Quảng Ngãi: Trăn trở những phòng học lồ ô

(Dân trí) - Năm học 2017 - 2018 sắp bắt đầu, hàng trăm học sinh người Ca Dong và Cor ở huyện miền núi Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) lại tiếp tục trên hành trình đi tìm "con chữ" để xóa đi cái đói nghèo. Đồng hành với nhiều học sinh ở huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Ngãi trong năm học mới vẫn là những phòng học lồ ô tạm bợ.


2 phòng tạm sẽ đồng hành cùng 40 học sinh tại điểm chính trường tiểu học Trà Khê trong năm học 2017 - 2018.

2 phòng tạm sẽ đồng hành cùng 40 học sinh tại điểm chính trường tiểu học Trà Khê trong năm học 2017 - 2018.

Năm học mới sắp tới, Hồ Su Ry (6 tuổi, thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh) cùng 21 học sinh khác tại thôn Trà Dinh bước vào lớp 1. Năm học này, Su Ry và các bạn sẽ được học tập trong phòng học mới. Nói là vậy nhưng đây chỉ là lớp học được xây dựng bằng những thân lồ ô ghép lại với nhau. Lớp học vừa được thầy cô giáo và phụ huynh thôn Trà Dinh chung sức dựng nên nhằm khắc phục tình trạng thiếu phòng học tại điểm trường lẻ này.


Đinh Su Ry (thứ hai từ phải sang) chơi đùa cùng các bạn bên căn phòng học mới.

Đinh Su Ry (thứ hai từ phải sang) chơi đùa cùng các bạn bên căn phòng học mới.

Nhìn Hồ Su Ry vui vẻ chơi đùa cùng các bạn trước căn phòng dựng tạm, cô Lê Thị Kim Huê (giáo viên điểm trường thôn Trà Dinh, trường Tiểu học Trà Lãnh) không khỏi chạnh lòng.

Điểm trường tiểu học thôn Trà Dinh chỉ có 2 phòng học được xây dựng kiên cố, vì vậy để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhà trường phải nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh dựng thêm 1 phòng học bằng lồ ô ngay trong sân trường.

Cô Huê cho biết, phòng học lồ ô vừa được dựng lên "khang trang" hơn so với nhiều nơi khác. Phòng có nền bằng xi măng, vách là những thân lồ ô đập dập, mái lợp tôn trên 4 trụ sắt.


Cô giáo trường tiểu học Trà Khê chuẩn bị đón học sinh vào năm học mới.

Cô giáo trường tiểu học Trà Khê chuẩn bị đón học sinh vào năm học mới.

"Trong điều kiện khó khăn của địa phương thì những phòng học như thế này cũng khá rồi. Tuy là phòng tạm nhưng có dàn khung sắt giúp lớp học vững chãi hơn", cô Huê cho biết.

Theo thầy Đỗ Minh Định - Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Trà Lãnh: Năm học mới 2017 - 2018, trường tiểu học Trà Lãnh có 271 học sinh. Tổng số phòng học tại tất cả các điểm trường trực thuộc là 13 phòng, trong đó có đến 4 phòng học tạm.

Theo thầy Định, số phòng học tạm bằng lồ ô không đáp ứng được yêu cầu học 2 buổi/ngày nên 60 học sinh tại các điểm trường phải thay đổi phòng học luân phiên.

"Hôm nay lớp này được học trong phòng xây thì lớp kia phải học trong phòng học tạm và ngược lại. Cứ luân phiên nhau như thế để đảm bảo chất lượng giáo dục giữa các lớp được đồng đều hơn. Việc này khá bất tiện nhưng điều kiện quá khó khăn buộc phải làm vậy", thầy Định chia sẻ.

Cùng chung khó khăn đó, trong năm học mới sắp đến, 4 phòng học tạm lại tiếp tục "đồng hành" cùng học sinh trường tiểu học Trà Khê (xã Trà Khê, Tây Trà).

Thầy Võ Phúc Huy - Hiệu Trưởng trường tiểu học Trà Khê, cho biết: toàn trường có 245 học sinh tại 1 điểm chính và 3 điểm lẻ. Tuy nhà trường đã dựng thêm 4 phòng học tạm nhưng vẫn không đáp ứng đủ phòng cho học sinh học 2 buổi/ngày.

Đưa chúng tôi đến 2 phòng tạm tại điểm trường chính, thầy Huy cho biết đây sẽ là nơi học tập của trên 40 học sinh trong năm học mới.

Hai phòng học ngăn cách với nhau bằng những thân lồ ô, nhiều chỗ được gia cố bằng những tấm tôn cũ. Những thân cây lồ ô đã có mùi ẩm mốc, nền nhà bong tróc, phòng học tối om, mái tôn bắt đầu han rỉ.

"Phòng tạm nên mùa mưa thì lạnh, mùa nắng thì nóng hầm hập. Lo nhất là vào mùa mưa bão, chỉ sợ gió sẽ quật ngã lớp học gây nguy hiểm cho các em", thầy Huy chia sẻ.

Theo thầy Huy, dù biết điều kiện kinh tế của huyện quá khó khăn nhưng các thầy cô giáo nơi đây vẫn luôn mơ ước về những lớp học khang trang hơn cho các em học sinh.

"Sắp tới chúng tôi dự định sẽ làm thêm 2 phòng học tại điểm trường thôn Sơn 2 vì ở đây có 5 lớp nhưng chỉ có 3 phòng học, trong đó có 1 phòng tạm. Nói là làm mới nhưng cũng chỉ dựng khung sắt rồi lợp lồ ô vì lấy đâu ra kinh phí xây phòng kiên cố", thầy Huy trăn trở.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hữu Duy - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Trà, cho biết: nguồn kinh phí sửa chữa, dựng mới phòng học chuẩn bị cho năm học mới của huyện Tây Trà chưa đến 2,4 tỷ đồng. Phần lớn nguồn kinh phí này chỉ đủ dùng sửa chữa, gia cố phòng học tại 15 điểm trường. Vì vậy, toàn huyện còn đến 23 phòng học tạm bợ không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh nhưng không có kinh phí xây dựng kiên cố.

Theo ông Duy, xóa phòng học tạm luôn là nỗi trăn trở của ngành Giáo dục huyện Tây Trà trong mỗi năm học mới nhưng "lực bất tòng tâm".

"Nguồn kinh phí quá ít ỏi trong khi các điểm trường đều xuống cấp nên chỉ đủ dùng sửa chữa, lấy đâu kinh phí xây phòng mới cho các em. Riêng năm nay các điểm trường đã nỗ lực dựng thêm được 9 phòng học tạm với nền xi măng, khung sắt. Tuy là phòng tạm nhưng phải nỗ lực rất nhiều mới thực hiện được vì Tây Trà còn quá khó khăn", ông Duy chia sẻ.

Hà Xuyên