Sẽ xử lý trường đại học xét tuyển không đúng đề án, khai man giảng viên

(Dân trí) - Đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án. Ví dụ, tuyển sinh 50% bằng học bạ, 50% điểm thi THPT quốc gia nhưng đến khi không đủ điều kiện thì có trường lại xét đến 80% học bạ.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng đã cho biết như vậy tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 17/7.

Sẽ xử lý trường đại học xét tuyển không đúng đề án, khai man giảng viên - 1

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng.

Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng cho biết, qua theo dõi công tác tuyển sinh của các trường đại học,  chúng tôi thấy rằng bên cạnh một số trường còn gặp khó khăn, thì công tác tuyển sinh ĐH ngày càng lành mạnh hơn, tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của xã hội, của từng trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều ĐH vẫn để xảy ra thiếu sót, sai phạm.

Đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án. Ví dụ, tuyển sinh 50% bằng học bạ, 50% là điểm thi THPT quốc gia nhưng đến khi không đủ điều kiện thì có trường lại xét đến 80% học bạ.

Nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo. Thậm chí, có  đại học do lo ngại  tuyển nhiều giảng viên vào mà không có sinh viên thì không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy nên tăng chỉ tiêu đào tạo rất cao, không đúng năng lực thực tế.

Cụ thể, có trường khai 1.000 giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có từng ấy. Tới lúc tuyển được nhiều sinh viên, trường mới đi ký hợp đồng giảng viên đủ số lượng. Những việc đó là sai quy định.

Chính vì những vấn đề trên, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các trường ĐH tập trung rà soát hệ thống các văn bản, củng cố hệ thống quy định của mình theo đúng thông tư 51 của Bộ để thực hiện nghiêm túc quy định Luật Giáo dục và Quy chế tuyển sinh.

“Trong quá trình thực hiện, chúng ta có thể sáng tạo nhưng không được tùy ý du di theo ý hiểu cá nhân. Quy định thế nào thì làm như thế, việc nào không rõ phải hỏi. Tất cả phải theo khung chung là quy chế, thông tư, nghị định” – ông Bằng nhấn mạnh.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường quán triệt công văn 2969 ngày 15/7/2019 hướng dẫn thanh tra kiểm tra tuyển sinh để xây dựng kế hoạch, quyết định thanh tra. Bộ phận thanh tra này độc lập với bộ phận thanh tra chung của trường.

“Bộ GD&ĐT cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra để thanh tra sát sao, kịp thời, trong quá trình làm sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm túc tới đó nhằm xiết chặt quản lý kiểm soát nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH trong bối cảnh tự chủ hiện nay” – ông Bằng nhấn mạnh.

Sai phạm trong tuyển sinh sẽ cấm đào tạo trong 5 năm

Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng cho biết, về quản trị đại học, thực tế thời gian qua, bên cạnh các trường nghiêm túc thực hiện đúng quy định của ngành thì vẫn có không ít trường thiếu sót, sai phạm nhiều. 

Ví dụ, nhiều trường xây dựng đội ngũ chưa bảo đảm về số lượng, cơ cấu, đặc biệt cơ cấu theo ngành. Có những ngành mở ra nhưng không duy trì được chất lượng đội ngũ. Trong quá trình hoạt động, một số trường do có thay đổi về nhân sự do luân chuyển công tác hoặc thay đổi nhiệm vụ, khiến không đủ số lượng tiến sĩ, thạc sĩ của ngành.

Với những ngành đặc thù, do không có tiến sĩ trong nước, các trường có thể lấy giảng viên từ ngành gần, ngành tương đối để đủ tiêu chuẩn, điều kiện mở - duy trì ngành, nhưng quy định bắt buộc các trường phải đảm bảo đủ có đội ngũ giảng viên cơ hữu nhưng ở một số trường khi mở ngành ra không có sinh viên để đào tạo. 

Ông Bằng cho hay, việc sai phạm trong liên kết đào tạo như đào tạo không phép, sai đối tượng, sai địa chỉ… số lượng trường vi phạm rất nhiều.

Thực hiện Nghị quyết 63 của Quốc hội, vừa qua Bộ đã rà soát, xử lý bước đầu và sẽ tiếp tục xem xét xử lý các trường hợp cụ thể đang vi phạm các quy định về đào tạo chính quy, đào tạo thạc sĩ ngoài trụ sở chính, không ban hành quy chế văn bằng chứng chỉ, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tràn lan…

Gần đây, Bộ đang tập trung thanh tra một số trường như trường Đại học Điện lực, trường Đại học Trưng vương… Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục xem xét thật khách quan, đơn vị nào sai sẽ xử lý nghiêm túc.

Ông Bằng cho rằng, những vi phạm trên đang tác động tiêu cực đến chất lượng đào tạo ĐH, gây bức xúc cho xã hội và ảnh hưởng tới quyền lợi của người học. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là trường nào sai phạm, vi phạm quy chế, quy định thì các trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo ông Bằng, ngoài biện pháp phạt hành chính bằng tiền và giải pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, việc khắc phục này không dễ dàng. Ví dụ nếu trường đào tạo sai địa điểm thì buộc phải đưa học sinh về đúng địa điểm đào tạo, nếu tuyển sinh sai đối tượng thì phải hủy quyết định cho phép tuyển sinh đó. Nhưng những hệ lụy để lại cũng hết sức nặng nề. Đặc biệt là với những học sinh, sinh viên đã và đang theo học dở dang.

“Trước kia, những trường vi phạm thì bị chế tài phạt 3 năm không được mở ngành, không được liên kết đào tạo. Luật GD Đại học (2019) đã nâng lên thành 5 năm, tức là tính nghiêm túc cao hơn nhiều” – ông Bằng cảnh báo.

Nói rõ hơn về chế tài xử phạt vi phạm về  tuyển sinh, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cơ sở giáo dục ĐH cho hay, Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người liên quan sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ, công chức và luật Viên chức. Việc tự chủ tuyển sinh phải đảm bảo chất lượng, trách nhiệm với người học và xã hội.

Bà Phụng cũng cho biết, để cung cấp thêm thông tin phục vụ công tác quản lý, minh bạch hóa chất lượng đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, danh sách thí sinh nhập học của các trường trong năm 2018, 2019 trên Cổng Thông tin Tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để người học và xã hội giám sát, thực hiện hậu kiểm đối với tất cả các trường.

Hồng Hạnh