Sinh viên ĐH An ninh Nhân dân có điểm cao nhất khối C chia sẻ bí quyết tự học

(Dân trí) - Đó là sinh viên Phùng Mạnh Hùng. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016, Hùng là một trong ba thí sinh đạt điểm cao nhất khối C với điểm số các môn: Ngữ văn: 9,0; Lịch sử: 9,5; Địa lý: 9,5. Hùng đã ghi danh vào học ĐH An ninh Nhân dân.


Phùng Mạnh Hùng và cô giáo

Phùng Mạnh Hùng và cô giáo

Phùng Mạnh Hùng sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông trên mảnh đất cao nguyên đầy nắng và gió (thôn Tân Tiến, xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đăk Lăk).

Trong 3 năm học THPT, Hùng đều là học sinh giỏi của Trường THPT Phạm Văn Đồng. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016, Hùng là một trong ba thí sinh đạt điểm cao nhất khối C với điểm số các môn: Ngữ văn: 9,0; Lịch sử: 9,5; Địa lý: 9,5.

Chia sẻ bí quyết đạt điểm cao này, Hùng cho biết, trong lúc ôn tập phải tập trung cao độ, hoàn thành nội dung ôn tập trước ngày thi từ 2-3 ngày để đầu óc được thư giãn. Kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý. Luôn giữ tâm lý bình tĩnh và thể hiện hết năng lực và tâm huyết của mình trong bài làm.

Đối với môn Văn, theo Hùng phải học thuộc dẫn chứng để trích dẫn trong quá trình làm bài, góp nhặt những cảm xúc trong cuộc sống để kích thích sự rung cảm của tâm hồn, từ đó làm nguồn cảm hứng để viết có nhiệt huyết hơn; Cần đọc những tài liệu bổ ích để bài viết có tính sáng tạo, chú ý đến các hiện tượng xã hội để tăng vốn hiểu biết về đời sống.

Đối với môn Sử, học theo từng thời kỳ để có cái nhìn tổng quát về vấn đề. Tái hiện lại kiến thức bằng sơ đồ tư duy chứ không học thuộc lòng, học vẹt.

Với môn Địa lý, học theo cấu trúc đề (địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, biểu đồ, atlat...) để không bị hổng kiến thức; tái hiện lại kiến thức bằng sơ đồ tư duy, với những con số khó nhớ ghi lại vào giấy ghi nhớ gắn ở những nơi mình hay qua lại để rảnh lúc nào thì học nhẩm lúc đó.

Các môn xã hội bao hàm lượng kiến thức rộng lớn, việc học vô cùng vất vả. Vậy Hùng đã làm cách gì để tóm lược được lượng kiến thức này? Hùng chia sẻ, thứ nhất cần phải xác định mục đính học tập đúng đắn để bản thân có một quyết tâm vượt qua khó khăn gian khổ của việc học; Thứ hai, sơ đồ tư duy là cách học hiệu quả để khắc sâu kiến thức; thứ ba, việc tự thuyết trình lại nội dung kiến thức đã học cũng là cách để bản thân nhớ thật lâu và tự tin khi làm bài thi mà không sợ các áp lực.

Cuối cùng là phải luôn quan tâm đến các vấn đề thời sự, xã hội, đời sống xung quanh. Đồng thời, trước mỗi vấn đề cần thể hiện quan điểm cá nhân của mình để vừa nhớ lâu lại rèn kỹ năng viết và tư duy hiệu quả.

Trung An