“Quả bóng” dạy nghề sẽ lăn về đâu?

Ngày Luật giáo dục sửa đổi bắt đầu có hiệu lực (1/1/2006) cũng chính là khởi điểm cho những thay đổi lớn trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Hệ công nhân kỹ thuật bị khai tử, hàng trăm trường nghề sẽ đồng loạt “lên đời” với cái tên mới. Những đổi thay này có đủ sức tạo thêm sức mạnh cho ngành dạy nghề hay không hiện vẫn chưa rõ.

 

Trong khi đó, theo tiên liệu của các nhà giáo dục, năm 2006 sẽ là một năm đầy biến động của ngành dạy nghề...

 

Thay đổi và... rối!

 

Theo Luật giáo dục sửa đổi (LGDSĐ), hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ gồm hệ đào tạo THCN và dạy nghề. Trong đó hệ dạy nghề sẽ chia thành ba bậc: sơ cấp nghề, trung cấp (TC) nghề và cao đẳng (CĐ) nghề.

 

Nghĩa là kể từ năm học 2006, hệ CNKT sẽ không còn tồn tại trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thay vào đó là sự ra đời của hai hệ đào tạo mới toanh: TC nghề và CĐ nghề. Hơn 230 trường dạy nghề cả nước sẽ phải “thay tên đổi họ” để đảm nhận nhiệm vụ mới.

 

Theo Tổng cục Dạy nghề, tất cả các trường này sẽ đồng loạt được chuyển thành trường trung cấp nghề. Tổng cục Dạy nghề cũng đã ban hành danh mục 21 nghề sẽ được đào tạo ở trình độ CĐ và TC nghề. Nhiều trường nghề đang gấp rút tiến hành các thủ tục để xây dựng đề án thành lập trường CĐ nghề ngay trước thềm năm mới.

 

Nghĩa là từ năm 2006 hệ thống giáo dục nước ta sẽ có thêm “anh” TC nghề tồn tại song song với “anh” THCN, bên cạnh hệ CĐ hiện nay lại có thêm hệ CĐ nghề. Vậy hai hệ đào tạo mới này khác nhau như thế nào với hệ THCN và CĐ hiện có?

 

Tất cả những người đi học sẽ không thể không đặt câu hỏi này trước khi quyết định chọn trường. Nhưng cho đến thời điểm này, ngoài những câu chữ trong luật, các trường vẫn chưa có thêm thông tin gì rõ ràng hơn.

 

Chính vì thế, bản thân các trường nghề chưa kịp hồ hởi đã phải nặng lòng với quá nhiều nghi ngại trước những thay đổi trong luật mới.

 

Thạc sĩ Đào Khánh Dư, hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho rằng: “Nguyên lý GD là học đi đôi với hành. Đào tạo chỉ có một hướng là gắn liền với thực tế sản xuất. Tôi không hiểu tại sao lại có đến hai loại trường CĐ. Tôi không hình dung được ranh giới, sự khác nhau giữa hệ CĐ hiện nay và CĐ nghề”.

 

Còn Th.S Nguyễn Toàn, hiệu trưởng Trường TH KTNV Thủ Đức (TPHCM), băn khoăn: “Không có nước nào trên thế giới có đến hai loại trường TC và hai loại trường CĐ như ta. Hệ thống giáo dục của ta rõ ràng đã rối nay càng rối hơn”.

 

Lại vừa chạy vừa xếp hàng!

 

LGDSĐ có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 nhưng hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Điều lệ các trường TC nghề và CĐ nghề vẫn chưa rõ khi nào mới được ban hành. Mùa tuyển sinh 2006 lại sắp khởi động nhưng các trường vẫn chưa hình dung được diện mạo của hai loại hình CĐ và TC nghề.

