện học tập tốt, thầy Nguyễn Trà (phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội), nguyên giáo viên trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) lại mở lớp dạy miễn phí cho các em.

22 năm qua, biết bao lứa học trò đã trưởng thành, thậm chí có người từng học ở "lớp học sân đình" còn đem con đến nhờ vị giáo già nhân từ giảng dạy.

Thầy Nguyễn Trà giảng bài cho học trò. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thầy Nguyễn Trà giảng bài cho học trò. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Thầy bỏ tiền túi động viên trò tới lớp

Ở tuổi 82 nhưng thầy Trà vẫn rất minh mẫn, vẫn đều đặn giảng bài cho học trò mỗi chủ nhật hàng tuần. “Ngày trước, tôi dạy bốn buổi mỗi tuần, giờ già rồi thì dạy một tuần một buổi,” thầy Trà chia sẻ.

Lớp học bắt đầu đơn giản với việc những người trong xóm gửi con đến học khi thầy về hưu. Khi được cử trông đình làng Trung Tự, thầy lại đưa trò ra đình học. Sân đình rộng, không gian yên tĩnh, mọi người đến xem, thấy lớp học vui vẻ, cởi mở, thầy lại không lấy tiền nên xin đăng ký cho con.

Không chỉ dạy cho các học trò quanh xóm, lớp học của thầy Trà còn có cả những học sinh là trẻ em lang thang, bán hàng rong. “Ra ngoài đường, thấy các cháu bán bánh mì, trông thất thểu, tôi hỏi có muốn học không? Nếu thích học cứ đến nhà thầy, không có sách thầy cho sách, không có bút thầy cho bút, không có ăn thầy cho ăn…”

Lớp học cứ thế đông dần lên và có đủ mọi trình độ, từ lớp một đến đại học. Ở đó, người thầy giáo già cũng cặm cụi dạy trò đủ mọi lĩnh vực, từ toán, văn, sử đến ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và dạy các em cả những bài học làm người. Để dạy có hiệu quả trong lớp học đặc biệt đó, thầy chia lớp thành từng nhóm, mỗi nhóm lại dạy một nội dung phù hợp, giảng bài cho nhóm này xong thầy lại chuyển sang nhóm khác.

Lớp học dành cho những học sinh nghèo, cả những học sinh bỏ học giữa chừng hay không có điều kiện đến trường nên thách thức với thầy Trà không hề nhỏ. Có những em ban đầu không thích học, nghịch phá, thầy phải tìm cách để khuyên nhủ. Có em mẹ ốm phải đi viện mà không có tiền, thầy cho tiền. Học sinh nghèo nên vài tháng, thầy lại tổ chức sơ kết để kịp thời khen thưởng bằng bút, vở. “Em học giỏi thì thưởng nhiều, em học yếu hơn thì thưởng ít hơn, nhưng em nào cũng có quà. Phần thưởng tuy nhỏ nhưng khích lệ tinh thần học tập của các em, vừa để hỗ trợ dụng cụ học tập cho trò,” thầy Trà chia sẻ.
 
Thầy Nguyễn Trà giảng bài cho học trò. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ở tuổi 82, thầy Trà vẫn cặm cụi bên trang giáo án để giảng bài tốt hơn cho học trò nghèo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Còn sức, tôi còn dạy học"

Hơn 20 năm dạy học từ thiện, "gia tài" thầy Trà có được chính là cuốn sổ ghi chép tất cả tên hơn 300 cô cậu học trò của mình. Mỗi cái tên đều gợi cho thầy kỷ niệm và cả niềm vui khi chứng kiến sự trưởng thành của các em. Có những học trò khi đã trưởng thành, đã xây dựng gia đình, lại đưa con đến học thầy.

Từng là học trò của thầy Trà, chị Nguyễn Thị Hồng Vân, nhân viên tổng đài Taxi Group Hà Nội chia sẻ: “Ngày đó tiếng Anh chưa phổ cập và không phải gia đình nào cũng có điều kiện đi học nên lớp học của thầy ý nghĩa lắm. Thầy dạy rất dễ hiểu và những bài giảng của thầy đến giờ vẫn hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc. Bây giờ, tôi lại đưa con đến học thầy…”

Em Nguyễn Bảo Duy Phong, học sinh lớp 2, Trường tiểu học Nam Thành Công, Hà Nội, thì mỗi cuối tuần đến học với thầy Trà là một ngày vui: “Trước, mẹ em học ở đây, giờ mẹ lại cho em học ở đây với thầy Trà. Khi học với thầy em rất vui và thấy mình tiến bộ hơn rất nhiều.” 

Còn với thầy Trà, sự tiến bộ, trưởng thành của các học trò chính là phần thưởng lớn nhất cho sự nghiệp trồng người của mình.

Say sưa ngắm học trò đang tung tăng nô đùa ở sân đình, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc, thầy Trà bảo: “Nhiều người hỏi tôi mở lớp với mục đích gì? Tôi chẳng có mục đích gì ngoài việc giúp các em có thêm kiến thức, thêm hành trang trong cuộc sống. Học sinh tiếp thu bài tốt, học sinh nên người, những kiến thức tôi dạy góp phần giúp cuộc sống tương lai của các em tốt hơn, đó là động lực lớn nhất giúp tôi duy trì lớp học suốt hơn 20 năm qua. Khi nào còn sức thì tôi còn dạy…”.
 
Theo Vietnam+