Sau đề thi “Sơn Tùng ngậm kẹo” lại đến “Thái Bình mồ hôi rơi”

(Dân trí) - Liên tiếp các đề thi trong thời gian gần đây sử dụng hình ảnh và lời ca trong những bài hát của ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Bên cạnh những lời khen cũng có không ít lời chê vì cách ra đề chạy theo xu hướng bàn tán trên mạng.

Gần đây, ca khúc "Thái Bình mồ hôi rơi" do ca sĩ Sơn Tùng sáng tác và trình bày đã được đưa vào đề thi học kỳ II môn Ngữ văn lớp 9 của trường THCS Diêm Điền ở Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ngay khi hình ảnh chụp lại đề thi được đưa lên các trang mạng xã hội đã gây ra nhiều xôn xao.

Theo đó, trong phần Làm văn của đề thi yêu cầu: "Trong bài hát Thái Bình mồ hôi rơi của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP có câu hát: “Chạy theo đam mê con sợ quên đi quê hương. Quên mất một điều tuyệt vời con mãi là người con Thái Bình, là con bố mẹ…”Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề được gợi ra từ trong câu hát”.
 
Đề thi sử dụng lời trong bài hát Thái Bình mồ hôi rơi

Đề thi sử dụng lời trong bài hát "Thái Bình mồ hôi rơi"
Nhiều bình luận xôn xao khi đề thi này xuất hiện trên mạng. Một số người khen ngợi: “Một cách ra đề rất hay... Các em sẽ rất hứng thú với đề này”.

Tuy nhiên, một số khác lại chỉ trích cách ra đề kiểu này bởi theo họ đây là cách ra đề “nhảm nhí”, chạy theo xu hướng bàn tán trên mạng. Hơn nữa, Sơn Tùng là ca sĩ trẻ có nhiều xì-căng-đan, không đáng để các sáng tác được đưa lên đề thi để học sinh bình luận, phân tích như thế.

Trước đó, câu hỏi trắc nghiệm số 19 của đề thi khảo sát chất lượng dành cho học sinh lớp 10, trường THPT Hồng Bàng (Hải Phòng) cũng dùng hình ảnh của ca sĩ Sơn Tùng ngậm kẹo, đề thi viết: "Do thói quen ngậm kẹo ngọt khi biểu diễn nên ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã bị sâu răng. Em hãy chọn hóa chất để giúp Sơn Tùng chữa sâu răng".

Đề thi được lan tỏa trên diễn đàn trường THPT Hồng Bàng (Hải Phòng). Nhiều học sinh cho rằng, đề bài khiến các em có cảm giác bớt căng thẳng sau những câu hỏi khó.

Thầy Nguyễn Xuân Trung - trường THPT Hồng Bàng (Hải Phòng) – người ra đề thi chia sẻ: “Tình cờ xem chương trìnhThe Remix - Hòa âm ánh sáng, tôi thấy Sơn Tùng M-TP ngậm kẹo biểu diễn nên đã đưa vào đề thi môn Hóa học”.

Thầy Trung cho biết, Hóa học vốn là môn tự nhiên, nhiều công thức khô khan. Trong khi đó, lượng kiến thức môn học này rất gần gũi với cuộc sống. Vì vậy, việc đặt câu hỏi khơi gợi cảm hứng cho học trò là điều thầy giáo muốn hướng đến. "Đề thi nhận được phản ứng tích cực từ phía học sinh, tôi có niềm vui và yêu nghề hơn", thầy chia sẻ thêm. 
 
Cuối năm 2014, trường THPT Cẩm Giàng (Hải Dương) cũng ra đề thi so sánh độ hot của ca sĩ Sơn Tùng và hiện tượng mạng xã hội Lệ Rơi.

Cần lựa chọn thấu đáo khi đưa một hiện tượng xã hội hay các phát ngôn... vào đề thi

Liên quan đến các đề thi “gây sốt” trên, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên ngữ văn trường THPT Chu Văn An – Hà Nội cho rằng, những đề thi yêu cầu học sinh luận bàn về các hiện tượng có thật của đời sống xã hội ngày càng trở nên quen thuộc, đem lại sự hứng thú cho thí sinh, góp phần đưa văn chương tới gần với cuộc sống, giảm thiểu khoảng cách giữa " lí thuyết màu xám" và " cây đời mãi mãi xanh tươi"!.

Những suy ngẫm sâu sắc, những hồi chuông báo động cho những tình trạng đạo đức bị băng hoại, méo mó trong thực tế xã hội, những xúc cảm chân thành, tích cực... đã được tạo lập thông qua các đề thi gần đây.

Như câu chuyện về em Nguyễn Văn Nam hi sinh thân mình cứu bạn được đưa vào đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2013; đề thi Đại học khối D năm 2012 yêu cầu bàn luận về quan niệm:"Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng lại là một thảm họa"...

Tuy nhiên, khi lạm dụng tâm lí đám đông, bỏ qua những yêu cầu chuẩn mực của môi trường sư phạm về đạo đức, thẩm mĩ..., đề bài có thể tạo hứng thú cho một bộ phận học trò nhưng lại không có giá trị định hướng cho xúc cảm thẩm mĩ, xúc cảm đạo đức tích cực vốn luôn là nhiệm vụ sư phạm của nhà trường.

Những ngữ liệu, học liệu đưa vào nhà trường, vào các đề thi, đặc biệt là các đề thi có tác động lớn tới tâm thế cộng đồng luôn phải đảm bảo tính chuẩn mực, tính sư phạm, không giới hạn năng lực tư duy sáng tạo và quan điểm cá nhân nhưng cũng không được làm phương hại tới mục đích cao nhất của giáo dục là hướng tới Chân Thiện Mỹ.

Do vậy, từ bản thân các phát ngôn, ca từ, hiện tượng xã hội...cho đến nguồn gốc xuất xứ của chúng luôn cần có sự lựa chọn thấu đáo, thận trọng trước khi trở thành ngữ liệu, học liệu trong nhà trường.

“Tôi cho rằng những việc ít nhiều gợi sự phản cảm như một ca sĩ này ngậm kẹo, một cô gái khác không chỉ khoe thân mà còn khoe cả những quan niệm sống bất chấp đạo lí...hoàn toàn có thể xuất hiện trong bài làm của học trò khi các em luận bàn về một vấn đề xã hội mang tính khái quát, ví dụ: quan niệm về văn hóa, về giá trị bản thân, về ước mơ, hoài bão, về đồng tiền..., chứ tuyệt đối không thể trở thành bản thân đối tượng luận bàn, nhất là trong những đề thi mang qui mô của một thành phố, một quốc gia”, Tiến sĩ Trinh Thu Tuyết bày tỏ.

Hoành Sơn