Hà Tĩnh:

“Phép thuật” thay đổi lực học ở trường có điểm đầu vào đội sổ

(Dân trí) - Tại ngôi trường cấp 3 thường xuyên "đội sổ" về điểm đầu vào ở Hà Tĩnh, nhờ sự nỗ lực không ngừng trong việc dạy và học, tập thể nhà trường và những cá nhân xuất sắc đã tạo nên “phép thuật” để cải thiện lực học của học sinh.

Đó là những thực tế tại Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) - ngôi trường luôn có điểm đầu vào thấp nhất tỉnh (năm 2019 điểm đầu vào tại ngôi trường này là 9,50, bình quân mỗi môn 1,9 điểm) nhưng ngược lại có tỷ lệ học sinh đạt tốt nghiệp luôn nằm tốp đầu. Đặc biệt trong năm học 2018-2019, một lớp học ở trường này có 100% học sinh đều đậu đại học với 21 điểm trở lên.

Điều kỳ diệu trên được tạo ra từ những nỗ lực trong công tác quản lý, giảng dạy của ban lãnh đạo, đội ngũ giáo viên, nổi bật trong đó là phương pháp truyền đạt kiến thức cho học trò của thầy giáo Hoàng Quốc Quyết - Phó Hiệu trưởng nhà trường - một thầy giáo trẻ tràn đầy nhiệt huyết.

Xem học trò như người thân trong nhà

Sinh năm 1987, ở xã Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh), từ nhỏ Hoàng Quốc Quyết đã là một học sinh nghèo hiếu học. Tốt nghiệp THPT, anh chọn thi vào Trường Đại học Sư phạm Huế (ngành Sư phạm Địa lý) với lý do rất đơn giản đó là học Sư phạm được miễn học phí nên giảm gánh nặng cho gia đình, ra trường sẽ có việc làm.

“Phép thuật” thay đổi lực học ở trường có điểm đầu vào đội sổ - 1

Thầy giáo Hoàng Quốc Quyết - Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Đình Liễn.

Sau khi tốt nghiệp Sư phạm, anh Quyết về quê hương nộp hồ sơ xin việc, tuy nhiên thời điểm đó ở Hà Tĩnh chỉ có 4 chỉ tiêu giáo viên Địa lý, anh nghĩ rằng không có mấy cơ hội và đã nộp thêm hồ sơ ở một số trường ở miền Nam. Tuy nhiên, không ngờ, kết quả xét tuyển điểm anh Quyết rất cao, anh được phân công về Trường THPT Nguyễn Đình Liễn - ngôi trường vừa chuyển đổi từ hệ bán công sang công lập.

“Khi tôi về nhận công tác tại đây, điểm đầu vào của các em rất thấp. Là người sinh ra và lớn lên ở miền biển này, tôi rất hiểu điểm số trên không phải do các em không thể tiếp thu được kiến thức, mà lâu nay người dân ở đây chủ yếu tìm cách mưu sinh, cuộc sống khó khăn, học sinh không có điều kiện tốt để học tập, chưa mấy chú trọng con chữ. Bắt đầu từ đó, tôi đã có suy nghĩ phải có phương pháp bồi bổ lại kiến thức đã thiếu hụt cho các em” - thầy Quyết nói.

Cụ thể, một chương trình học của thầy Quyết, nếu với các học sinh khá, có thể dạy 20 buổi nhưng với học sinh yếu thì phải dạy đến 50 buổi. Ngoài ra, thầy còn dạy kèm, phụ đạo miễn phí vào buổi tối cho các em học sinh chưa bắt kịp kiến thức. Những học trò khó khăn đều được thầy trích khoản tiền lương ít ỏi, in tài liệu, mua sách vở… giúp các em học tập.

Theo thầy Quyết, điều quan trọng của việc khơi dậy đam mê học tập của các em không phải nặng nề, gò bó, cứng nhắc mà là sự gần gũi, thương yêu, xem học trò như người thân trong nhà. Từ đó, dễ nắm bắt được tâm lý, tính cách… dễ dàng truyền tải kiến thức cho các em.

“Lợi thế của tôi là còn trẻ, tuổi không chênh nhiều với học trò, như lứa đàn anh nên dễ đồng cảm và chia sẻ với các em. Nhờ biết hòa đồng và chia sẻ nên các em rất hợp tác. Có những em rất ngổ ngáo nhưng kết quả học tập rất tốt, thái độ cũng được sửa đổi. Từ những em đó, mình lại lấy gương để nói với các em lứa sau, giúp các em tự tin và cố gắng hơn” - thầy Quyết chia sẻ.

“Phép thuật” thay đổi lực học ở trường có điểm đầu vào đội sổ - 2

Thầy Quyết (bên phải) cùng học trò dọn vệ sinh sân trường.