 

Trong tình cảnh đó, ông Nguyễn Thành Hiệp, trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cũng phải nhìn nhận năm 2006 sẽ là một năm ngành dạy nghề vừa chạy vừa xếp hàng. Mô hình đào tạo TC nghề và CĐ nghề sẽ phải vừa thiết kế vừa thi công.

 

Hiệu trưởng một trường nghề ở TPHCM tâm tư: “Nói thật chúng tôi rất vui vì trường mình được nâng cấp, nhưng tôi chưa thể yên tâm với những thay đổi này. Cuối cùng chúng tôi chỉ có một cái tên mới, trong khi bao nhiêu thứ liên quan đến hệ đào tạo mới: nội dung chương trình, thời gian đào tạo, đối tượng tuyển... vẫn còn ngổn ngang. Ngay cả một khái niệm về hệ TC nghề, CĐ nghề hiện vẫn còn chưa rõ ràng”.

 

Các nhà giáo dục vẫn còn chưa có thông tin rõ ràng, đến bao giờ những người đi học mới tiếp cận thông tin về hai hệ đào tạo mới này để chọn trường? Theo dự đoán của các trường, việc tuyển sinh nghề năm nay sẽ khó tránh khỏi sự cập rập, chắp vá do thiếu sự chuẩn bị cần thiết.

 

Hiện cả nước có 212 trường CĐ, THCN có dạy nghề. Hệ CNKT chính thức bị khai tử, các trường này có được tham gia đào tạo nghề dài hạn nữa không?

 

Trong khi đó, theo dự thảo Luật dạy nghề do Bộ LĐ-TB&XH đang soạn thảo, dạy nghề trình độ CĐ và TC chỉ được thực hiện ở trường CĐ nghề và trường TC cấp nghề (?!). Nếu điều này thành hiện thực, hàng trăm trường ĐH, CĐ, THCN cả nước sẽ bị gạt ra, đứng bên lề hoạt động dạy nghề dài hạn.

 

Trên thực tế, lưu lượng HS nghề chiếm 30-50% tổng số HS chính qui ở nhiều trường THCN. Ngay trong năm học tới nếu không đào tạo nghề dài hạn, các trường này có thể lâm vào tình trạng bị động: không biết sẽ bố trí GV, trang thiết bị như thế nào cho khỏi thừa... Đó là một sự lãng phí nguồn lực đào tạo và đi ngược lại với chủ trương mở rộng dạy nghề!

 

Ngược lại, nếu tham gia đào tạo TC nghề, CĐ nghề, các trường này lại phải đối mặt với một thực tế khác trớ trêu và rối rắm hơn. Khi đó, các trường THCN sẽ dạy cùng lúc hai hệ TC: TC nghề và THCN; các trường CĐ sẽ có hai chương trình CĐ. Tổ chức đào tạo như thế nào với hai hệ đào tạo vừa giống lại vừa khác nhau kiểu này?

 

“Quả bóng” dạy nghề rồi sẽ lăn theo hướng nào? Hẳn nhiên phải chờ đến nghị định hướng dẫn thi hành LGDSĐ được ban hành trong thời gian tới. Nhưng liệu nghị định có tháo gỡ nổi những rắc rối hay không khi trong bản thân mảng giáo dục nghề nghiệp vẫn còn bị ngăn cách dưới sự quản lý của hai bộ khác nhau?

 

Các trường TC và CĐ nghề sẽ ra đời và phát triển như thế nào khi các trường THCN và CĐ hiện nay vẫn còn đang quá nghèo nàn, thiếu thốn?

 

Cho đến thời điểm này, các nhà giáo dục vẫn hết sức có lý khi cho rằng giá như những vấn đề trong LGDSĐ được cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi được thông qua thì có lẽ những tình huống “dở khóc dở mếu” như trên đã không xảy ra. Trong đó, sự ra đời của hai hệ đào tạo mới này được xem là điểm “sơ hở nhất, vội vã nhất”.

 

Theo Phúc Điền

Tuổi Trẻ