Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Soi” lại giáo dục từ các khẩu hiệu trong nhà trường

(Dân trí) - Chiều nay 26/7, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã họp về công tác dạy đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội thảo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Soi” lại giáo dục từ các khẩu hiệu trong nhà trường - 1

Phiên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực diễn ra vào chiều ngày 26/7

 Càng lên lớp cao hơn, nội dung thời lượng môn giáo dục đạo đức càng giảm

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, chương trình, nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã có nhiều đổi mới.

Giáo dục đạo đức được giảng dạy liên tục, xuyên suốt từ tiểu học đến THPT trong các chương trình môn học. Các cơ sở giáo dục đã chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng các chuyên đề dạy học trong mỗi môn học và các chuyên đề tích hợp, liên môn phù hợp…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ  đã thừa nhận công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế; mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều, trong khi mục tiêu dạy người vẫn còn bị xem nhẹ.

Việc phân bố nội dung, thời lượng môn giáo dục đạo đức chưa phù hợp; càng lên lớp cao hơn, nội dung môn giáo dục đạo đức càng giảm trong chương trình chính khóa; việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chưa thực sự chuyển biến, nhiều khi còn dừng ở hình thức.

Nghị quyết số 29 của Trung ương đã chỉ rõ: “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn”.

Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 cũng nhấn mạnh: “chú trọng giáo dục nhân cách đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân”.

Người đứng đầu ngành giáo dục thẳng thắn nhận trách nhiệm là ngành Giáo dục thời gian qua chưa có những giải pháp căn cơ, hiệu quả đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Bên cạnh đó, chính quyền và các đoàn thể xã hội ở một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa phối hợp cùng nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và chính quyền các cấp trong chỉ đạo, thực hiện giáo dục đạo đức, văn hoá lối sống còn hạn chế, xem nhẹ giáo dục lễ giáo, đạo đức, lối sống mà tập trung chủ yếu cho các môn văn hoá (dạy chữ).

Một số giáo viên hạn chế về năng lực, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp dạy học, chậm đổi mới; cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống, chưa thể hiện vai trò nêu gương đối với học sinh.

Với những hạn chế trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra giải pháp, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, qui định về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, trong đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học tiếp cận định hướng chương trình GDPT mới, phát triển năng lực học sinh; lấy học sinh làm trung tâm.

Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao vai trò nêu gương của ban giám hiệu và giáo viên, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp.

Đặc biệt quan tâm tới vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, tạo nền tảng đạo đức, nhân cách cho các em; Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ đi đôi với phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục, gắn trách nhiệm của ban giám hiệu trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh.

Phải nhìn thẳng vào bất cập, yếu kém trong công tác dạy người

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, không phải thời điểm này mà khi bàn Nghị quyết 29 đã thấy rõ những biểu hiện suy thoái đạo đức lối sống trong xã hội gia tăng, trong đó có nguyên nhân khách quan là của cả hệ thống, cả xã hội, nguyên nhân chủ quan là về quản lý nhà nước của ngành giáo dục.

Sau Nghị quyết 29 đã bàn, đã làm, đã chuyển biến nhưng đến nay nhận định của Nghị quyết 29 vẫn còn nguyên giá trị. Biểu hiện suy thoái vẫn có nguy cơ gia tăng, biểu hiện suy thoái trong ngành giáo dục cũng không ít; bạo lực học đường, tiêu cực trong chấm điểm, dạy thêm, học thêm không đúng, học để thu tiền, học được điểm cao. “Chúng ta phải nhìn thẳng sự thật, bây giờ nhất định phải làm mạnh hơn” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Soi” lại giáo dục từ các khẩu hiệu trong nhà trường - 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Theo Phó Thủ tướng chia sẻ, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều nói đào tạo lý thuyết của chúng ta tốt nhưng thực hành kém, tác phong công nghiệp yếu, điều này cũng chính là bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho người học.

Vì vậy, trong phiên họp này, các chuyên gia tổ tư vấn, ngoài cách đánh giá có hệ thống, phải có cách tiếp cận cụ thể, trực diện hơn. Ví dụ, có rất nhiều loại khẩu hiệu, phong trào liên quan đến giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”, "Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm", nhiều phong trào thi đua, có phong trào “Dân chủ, kỳ cương, tình thương, trách nhiệm”...

"Từ khẩu hiệu soi lại giáo dục đã làm đúng chưa. Tất cả học sinh thuộc 5 điều Bác Hồ dạy, với học sinh lớp 1 "Yêu tổ quốc yêu đồng bào" phải khác với sinh viên đại học.

5 điều Bác Hồ dạy là dạy tất cả mọi người chứ không phải riêng trẻ em. Nhưng nhìn vào thực tế chưa làm tốt những điều Bác dạy", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho hay: "Thời gian qua, tôi rất cố gắng thuyết phục đổi mới khai giảng, “tất cả vì học sinh thân yêu” mà để học sinh đội nắng chờ khai giảng, hát quốc ca bật nhạc có sẵn thì không được. Bên cạnh đó, nhà vệ sinh, sân vườn cũng chưa được các nhà trường chú ý".

Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị những vấn đề này phải được nâng lên thành hoạt động trọng tâm, triển khai ngay trong năm học mới và phải kiên quyết làm.

Theo đó, việc đầu tiên phải từ những quy định, chỉ đạo của Bộ GD&T để đảm bảo thực hiện được công tác giáo dục đạo đức, lối sống.

“Chúng ta cần nêu ra được một số việc cụ thể, chỉ ra được, điểm tên được, để hết năm học tới tổng kết lại xem dạy đạo đức lối sống, dạy làm người có chuyển biến không?”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều quan điểm, nhiều biện pháp để nâng cao đạo đức giáo dục học sinh. Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật các ý kiến này!

Hồng Hạnh