Phải tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm trong đề thi tốt nghiệp THPT 2020

(Dân trí) - Đó là yêu cầu của Bộ GD&ĐT đối với quy trình ra đề thi tốt nghiệp THPT 2020. Theo đó, tổ ra đề thi cần tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm và tổ hợp thành đề thi theo đúng yêu cầu về nội dung đề thi.

Quy trình ra đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được Bộ GD&ĐT quy định cẩn thận chi tiết trong dự thảo Quy chế thi.

Phải tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm trong đề thi tốt nghiệp THPT 2020 - 1

Ảnh minh họa

Về quy trình ra đề thi, Bộ GD&ĐT yêu cầu, căn cứ yêu cầu của đề thi, mỗi Tổ ra đề thi có trách nhiệm soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi (chính thức và dự bị) cho một bài thi/môn thi được giao phụ trách.

Việc soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án và hướng dẫn chấm thi phải đáp ứng các yêu cầu của Quy chế thi.  

Riêng đối với đề thi trắc nghiệm, Ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa (gọi chung là Ngân hàng câu hỏi thi) được xây dựng theo quy định của Bộ GDĐT là nguồn tham khảo quan trọng để soạn thảo đề thi tại khu vực cách ly theo quy trình như sau:

Chủ tịch Hội đồng ra đề thi giao cho thư ký dùng phần mềm chuyên dụng rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ Ngân hàng câu hỏi thi và chuyển cho các Tổ trưởng ra đề thi; Tổ trưởng ra đề thi phân công các thành viên trong Tổ ra đề thi thẩm định từng câu trắc nghiệm;

Tổ ra đề thi làm việc chung, lần lượt tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm và tổ hợp thành đề thi theo đúng yêu cầu về nội dung đề thi trong Quy chế thi; sau khi tinh chỉnh lần cuối, Tổ trưởng ra đề thi ký tên vào các đề thi và bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng ra đề thi;

 Thư ký thực hiện khâu trộn đề thi thành nhiều phiên bản khác nhau; Tổ ra đề thi rà soát từng phiên bản của đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi và ký tên vào từng phiên bản của đề thi;

Sau khi soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh, các đề thi được tổ chức phản biện độc lập; các cán bộ phản biện đề thi có trách nhiệm đọc, giải đề thi và đánh giá đề thi theo các yêu cầu của quy định và đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần thiết; ý kiến đánh giá của các cán bộ phản biện đề thi là một căn cứ để Chủ tịch Hội đồng ra đề thi tham khảo trong quá trình duyệt đề thi.

Bộ GD&ĐT yêu cầu ban In sao đề thi làm việc tập trung theo nguyên tắc cách ly triệt để từ khi mở niêm phong đề thi đến khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi;

Ban in sao đề thi, đọc soát đề thi gốc, kiểm tra kỹ bản in sao thử, so sánh với bản đề thi gốc trước khi in sao; trường hợp phát hiện sai sót hoặc có nội dung còn nghi vấn trong đề thi gốc phải báo cáo ngay với Chủ tịch Hội đồng thi để đề nghị Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia xử lý.

Công an trực bảo vệ đề thi 24/24 giờ

Về bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại Điểm thi, Bộ GD&ĐT quy định, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được khoá và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký Trưởng Điểm thi, cán bộ thanh tra và công an), chìa khóa do Trưởng Điểm thi giữ.

Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của những người ký nhãn niêm phong, lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong.

Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày và phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ.

Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày; có một Phó trưởng Điểm thi là người của trường phổ thông không có thí sinh dự thi tại Điểm thi trực tại phòng trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại Điểm thi.

Riêng trong các ngày thi, thời gian trực tại phòng bảo quản đề thi, bài thi của Phó trưởng Điểm thi được tính kể từ thời điểm kết thúc công việc của buổi thi cuối ngày thi trước đến thời điểm bắt đầu công việc buổi thi thứ nhất của ngày thi hôm sau.

Việc mở túi đựng đề thi, phát đề thi cho thí sinh phải được thực hiện tại phòng thi đúng thời gian và đúng bài thi/môn thi theo quy định trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GDĐT.

Nhật Hồng