Sắp xét xử vụ tranh chấp lao động tại trường ĐH Hùng Vương TPHCM

(Dân trí) - Sáng ngày 2/11, TAND quận 5, TPHCM sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nhân viên, giảng viên với Trường ĐH Hùng Vương TPHCM.

Trước đó, vụ kiện đã được Toà thụ lý từ ngày 29/6/2016 nhưng tạm hoãn đến nay.

Theo thông báo của TAND quận 5, phiên xét xử giữa nguyên đơn là ông Tôn Thất Hoài và bị đơn là Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM do hiệu trưởng Đỗ Văn Xê, người đại diện theo pháp luật của trường sẽ diễn ra sáng 2/11.

Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM cử người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Văn Bé Ba tham dự các phiên xét xử này. Vụ án được xét xử công khai.

Trường ĐH Hùng Vương TPHCM hiện có trụ sở ở Quận 5, TPHCM
Trường ĐH Hùng Vương TPHCM hiện có trụ sở ở Quận 5, TPHCM

Vụ việc này xuất phát khi ngày 14/3/2016, ông Đặng Thành Tâm, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Đại học Hùng Vương TPHCM (thời điểm đó ông Tâm hết nhiệm kỳ 15/06/2015-PV) đã ký 25 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với các cán bộ, nhân viên, giảng viên của trường. Đây là những người không đồng ý ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo thông báo trước đó của nhà trường đã bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo 25 quyết định trên, tất cả cán bộ giảng viên này sẽ thôi việc từ ngày 4/4/2016. Các quyền lợi khi thôi việc gồm: tiền lương nhà trường thanh toán đến ngày 3/4/2016; các chế độ bảo hiểm nhà trường đóng hết tháng 4/2016; trợ cấp thôi việc (thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính từ tháng bắt đầu làm việc của cán bộ, giảng viên đến ngày 31/12/2008), mức bình quân sáu tháng trước khi nghỉ và trợ cấp thôi việc được hưởng (tùy người).

Tháng 3/2016, nhiều cán bộ, giảng viên bức xúc với những quyết định của lãnh đạo nhà trường và phản ánh với các cơ quan báo chí
Tháng 3/2016, nhiều cán bộ, giảng viên bức xúc với những quyết định của lãnh đạo nhà trường và phản ánh với các cơ quan báo chí

Cán bộ, giảng viên này cho rằng nhà trường tính không chính xác, cắt xén trợ cấp theo quy chế hoạt động nhà trường đối với người lao động.

Cán bộ, giảng viên không đồng ý vì nhà trường tính không chính xác, cắt xén quyền lợi, trợ cấp theo quy chế hoạt động nhà trường đối với người lao động.

Theo nhóm giảng viên này, tại thời điểm đó, nhà trường thông báo sẽ chuyển cán bộ, giảng viên trường sang Công ty cổ phần đầu tư phát triển Trường ĐH Hùng Vương là không hợp lý vì cán bộ, giảng viên trường đại học sang công ty xây dựng sẽ làm gì. Thời điểm đó ông Đặng Thành Tâm không còn là Chủ tịch HĐQT trường ĐH Hùng Vương TPHCM đồng thời không có tư cách pháp lý để thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với họ. Về pháp lý thì thẩm quyền này phải là của hiệu trưởng nên các giảng viên đã khởi kiện ra tòa.

Trước đó, vào tháng 12/2017 Toà án đã thông báo đưa ra xét xử vụ kiện nay, nhưng sau đó đã thông báo tạm hoãn.

Được biết, trước đây, bà Tạ Thị Kiều An, nguyên phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Hùng Vương TPHCM từng có văn bản gửi TAND Quận 5, TPHCM xin tạm đình chỉ vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động này.

Hiện tại, PGS.TS Đỗ Văn Xê được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TPHCM nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Trước đó, trường ĐH này từng trải qua những giai đoạn “sóng gió”, năm 2012, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định ngừng tuyển sinh do “mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường, mâu thuẫn nội bộ kéo dài ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và môi trường giáo dục”.

Tháng 3/2016, trường lại tiếp tục xảy ra những mâu thuẫn giữa giảng viên với lãnh đạo trường. Đầu năm 2017, trường được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh trở lại.

Lê Phương