Phải đánh giá, trả công xứng đáng với những cống hiến của nhà giáo

(Dân trí) - Nhà nước và xã hội phải đánh giá đúng và trả công xứng đáng với công sức lao động và những cống hiến của nhà giáo. Phải dựa vào trình độ và hiệu quả công tác của giáo viên, tránh cào bằng. Nếu không, mọi đổi mới, cải cách của nền giáo dục sẽ không thể đi đến đâu.

Đó là ý kiến của nhà giáo Lê Thị Thanh Trà – Vũ Thị Ngọc Dung, trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương trong bài viết phân tích “Phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục Việt Nam”.

Theo nhà giáo Lê Thị Thanh Trà – Vũ Thị Ngọc Dung đội ngũ nhà giáo nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần lưu ý những giải pháp cụ thể quan trọng.

giao vien.jpg

Cần có chính sách khuyến khích thực sự đối với đội ngũ nhà giáo thông qua chế độ đãi ngộ xứng đáng.

 

Xác định đúng đắn vai trò của đội ngũ nhà giáo.

Từ Hội nghị TW 2 khóa VIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh”. Luật Giáo dục năm 2005 cũng khẳng định: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhà nước… có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình…” (Điều 15). Đây là những quan điểm đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước về giáo dục, đào tạo nhưng rất tiếc, lâu nay chúng ta quán triệt và thực hiện tinh thần này chưa thực sự tốt.

Chúng ta đã nhấn mạnh học sinh, người học là “trung tâm” mà xem nhẹ vế giáo viên, người dạy là “quyết định”… chính vì vậy, cần khẳng định một cách mạnh mẽ và sâu sắc vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với chất lượng giáo dục và đối với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo của nước nhà.

Nếu quan điểm này không được quán triệt sâu sắc để trở thành một nhận thức nhất quán thì không thể đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của chúng ta được.

Đội ngũ nhà giáo là căn cứ quan trọng để hoạch định chủ trương, chiến lược giáo dục, đào tạo

“Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế….” là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước của toàn dân, chứ không phải là công việc của một số ít người, càng không thể chỉ là công việc của các nhà lãnh đạo, quản lý.

Để làm được việc này, cần khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, xây dựng. Nhưng hơn ai hết là lực lượng cơ bản trực tiếp quyết định hoạt động trong các nhà trường của hệ thống giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo các cấp học, bậc học ở mọi miền đất nước hiểu rõ những thuận lợi và khó khăn của nền giáo dục, những hay, dở của cơ chế, chính sách đối với giáo dục, đào tạo, những điểm mạnh, yếu của học sinh, sinh viên, những bất cập, hạn chế của chương trình, nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá… Họ hiểu rõ cái gì cần thay đổi, cái gì cần loại bỏ, cái gì cần kế thừa, phát triển.

Không ai hiểu rõ thực tiễn giáo dục, đào tạo Việt Nam bằng chính những nhà sư phạm, những thầy cô giáo dục của chúng ta. Đội ngũ nhà giáo là căn cứ quan trọng để hoạch định chủ trương, chính sách, chiến lược giáo dục, đào tạo.

Đội ngũ nhà giáo là một trong những chủ thể tham gia hoạch định chủ trương, chính sách, đề án, chiến lược đổi mới và chính họ là những chủ thể cơ bản thực thi chiến lược, đề án, chính sách và chủ trương đổi mới ấy… Vì lẽ đó, nền giáo dục cần lắng nghe ý kiến của đội ngũ nhà giáo từ nội dung tổng thể đến từng bộ phận cấu thành, từ xác định mục tiêu, nguyên tắc đến thiết kế nội dung, chương trình của từng bậc học, cấp học…

Tránh cào bằng đối với cống hiến nhà giáo

Cần có chính sách khuyến khích thực sự đối với đội ngũ nhà giáo thông qua chế độ đãi ngộ xứng đáng. Nghề giáo là một nghề đòi hỏi rất cao, không chủ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn về đạo đức, tư cách, sự đầu tư thời gian, công sức. Lao động sư phạm là lao động đặc biệt, vừa là lao động khoa học vừa là lao động nghệ thuật.

Thế nhưng, nhiều năm nay, các nhà giáo phải xoay xở đủ kiểu làm thêm để tăng thu nhập. Do đó, phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam đòi hỏi phải thực sự chú trọng giải quyết vấn đề này.

Nhà nước và xã hội phải đánh giá đúng và trả công xứng đáng với công sức lao động và những cống hiến của nhà giáo. Phải dựa vào trình độ và hiệu quả công tác của giáo viên, tránh cào bằng. Nếu không, mọi đổi mới, cải cách của nền giáo dục sẽ không thể đi đến đâu.

Nghề giáo phải có sức hấp dẫn về nhiều mặt để thu hút được nhiều học sinh giỏi vào nghề. Cần phải sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, bảo đảm để giáo viên dạy ở trường công và gia đình họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình trong xã hội.

Cần cải thiện điều kiện làm việc để nhà giáo thực hiện các hoạt động giáo dục một cách chuyên nghiệp. Có như vậy, họ mới có thể có điều kiện để toàn tâm, toàn ý với nghề, chủ động, sáng tạo gắn bó hết mình với công việc.

Phải tạo môi trường dân chủ, công minh

Bản thân ngành giáo dục, cả giáo viên, học sinh, nhà quản lý, nhất là đông đảo giáo viên, nhà giáo bất bình với những tiêu cực của giáo dục nhưng đành bất lực, đành “sống chung với lũ”… Vì vậy, việc đổi mới giáo dục đào tạo không thể gọi là căn bản, toàn diện, nếu không tạo ra, xây dựng nên một cơ chế vận hành, cơ chế quản lý vừa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống vừa phát huy cao độ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở, của nhà trường và thực sự phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của giáo viên.

Cơ chế ấy phải là môi trường dân chủ, công minh, vừa thúc đẩy sáng tạo, tôn vinh nhân tố tích cực vừa ngăn ngừa tiêu cực và dễ dàng thải loại những giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, đào tạo, những nhà quản lý yếu kém, hư hỏng.

Vận hành cơ chế ấy, tất nhiên phải là đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chuyên nghiệp, tận tâm, thạo việc, có năng lực điều hành. Họ phải được đào tạo bài bản, am hiểu khoa học quản lý giáo dục, am hiểu giáo dục, đào tạo, biết dựa vào đội ngũ nhà giáo, biết phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo…

Muốn vậy, cần tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ quản lý giáo dục là những nhà giáo trưởng thành từ cơ sở, có năng lực, uy tín, am hiểu sâu sắc thực tiễn giáo dục, nhìn xa trông rộng.

Hơn nữa, phải có cơ chế thuận lợi để giáo viên và giảng viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý, cán bộ quản lý cấp dưới tham gia đánh giá cán bộ quản lý cấp trên, cơ sở giáo dục tham gia đánh giá cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục…

Như vậy, không thể đi đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nếu từ đầu và trong toàn bộ quá trình đổi mới không chú ý khai thác, tập hợp, tiếp thu những ý kiến sâu sắc, những đóng góp tâm huyết đầy trách nhiệm của các thầy cô giáo, các nhà sư phạm trong cả nước; và không thể gọi là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nếu nội dung hoạt động đổi mới, cải cách ấy không thực sự chú trọng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo… Làm được như thế là thực sự khẳng định vai trò quyết định của nhà giáo đối với sự nghiệp trồng người.

Hồng Hạnh (ghi)