Phú Thọ tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 11-CT/TƯ của Bộ Chính trị về khuyến học, khuyến tài

(Dân trí) - Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả mà các cấp, ngành và nhân dân toàn tỉnh Phú Thọ đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ; GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; đại diện Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Trung ương, Bộ GD-ĐT đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh; đại diện một số trường học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Những con số đạt biết nói

Phú Thọ là tỉnh miền núi nghèo, trình độ phát triển dân trí, dân sinh không đồng đều; điều kiện kinh tế ở các địa phương có sự chênh lệch khá xa; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn 10,44% là một cản trở lớn trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh.

Tuy nhiên, UBND tỉnh và Hội Khuyến học đã linh động, sáng tạo, tùy cơ ứng biến với khó khăn, đưa ra nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, cách làm mới tiêu biểu như: “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2006-2010”; Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2020; “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020”; “Xóa mù chữ đến năm 2020”; “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” nhằm đưa công tác khuyến học khuyến tài tới gần hơn với người dân.

Bên cạnh đó, phong trào kêu gọi toàn dân thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học đã tạo ra được những kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể: về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được duy trì bền vững 100%, phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt mức độ 2, xóa mù chữ đạt mức độ 2; Tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp tiểu học vào học lớp 6 đạt 99,79%; Thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi có bằng trung học cơ sở đạt tỷ lệ 95,2% (đạt mục tiêu). Tỷ lệ người biết chữ trong các độ tuổi như sau: Độ tuổi 15-25 đạt 99,93%, độ tuổi 26-35 đạt 99,65%, độ tuổi trên 35 đạt 98,98%.

Hội Khuyến học các cấp đã biên tập và tuyên truyền nhiều tài liệu, như: Tập san “Khuyến học, khuyến tài Đất Tổ” (7.000 cuốn); Kỷ yếu “Gương gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học tiêu biểu tỉnh Phú Thọ” nhân Đại hội Thi đua Khuyến học (3 tập); Tập san “Giáo dục Đất Tổ” (20.000 cuốn).

17 tập thể, 16 cá nhân được nhận bằng khen thực hiện xuất sắc chỉ thị 11 - CT/TƯ.
17 tập thể, 16 cá nhân được nhận bằng khen thực hiện xuất sắc chỉ thị 11 - CT/TƯ.

Mô hình hay, cách làm giỏi

Để có được kết quả như ngày hôm nay, gần 400.000 hội viên Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ đã miệt mài, hăng say là cầu nối đưa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tới từng nhà, từng xóm khắp nơi trong tỉnh. Tiêu biểu như mô hình “tiếng trống khuyến học” của Hội khuyến học xã Thượng Nông, Tam Nông, Phú Thọ. Tiếng trống nhắc nhở các phụ huynh và học sinh tự giác học tập, hướng tới hoạt động sinh hoạt lành mạnh được vang lên vào 7 giờ tối hàng ngày thông qua đài truyền thanh của xã. Mô hình này đã được người dân hưởng ứng rất cao và tạo ra làn sóng thúc đẩy phong trào học tập của toàn xã.

Ngoài ra còn có các phong trào thiết thực, gắn với thực tế địa phương như: tiết kiệm nuôi lợn nhựa khuyến học; học bổng khuyến học Hương Chè; Nhà mái ấm khuyến học, tiếp sức học sinh nghèo đến trường, chắp cánh ước mơ; khuyến học khuyến tài đất Tổ… Mỗi một huyện, xã, thôn bản lại có một mô hình riêng biệt, mang đậm nét địa phương để phục vụ chính công tác khuyến học địa phương mình gần với người dân nhất.

Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ cũng phối hợp với các trường đại học, các ngành có liên quan tổ chức các hoạt động khởi nghiệp, hội thảo "học để biết - học để làm - học để chung sống - học để làm người", tọa đàm hướng nghiệp, dạy nghề cho người lao động. Nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người trong độ tuổi lao động có được việc làm, thu nhập ổn định, giảm đói nghèo và tệ nạn xã hội. Những công tác đó đã góp một phần lớn công sức vào sự phát triển, thay đổi giáo dục của tỉnh nhà.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Điểm yếu kém còn tồn đọng

Tại Hội nghị tổng kết, bà Nguyễn Thị Kim Hải, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ, chỉ ra những yếu kém tồn đọng trong công tác khuyến học, khuyến tài Đất Tổ.

Một là nhận thức của một số cấp ủy và một bộ phận cán bộ, Đảng viên về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa thực sự đầy đủ. Một số địa phương chưa xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; do đó công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa phát triển sâu rộng, hiệu quả còn thấp.

Hai là phong trào thi đua khuyến học chưa được thường xuyên, đồng đều giữa các vùng miền trong tỉnh. Việc triển khai các hoạt động khuyến tài còn hạn chế. Công tác khuyến học, khuyến tài chưa khuyến khích, thu hút được những người có trình độ, học thức cao về tỉnh làm việc, công tác, phục vụ quê hương.

Ba là Phú Thọ là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, phong tục tập quán khác nhau; kinh tế văn hóa xã hội chậm phát triển, trình độ dân trí chưa cao, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn. Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu khách quan, cần thiết về sự nghiếp giáo dục và đào tạo, về học tập suốt đời nên chưa nhiệt tình, tâm huyết, đầu tư cho học tập thường xuyên, xây dựng xã hội học tập.

Bà Hải đề nghị các cấp hội và hội viên, trong thời gian tới, phải tiếp tục nâng cao chất lượng khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập mạnh mẽ, quyết liệt, đúng trọng tâm hơn nữa; nêu cao tinh thần, đi sâu, đi sát và đồng hành với học sinh, phụ huỳnh và toàn xã hội.

Hà Cường