Sẽ có hai “cửa” để kiểm soát chất lượng đào tạo bác sĩ

(Dân trí) - Sẽ có hai “cửa” để kiểm soát chất lượng y bác sĩ, đó là chuẩn chương trình đào tạo và chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế.

Đó là ý kiến của ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế tại Hội nghị triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học (GDĐH), giai đoạn 2020-2025 ngày 11/6. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội nghị.

Sẽ có hai “cửa” để kiểm soát chất lượng đào tạo bác sĩ - 1

Ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế

Ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế đánh giá cao tinh thần triển khai kế hoạch của Bộ GDĐT và sự cần thiết ban hành khung CTĐT nhằm kiểm soát chất lượng và được quốc tế công nhận.

Đại diện Bộ Y tế đề xuất, cần thành lập 12 Hội đồng tư vấn riêng cho 12 mã ngành trình độ đại học trong khối ngành Y Dược vì đặc thù mỗi ngành khác nhau.

Ông Tác cho biết thêm, sắp tới sẽ có kỳ thi tuyển cấp chứng chỉ nghề theo năng lực, để thêm “hàng rào” kiểm soát chất lượng. Theo đó, sau này, sẽ có hai “cửa” để kiểm soát chất lượng y bác sĩ, đó là chuẩn CTĐT và chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế.

Ông Tác chia sẻ, cách đây hơn 10 năm, khi Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình khung, trong đó có chương trình đào tạo của của khối ngành y dược, thì đào tạo trong lĩnh vực y khoa có sự đảm bảo về chất lượng.

Sau đó, việc xây dựng chương trình khung và chương trình chi tiết được giao cho các trường, hệ thống đào tạo y dược bắt đầu có những sự phức tạp khi phải chịu ảnh hưởng từ mặt trái của xã hội hóa trong đào tạo y dược.

Theo ông Tác, số lượng trường đào tạo bác sĩ đa khoa, đến nay có gần 40 trường tham gia đào tạo ngành này, nhất là có sự tham gia của trường ĐH ngoài công lập, đặc biệt là ĐH VinUni.

Toàn bộ hệ thống lâm sàng, cận lâm sàng, mô phỏng… của trường ĐH VinUni không một trường đào tạo y trong nước nào có được. VinUni đã thành lập hẳn cả một bệnh viện mô phỏng với mô hình tổ chức đầy đủ như Bệnh viện Bạch Mai. Chuẩn đầu ra của VinUni với mã ngành bác sĩ đa khoa là sinh viên tốt nghiệp có thể hành nghề bác sĩ ở bất kỳ nước nào trên thế giới.

Trong khi đó, chuẩn đầu ra của bác sĩ Việt Nam hiện nay không giống ai, không theo chuẩn nào mặc dù nhiều giáo sư Đại học Pennsylvania nhận xét, một số bác sĩ Việt Nam rất giỏi, đặc biệt là về lâm sàng.

Tại hội nghị đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề nghị cần có cơ chế, hướng dẫn mang tính đặc thù cho ngành.

Giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) sẽ được triển khai theo Quyết định số 436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho GDĐH là những chuẩn mực tối thiểu, là bộ tiêu chí với khối lượng, chuẩn đầu ra, yêu cầu kiến thức, kĩ năng, thái độ,… tiệm cận theo chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới; phù hợp yêu cầu từng lĩnh vực ngành nghề đó, nhằm quản lý chất lượng nguồn nhân lực.

Việc xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) cho các ngành/khối ngành sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: “Sau khi ban hành chuẩn CTĐT, tất cả cơ sở GDĐH sẽ rà soát, cập nhật, điều chỉnh, thiết kế chương trình đào tạo, làm sao đáp ứng chuẩn tối thiểu, phù hợp yêu cầu của thị trường và đặc trưng riêng, từ đó đảm bảo chất lượng chung của trình độ ĐH trên cả nước”.

Sẽ có hai “cửa” để kiểm soát chất lượng đào tạo bác sĩ - 2

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc: "Sẽ tạo điều kiện cho sự linh hoạt, sáng tạo ở mỗi trường trong chuẩn đầu ra chung để hội nhập quốc tế"

Trao đổi về những điểm mới của VQF so với Chương trình khung đã ban hành trước đây, Thứ trưởng Phúc cho biết, chương trình khung yêu cầu chặt chẽ về tên môn, số tín chỉ,… còn VQF sẽ ban hành chuẩn CTĐT tiếp cận theo chuẩn đầu ra, căn cứ vào yêu cầu của thị trường và sẽ do các trường, hiệp hội, người sử dụng lao động tham gia xây dựng. Tên môn học, số tín chỉ sẽ được điều chỉnh tùy thiết kế riêng của từng CTĐT chứ không quy định cứng.

Như vậy, chuẩn CTĐT mới sẽ tạo điều kiện cho sự linh hoạt, sáng tạo, đặc sắc của từng trường nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, chuẩn đầu ra chung và hội nhập với các nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, hai yếu tố mấu chốt là cơ sở để xây dựng chuẩn CTĐT, giúp giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc và thị trường lao động không tìm được nhân sự phù hợp.

Đó là, thực tiễn đất nước và thị trường lao động đối với vị trí việc làm. Các trường, hiệp hội, đơn vị sử dụng lao động, cộng đồng nói chung sẽ góp ý để thống nhất chuẩn đầu ra cho ngành/ khối ngành. Căn cứ thứ hai là hội nhập thế giới, giúp chuẩn CTĐT phù hợp khi so với các nước ASEAN và mặt bằng chung thế giới. 

“Nếu các nước ASEAN tham chiếu vào chuẩn CTĐT này, sẽ có sự tương đồng và bằng cấp của Việt Nam được công nhận”, Thứ trưởng kỳ vọng.

Thứ trưởng Phúc cho hay, để triển khai kế hoạch trên, nhiệm vụ đặt ra trước mắt là thành lập các Hội đồng tư vấn ngành/khối ngành. Hội đồng chịu trách nhiệm xây dựng chuẩn CTĐT cho các ngành, khối ngành đối với các trình độ của GDĐH.

Hiện nay, Bộ GDĐT đã hoàn thành dự thảo Thông tư về chuẩn CTĐT, dự kiến đăng mạng lấy ý kiến từ tuần tới và ban hành khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9. Sau khi ban hành Thông tư, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thành lập các hội đồng tư vấn ngành/khối ngành để tiến hành xây dựng các CTĐT cụ thể cho các ngành/khối ngành đó.

Tiên phong xây dựng chuẩn CTĐT cho ngành/nhóm ngành là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hồng Hạnh