Quay lưng với giải quốc gia

Từng là mơ ước của nhiều học sinh, nhưng nay các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đang bị sĩ tử né tránh tham dự. Thuyết phục được các trò giỏi tham gia vào đội tuyển dự kỳ thi này nay lại là chuyện khó.

Thực tế đang xảy ra ở các trường chuyên, lớp chọn là học sinh giỏi cứ đến lớp 11, 12 là làm đơn xin ra khỏi lớp chuyên, hoặc vào đợt thi chọn học sinh thi giải quốc gia thì cáo bệnh, bỏ thi…

 

Đơn xin ra khỏi lớp chuyên

 

“Cháu cố tình làm bài kiểm tra dưới khả năng để khỏi vào đội tuyển”, Trần Kiên T - học sinh giỏi môn vật lý của một trường chuyên ở tỉnh Quảng Ninh tâm sự. Theo T, em không phải là học sinh duy nhất của trường chê kỳ thi tiếng tăm này.

 

Bà Lan Hương, một phụ huynh học sinh của trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hoá), cho biết: “Vì Bộ GD-ĐT không còn có ưu tiên gì cho học sinh giỏi quốc gia, nên giờ tôi khuyên con tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học”.

 

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), hai năm trở lại đây cũng có nhiều phụ huynh, học sinh làm đơn xin ra khỏi các lớp chuyên. Theo hiệu trưởng Võ Anh Dũng, số học sinh của các lớp chuyên ở trường Lê Hồng Phong cũng rụng dần vì phụ huynh và học sinh sau lớp 10 là làm đơn xin chuyển lớp.

 

Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cũng gặp tình trạng tương tự. Năm học 2007-2008, một số học sinh đến ngày tập trung đội tuyển xuống Hà Nội dự thi thì lại xin về.

 

Không chỉ phụ huynh, học sinh không mặn mà, bản thân các trường THPT nay cũng không hào hứng với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Ông Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) khẳng định gần đây các trường không còn ham giải học sinh giỏi quốc gia vì điều đó không đánh giá hết chất lượng của trường.

 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2008, cả nước có 1.568 học sinh đoạt giải trên tổng số 3.645 học sinh tham dự ở 11 môn thi, trong khi con số này trong năm 2007 là 1.635/3.744 học sinh.

 

Sức hút giảm dần

 

Lãnh đạo nhiều trường trung học phổ thông cho biết học sinh không muốn tham gia kỳ thi quốc gia từ khi bộ có quyết định bỏ tuyển thẳng cho học sinh giỏi quốc gia. Đạt giải ở kỳ thi quốc gia, học sinh sẽ được tham dự kỳ thi quốc tế, và giành giải quốc tế sẽ nhận được suất học bổng du học bằng kinh phí nhà nước. Tuy nhiên, học bổng du học từ các nguồn khác nay cũng rất phong phú cho học sinh giỏi, và học sinh đỗ đầu các kỳ thi tuyển sinh đại học. Thực tế này cũng đang góp phần làm giảm sức hút của giải quốc gia.

 

Theo thầy Tô Giang, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, chuyên gia bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, vài năm trở lại đây phụ huynh và học sinh chủ yếu tập trung vào thi tuyển sinh, vì xã hội đề cao thủ khoa đại học hơn học sinh giỏi. Với một học sinh giỏi, khả năng giành ngôi thủ khoa không khó, công sức bỏ ra lại không vất vả bằng thi học sinh giỏi quốc gia.

 

Để khuyến khích học sinh giỏi, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ không chỉ cộng điểm cho học sinh đoạt giải các kỳ thi từ cấp tỉnh trong năm lớp 12, mà sẽ tính chung trong cả ba năm THPT. Một số địa phương cũng đề nghị sửa đổi quy định ưu tiên: miễn thi môn mà học sinh đã đoạt giải quốc gia, nếu môn thi đó có trong kỳ thi tuyển sinh; môn miễn thi được tính điểm để làm căn cứ xét tuyển cao đẳng, đại học (mức chuyển đổi là giải nhất tương đương 10 điểm; giải nhì: 9 điểm; giải ba: 8 điểm; giải khuyến khích: 7 điểm).

 

Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định những giải pháp trên chưa đủ độ để hâm nóng nhiệt tình của các em. Theo thầy Tô Giang, số học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào đại học chỉ chiếm 1% thí sinh được vào đại học. Về mặt kiến thức, chúng ta không phải lo lắng gì cho 1% này, vì độ tin cậy về thi cử của học sinh đạt giải quốc gia là rất cao. Trong khi, tỷ lệ thí sinh gian lận thi cử trong thi tuyển sinh lớn hơn rất nhiều thì không ai quan tâm. “Muốn thu hút được thí sinh dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Bộ GD-ĐT nên phục hồi chính sách miễn thi đại học”, thầy Tô Giang khẳng định.

 

Theo Thanh Tuyền
Sài Gòn Tiếp Thị