Phụ huynh “ép” nhà trường... phạm luật

(Dân trí) - Quy định là chuyện quy định, còn ở các trường mầm non việc dạy trẻ tập viết dưới 5 tuổi đã trở thành một thực tế khó cưỡng. Vì nếu trường mầm non đó tuân thủ theo quy định, lập tức sẽ bị các ông bố bà mẹ đối xử lạnh nhạt ngay!

Dạy trẻ em 5 tuổi tập viết từ lâu nay đã trở thành hiển nhiên đến mức nhiều bậc phụ huynh coi đó là mục đích cho con đến trường mẫu giáo. Và với sức ép như vậy đã buộc nhiều trường mẫu giáo xem đó là một trong những tiêu chí làm nên  thành tích, uy tín để “tính điểm” đối với các bậc phụ huynh.

 

Rồi cả nhà trường lẫn phụ huynh đều cùng sai: Nhà trường sai Luật, phụ huynh sai vì đã làm hại chính con mình.

 

Phụ huynh không cần… Luật!

 

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Trần Thị Tâm Đan, mục tiêu của giáo dục mầm non là chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1, các em phải được vui chơi chứ không phải học chữ.

 

Bà Trần Thị Tâm Đan đã nêu ra một thực tế: “Khi tôi đến một trường mầm non ở Hà Nội thì cô hiệu trưởng khoe đã dạy các cháu đọc thông viết thạo. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có thể không biết nhưng hiện nay một số địa phương quy định trẻ phải qua mẫu giáo 5 tuổi mới được vào lớp 1. Luật đâu có quy định thế.”

 

Hậu quả xấu của việc cho trẻ 5 tuổi tập tập viết, ngành giáo dục hiểu hơn ai hết, vì vậy đã có quy định đối với trẻ chưa vào lớp 1 thì giáo viên tuyệt đối không được dạy trước trẻ tập viết mà chỉ dừng ở mức độ làm quen với các chữ cái, thông qua các chuyên đề “làm quen với văn học và chữ viết”.

 

Thực tế, đối với các bậc phụ huynh, con họ phải đựơc tập viết trước khi vào lớp 1, thậm chí cả việc học tính toán thông thạo thì càng tốt chứ chỉ biết mặt chữ của 29 chữ cái thì không đủ! Vì họ nghĩ, trước hết là con mình không được thua con vợ chồng ông A, bà B hàng xóm… Sau đó là để con mình khỏi bỡ ngỡ khi vào lớp 1.

 

Chương trình tiểu học bây giờ nặng nề quá tải là điều ai cũng nhìn nhận thấy, nếu muốn đảm bảo tiến độ chương trình học, trên lớp, các thầy cô giáo lấy đâu ra thời gian để uốn nắn chữ viết cho từng học sinh? Học viết buổi ban đầu vô cùng quan trọng, lơ là thì sau này làm sao sửa được nét “gà bới” và không học bắt đầu từ lớp mẫu giáo thì sẽ học vào lúc nào? 

 

Tuy nhiên, các yếu tố khác đi kèm với việc dạy viết chữ như trình độ, phương pháp dạy của các cô giáo, bàn ghế có đúng kích cỡ, ánh sáng có đủ tiêu chuẩn… thì họ hình như lại không nghĩ ra để quan tâm.

 

Hãy thương lấy mầm non!

 

Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục đều đưa ra kết luận: Không nên dạy trước cho trẻ em 5 tuổi biết đọc, biết viết vì ở lứa tuổi này, cơ quan thần kinh của trẻ phát triển chưa toàn diện, cơ xương tay còn yếu, chưa phù hợp.

 

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở lứa tuổi này, bán cầu não phải của trẻ phát triển rất mạnh, giúp trẻ phát huy những môn năng khiếu như múa, hát, kể chuyện, đọc thơ... Còn bán cầu não trái, nơi tiếp thu những quy định, những kiến thức về văn hoá phát triển chậm hơn.

 

Mặt khác, bên cạnh những lý do về sức khoẻ để không nên cho trẻ tập viết trước 5 tuổi, còn có những lý do về tâm lý như: Nếu biết đọc, biết viết trước, trẻ sẽ không còn cảm giác bỡ ngỡ, thú vị với những kiến thức được học vì “mình đã biết trước hết rồi”, lâu dần trẻ mất hứng thú trong học tập và thờ ơ với ngay cả những kiến thức nâng cao khác …

 

Dù vậy, cũng không thể phủ nhận một điều rằng nếu trẻ biết viết trước khi vào lớp một sẽ khiến các em cảm thấy tự tin và không mấy vất vả trong việc học các chữ cái khi vào chương trình học chính thức và các em sẽ không bị bỡ ngỡ... Song, đó chỉ là cái lợi rất nhỏ so với cái hại từ việc cố tình vi phạm luật này.

 

Rõ ràng, ngành giáo dục có lý khi đặt ra quy định không được cho trẻ 5 tuổi tập viết. Nhưng với một chương trình tiểu học quá nặng nề, các bậc phụ huynh cũng rất có lý khi hào hứng đến thế trong việc làm trái luật. Và rút cục người chịu thiệt thòi nhất lại là con em chúng ta.

 

Mai Minh