Phúc khảo bài thi từ 0 lên 8,5 điểm: Sai sót lớn trong kỹ thuật chấm thi?

(Dân trí) - Sự việc 58 bài thi bị điểm 0 của thí sinh Tây Ninh sau phúc khảo nhiều bài nâng lên cao vút, có bài lên đến 8,5 điểm. Nhiều cán bộ đại học tham gia chấm thi trắc nghiệm cho rằng, đây là sai sót lớn về kỹ thuật, chứ không phải gian lận.

Khi phát hiện lỗi bất thường hàng loạt điểm 0 trong bài thi của thí sinh ở tỉnh Tây Ninh, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT Tây Ninh rà soát báo cáo.

Theo đó, báo cáo của Ban chấm phúc khảo bài thi Tây Ninh giải thích với Bộ GD&ĐT, nguyên nhân của việc 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án.

Phải sửa chữa bài thi lỗi kỹ thuật

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Văn Tớp – trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, một trong những khâu quan trọng trong công tác chấm thi là xây dựng phần mềm chấm thi trắc nghiệm.

Lỗi chấm thi ở Tây Ninh phải là những người trực tiếp làm mới phát hiện được. Nếu chúng ta làm việc với tinh thần trách nhiệm, rà soát kỹ số thí sinh vắng, tô nhầm số báo danh, rà soát kỹ mã đề trong phòng thi thì sẽ hạn chế thấp nhất những sai sót.  

Ông Tớp cho hay, phần mềm chấm thi năm nay có tính bảo mật rất cao. Hầu hết dữ liệu từ khâu quét, đến khâu sửa lỗi, khâu chấm đều được mã hóa và bảo mật. Bản thân người chấm cũng không thể nhìn được toàn bộ bài thi của thí sinh và cũng không thể can thiệp được. 

Bộ phận chấm thi gửi về Bộ kết quả chấm thi cuối cùng dưới dạng mã hóa, mà muốn mở được cũng phải do Ban Chỉ đạo thi mới mở được. 

Phúc khảo bài thi từ 0 lên 8,5 điểm: Sai sót lớn trong kỹ thuật chấm thi? - 1

Để chấm trắc nghiệm cần cán bộ có kinh nghiệm.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – ĐH Quốc gia Hà Nội – đơn vị chấm thi trắc nghiệm của thành phố Hà Nội cho biết, để chấm trắc nghiệm cần cán bộ có kinh nghiệm. Các bài trắc nghiệm trên thực tế có thể xảy ra tô đậm nhạt, thậm chí cùng lúc tô 2 đáp án, hoặc thí sinh ghi sai mã đề dẫn đến chấm sai.

Những trường hợp như vậy, tổ chấm thi phải kiểm tra và khi thấy khác thường phải lập biên bản và xác định, đưa ra quyết định cuối cùng trước khi đưa vào máy chấm. Việc xử lý này mất khá nhiều thời gian và cần sự giám sát rất nghiêm ngặt, khách quan.

Các trường đại học thường đã chấm thi trắc nghiệm nhiều lần thì rất rõ việc này.

"Đây là sai sót về kỹ thuật, chứ không phải gian lận" - GS Đức nhấn mạnh.

GS Đức cho rằng, qua sự việc này, Bộ GD&ĐT cần rút ra kinh nghiệm để phổ biến, tập huấn kỹ cho các Hội động thi, cho các cán bộ chấm thi những năm sau.

Được biết, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại địa phương này và lần đầu tiên tham gia chấm thi THPT quốc gia.

Phúc khảo bài thi từ 0 lên 8,5 điểm: Sai sót lớn trong kỹ thuật chấm thi? - 2

Phải kiểm dò từng bài của thí sinh để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Chấm cẩn thận đã không xảy ra sai sót

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết, nếu như nhóm chấm thi lần 1 ở Tây Ninh mà chấm hết sức cẩn thận đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì sẽ không xảy ra trường hợp như vậy. Bởi phần mềm chấm thi năm nay rất tốt, có độ bảo mật rất cao, từng pha một trong quá trình chấm đều có sự giám sát của cán bộ thư ký, cán bộ chấm thi, cán bộ giám sát.

Ông Thạch cho rằng, có thể có nhiều nguyên nhân, một phần do thí sinh, một phần do phiếu làm bài thi, giấy không đảm bảo an toàn, nên điều quan trọng nhất là nhóm cán bộ chấm thi phải làm việc cẩn thận, kiểm dò từng bài của thí sinh để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

"Trong quá trình thực hiện, phần mềm liên tục được cập nhật để nhận diện chính xác tối đa số báo danh, mã đề thi hoặc những chỗ thí sinh tô đúp, tô mờ. Nếu nhóm chấm thi làm cẩn thận sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề này" - ông Thạch cho hay.

Một cán bộ trường đại học tham gia chấm thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia Hà Nội năm nay cho biết, đối với hiện tượng nhiều bài thi trắc nghiệm ở Tây Ninh bị điểm 0 sau phúc khảo tăng lên cao như vậy cần phải làm rõ 3 vấn đề:

Thứ nhất, lỗi do phía thí sinh tô nhầm số báo danh/mã đề.

Thứ hai, lỗi do kỹ thuật viên thao tác sai quy trình chấm hoặc phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) lỗi hoặc chất lượng máy quét, chất lượng phiếu kém không đúng chuẩn dẫn đến phần mềm nhận diện sai.

Thứ ba, lỗi do phần mềm chấm thi.

Vị cán bộ này cho rằng, nếu do lỗi thứ 1,2 thì có thể khắc phục ngay trong quá trình quét và chấm thi thông qua quá trình kiểm dò.

Nếu mắc phải lỗi thứ 3 thì đây là vấn đề mang tính hệ thống, cần phải rà soát lại cụ thể cả quy trình. Vậy có thể loại trừ lỗi này không?

Về quá trình kiểm dò bài thi, theo vị cán bộ chấm thi này, có 2 tính năng kiểm dò, đó là bằng phần mềm nhưng phần mềm chỉ có khả năng kiểm dò và phát hiện những lỗi mang tính logic và chỉ có công tác thủ công mới khắc phục được các lỗi phi logic.

“Lỗi này hoàn toàn do con người, do cán bộ chấm thi lệ thuộc vào phần mềm chấm thi. Khi đưa ra quy trình chặt nhưng không loại trừ được các lỗi phi logic. Trong khi đó, chất lượng máy quét ở các địa phương không như nhau, chất lượng phiếu khác nhau… Do đó, Bộ GD&ĐT cần làm rõ nguyên nhân để khắc phục cho năm sau” – cán bộ chấm thi này nhấn mạnh.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang kiểm tra, rà soát nguyên nhân cụ thể về hiện tượng chấm thi ở Tây Ninh gây bức xúc dư luận hiện nay và sẽ có kết quả trong vài ngày tới.

Hồng Hạnh