Hai đối tượng mà thầy Quyết quan tâm nhất là đối tượng thi tốt nghiệp và thi đại học. Hàng năm, thầy đều mở nhiều lớp học miễn phí để ôn thi cho các em tại trường. Thầy Quyết còn đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngay từ đầu lớp 10, thầy đã tiếp cận, đặt vấn đề và quan tâm bồi dưỡng các em học sinh có triển vọng.

Với phương pháp đó, gần như năm nào học sinh của thầy Quyết cũng đều đạt thành tích cao trong các kỳ thi Học sinh giỏi (HSG). Có năm, 2 học sinh lớp 10 do thầy bồi dưỡng đã đạt HSG môn Địa lý lớp 12 cấp tỉnh, có em đạt giải Nhì HSG cấp quốc gia. Đây cũng là giải HSG quốc gia đầu tiên của Trường THPT Nguyễn Đình Liễn. Bên cạnh đó kết quả thi tốt nghiệp, thi các trường đại học môn học của thầy luôn đạt tỷ lệ cao.

Khơi dậy điểm mạnh của mỗi học trò

Trong quá trình giảng dạy, thầy Quyết nhận ra, nhiều học sinh tiếp thu kiến thức không được tốt nhưng các em lại có những điểm mạnh riêng về thể dục thể thao, văn nghệ, khoa học kỹ thuật… Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, gắn bó với công tác Đoàn trường 8 năm, thầy Quyết đã tạo các sân chơi để các em kết hợp hài hòa giữa học tập và phát triển kỹ năng.

“Các em tiếp thu không tốt mình khiển trách nhắc nhở sẽ khiến các em tự ti với bạn bè, khó cải thiện học lực. Do đó mình phải tìm thấy điểm mạnh tạo sân chơi cho các em thể hiện, khi được khen thưởng, tuyên dương sẽ tạo động lực cho các em phấn đấu” - thầy Quyết phân tích.

“Phép thuật” thay đổi lực học ở trường có điểm đầu vào đội sổ - 3

Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Đình Liễn và khách mời Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong diễn đàn "Truyền thống hiếu học và lòng hiếu thảo" được tổ chức tại ngôi trường này.

Thầy Quyết cũng thường xuyên tổ chức các phong trào xung kích, tình nguyện của thanh niên, khơi dậy và tạo sự lan tỏa tích cực như: “Mỗi ngày một việc tốt”, “Xây dựng tình bạn đẹp”, “Nói không với bạo lực học đường”; các chương trình ngoại khóa giáo dục sức khỏe, kỹ năng sống, các hoạt động xã hội, chuyên đề về biển đảo… Từ những diễn đàn, phong trào này đã trang bị cho học sinh nhiều kỹ năng, sống biết chia sẻ, có trách nhiệm, biết yêu thương và tình nghĩa thầy – trò thêm gắn bó.

Đặc biệt, năm 2017, thầy Hoàng Quốc Quyết đã triển khai phong trào “Mỗi ngày một việc tốt” trong tất cả đoàn viên ở các chi đoàn và giáo viên. Bằng những hành động, việc làm thiết thực trong học tập, trong rèn luyện và tu dưỡng, đến nay, phong trào “Mỗi ngày một việc tốt” của Đoàn trường THPT Nguyễn Đình Liễn đã trở thành mô hình được nhiều trường THPT trên địa bàn học tập và nhân ra diện rộng.

Với những đóng góp của mình trong công tác giảng dạy và các phong trào đoàn thể, thầy Quyết được sự tín nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường, tin tưởng của đồng nghiệp và sự tin yêu của học sinh, phụ huynh. Năm 2018, thầy Hoàng Quốc Quyết được bổ nhiệm Hiệu phó trường THPT Nguyễn Đình Liễn sau 8 năm công tác.

“Phép thuật” thay đổi lực học ở trường có điểm đầu vào đội sổ - 4

Thầy Quyết (thứ 3 từ trái sang) cùng 7 đảng viên trẻ ở Hà Tĩnh tham gia chương trình gặp gỡ “500 đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác” toàn quốc năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội.

Không những đóng góp trong chuyên môn, thầy Quyết còn có nhiều sáng kiến khoa học đạt giải cao như “Vấn đề dân số và truyền thống lịch sử văn hóa Hà Tĩnh” (xếp loại sáng kiến bậc 4 cấp ngành, giải Nhì quốc gia), “Biện pháp giáo dục ý thức tự giác cho học sinh trường THPT X, tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn hiện nay” (xếp loại sáng kiến bậc 3 cấp ngành)…

Năm 2018, thầy Quyết là 1 trong 2 thanh niên Hà Tĩnh được xét duyệt gương mặt tiêu biểu nhận giải thưởng Cán bộ công nhân viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ V. Mới đây, thầy Quyết vinh dự là 1 trong 8 đảng viên ở Hà Tĩnh tham gia chương trình gặp gỡ “500 đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác” toàn quốc năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội.

Tiến Hiệp