Singapore: Nỗ lực chứng minh “Đại học không phải là con đường duy nhất”

(Dân trí) - Vấn đề “sính đại học”, “thừa thầy thiếu thợ” đang khiến cho Chính phủ Singapore phải đau đầu bởi hiện tại Singapore không cần quá nhiều sinh viên tốt nghiệp mà cần nhiều công nhân hơn để làm việc.

Bà Carmen Kok, một nhà tạo mẫu tóc 47 tuổi luôn nuối tiếc vì không được đi học đại học, vậy nên bà nhất định không để cho con gái mình mắc phải sai lầm tương tự, ngay cả khi phải tốn một khoản tiền gấp ba lần những gì bà kiếm được trong một năm để gửi con đi du học ở nước ngoài.

“Bạn không thể thành công ở đất nước này nếu không có một tấm bằng Đại học. Bạn vẫn có thể kiếm được một công việc, nhưng chắc chắn lương sẽ không cao”, bà Kok nói.

Vấn đề “sính đại học”, “thừa thầy thiếu thợ” đang khiến cho Chính phủ Singapore phải đau đầu bởi hiện tại Singapore không cần quá nhiều sinh viên tốt nghiệp mà cần nhiều công nhân hơn để làm việc ở các cảng biển, nhà máy, khách sạn- những ngành dịch vụ chính yếu ở đảo quốc sư tử.

Thủ tướng Lý Hiểu Long đang nỗ lực thay đổi tư duy của cộng đồng với một chiến dịch khuyến khích những người trẻ tham gia vào lực lượng lao động dưới hệ thống đào tạo nghề kết hợp học tập theo mô hình của Đức.

Hệ thống này cho phép thanh thiếu niên từ 18 tuổi trở lên ký hợp đồng với các công ty tư nhân. Các công ty này sẽ đào tạo tại chỗ, vừa học vừa làm, kết hợp với các buổi đào tạo miễn phí tại các trường dạy nghề do Nhà nước đài thọ.

Báo chí Singapore liên tục đưa tin về những tấm gương thành công mà không cần tới tấm bằng Đại học. Trong một chương trình ti vi, đích thân thủ tướng cũng khen ngợi hai nhân viên của công ty Keppel Corp Ltd, rằng: “Dù không học đại học nhưng họ vẫn làm việc chăm chỉ và nỗ lực để chứng tỏ bản thân. Chỉ cần nỗ lực không ngừng, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai tươi sáng ở Singapore”.

Singapore: Nỗ lực chứng minh “Đại học không phải là con đường duy nhất”

Thủ tướng Lý Hiểu Long đang nỗ lực hết mình để chứng minh Đại học không phải là con đường duy nhất.

Chiến dịch được kỳ vọng sẽ thành công trong việc đem lại sự thay đổi rõ rệt cho lực lượng lao động. Mặc dù vậy, trên thực tế, thuyết phục người dân Singapore đi theo con đường này là điều không hề dễ dàng.

Trong các thập kỷ trước tầm quan trọng của giáo dục luôn được đề cao, nhấn mạnh đến mức giờ đây rất khó để thay đổi tư tưởng coi đại học là tối thượng. Theo ước tính, năm 2013 các bậc phụ huynh Singapore tiêu tốn đến hơn 1 tỷ USD (SGD) chỉ riêng cho chi phí thuê gia sư.

Thu nhập bình quân của một người tốt nghiệp Đại học ở Mỹ gấp đôi so với một người chỉ học hết phổ thông. Thu nhập bình quân của một người tốt nghiệp Đại học ngành kỹ sư cũng cao hơn hẳn một người học những kiến thức y hệt từ một trường dạy nghề.

Ngoài ra trên thực tế, dù luôn kêu gọi người dân phải thay đổi nhưng Chính phủ Singapore lại không hề làm gương. Các cơ quan chính quyền hàng năm vẫn trao cho các sinh viên xuất sắc học bổng toàn phần du học nước ngoài với điều kiện các sinh viên này học xong phải về nước làm việc cho Chính phủ. Hai con trai của Thủ tướng Lý Hiểu Long đều theo học tại Viện Công nghệ Massachusettes ( Mỹ ).

Theo Kenneth Chen, 26 tuổi, du học sinh Úc thì: “Chính phủ không nên khuyên người dân không đi học đại học trừ phi họ có thể bảo đảm cơ hội việc làm bình đẳng cho tất cả mọi người, và điều đó không bao giờ có thể xảy ra”.

Thùy Linh Hà (theo Bloomberg)