Sẽ được liên kết đào tạo tiến sĩ theo hình thức trực tuyến với nước ngoài

(Dân trí) - Dự thảo Thông tư quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến vừa được Bộ GD-ĐT vừa công bố để lấy ý kiến.

Theo đó, cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở đào tạo nước ngoài thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo hình thức trực tuyến hoặc hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến theo các quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 27 của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2019 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và các quy định tại Thông tư này.

Sẽ được liên kết đào tạo tiến sĩ theo hình thức trực tuyến với nước ngoài - 1

Chương trình do cả 2 bên cùng xây dựng

Theo dự thảo, chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo nước ngoài ở nước sở tại và chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo Việt Nam đều đã và đang được triển khai theo hình thức trực tuyến ở cùng ngành, cùng trình độ dự định liên kết đào tạo và đều đã có sinh viên tốt nghiệp.

Về sử dụng chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo nước ngoài: Đối với hình thức liên kết đào tạo trực tuyến, chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục theo hình thức đào tạo trực tuyến.

Đối với hình thức liên kết đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến, chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục theo hình thức đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đặc biệt, chương trình đào tạo do hai bên cùng xây dựng được thực hiện một trong các trường hợp sau:

Trường hợp cấp văn bằng của nước ngoài thì chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nước ngoài;

Trường hợp cấp văn bằng của Việt Nam thì chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của Việt Nam;

Trường hợp cấp văn bằng của cả nước ngoài và của Việt Nam thì chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nước ngoài và của Việt Nam.   

Mỗi lớp không quá 25 người học

Dự thảo quy định, quy mô đào tạo trình độ đại học được xác định bảo đảm mỗi một lớp học không quá 25 người học/ 01 giảng viên và phải có ít nhất một trợ giảng.

Quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ được xác định bảo đảm như sau:

Trường hợp chương trình liên kết đào tạo có luận văn, quy định về người hướng dẫn luận văn không thấp hơn các quy định của quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành của Việt Nam;

Mỗi một lớp học không quá 25 người học/ 01 giảng viên và có ít nhất một trợ giảng.

Quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ được xác định bảo đảm quy định về người hướng dẫn không thấp hơn các quy định của quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam.

Phải có tổng thời gian học tập và nghiên cứu trực tiếp tại cơ sở đào tạo nước ngoài tối thiểu 01 năm

Về cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm phải đáp ứng yêu cầu của việc đào tạo trực tuyến đối với các học phần thực hiện theo hình thức liên kết đào tạo trực tuyến; có các phương tiện nghe nhìn bao gồm: máy tính, màn hình, màn chiếu, máy chiếu có độ lớn phù hợp với phòng học; đường truyền kết nối ổn định, thông suốt; học liệu trực tuyến có nội dung phù hợp với ngành học và có thể truy cập liên tục với tốc độ cao; phương tiện thu âm, ghi hình lưu trữ quá trình tổ chức đào tạo phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra…

Có hệ thống và cơ chế kiểm tra, xác thực, giám sát và đánh giá được sự tham gia của người học; hệ thống quản lý đào tạo chặt chẽ, đáp ứng được khả năng xử lý thông tin nhanh, có độ chính xác cao.

Trường hợp đào tạo trình độ tiến sĩ văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp: Đối với liên kết đào tạo trực tuyến, nghiên cứu sinh phải có tổng thời gian học tập và nghiên cứu trực tiếp tại cơ sở đào tạo nước ngoài tối thiểu 01 năm; Đối với liên kết đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến, nghiên cứu sinh phải có tổng thời gian học tập và nghiên cứu trực tiếp 06 tháng tại cơ sở đào tạo nước ngoài và tối thiểu 06 tháng tại cơ sở đào tạo Việt Nam.

 Hồ sơ đăng kí thực hiện liên kết đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Minh bạch trong tuyển sinh, kết quả học tập

Về trách nhiệm của các bên liên kết trong việc tổ chức hoạt động liên kết đào tạo, dự thảo yêu cầu xây dựng và ban hành các quy định cụ thể đối với chương trình liên kết đào tạo; cung cấp đầy đủ và rõ ràng các thông tin liên quan đến chương trình liên kết đào tạo trên trang thông tin điện tử của các bên liên kết và chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này; có chính sách và phương thức tuyển sinh rõ ràng, minh bạch; tổ chức thực hiện đúng các quy định về liên kết; quy định về lưu trữ và bảo mật thông tin cho chương trình liên kết đào tạo; chịu trách nhiệm về giá trị pháp lý của văn bằng cho người học.

Triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng chương trình liên kết đào tạo và thực hiện kiểm định chương trình theo quy định.

Đánh giá kết quả học tập của người học trung thực, rõ ràng, nhất quán, hiệu quả, tin cậy và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm đạt chuẩn đầu ra.

Tổ chức kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập, bảo vệ luận văn, luận án của người học có sự giám sát bằng camera và hình ảnh được lưu trữ và có thể trích xuất phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra khi được yêu cầu trong thời gian tối thiểu 05 năm kể từ khi tốt nghiệp.

Tổ chức triển khai thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo đúng nội dung trong hồ sơ đã được phê duyệt và quy định pháp luật có liên quan; bồi hoàn học phí cho người học nếu cơ sở đào tạo vi phạm quy định dẫn đến người học không được cấp bằng hoặc văn bằng được cấp không được công nhận tại các quốc gia có trường liên kết.

Dự thảo lấy ý kiến từ ngày 6/1 – 6/3/2020.

Hồng Hạnh