Sinh viên ngành sư phạm bị đuổi học nếu hoạt động mại dâm lần thứ 4

(Dân trí) - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy. Trong đó quy định, sinh viên ngành đào tạo giáo viên nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học.

Dự thảo đang được Bộ GD&ĐT công khai để lấy ý kiến tới ngày 26/11 tới đây. Theo đó, Dự thảo chỉ ra hàng loạt nội dung vi phạm và khung xử lý tương xứng.

Cụ thể, sinh viên sẽ bị đuổi học một lần nếu chứa chấp, buôn bán vũ khí, chất nổ và hàng cấm theo quy định của Nhà nước. Sinh viên đánh nhau, tổ chức hoặc tham gia tổ chức đánh nhau lần 3 sẽ bị đình chỉ có thời hạn.

Học sinh, sinh viên thi, kiểm tra thay; thi, kiểm tra hộ hoặc sao chép tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học nếu thực hiện lần thứ 2.

Khung xử lý vi phạm theo Dự thảo của Bộ GD&ĐT
Khung xử lý vi phạm theo Dự thảo của Bộ GD&ĐT

Nếu sinh viên vi phạm lỗi đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Intenet sẽ xử theo tùy mức độ.

Trường hợp sinh viên tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định pháp luật sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học tương ứng với số lần vi phạm từ 1 đến 4. Trường hợp nghiêm trọng sẽ bị giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Đặc biệt, tại phần mục lục “một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật học sinh - sinh viên” có nội dung, sinh viên hoạt động mại dâm lần thứ 1: khiển trách, lần thứ 2: cảnh cáo, lần thứ 3: đình chỉ có thời hạn, lần thứ 4: Buộc thôi học.

Còn nếu hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ chịu hình thức xử lý nặng hơn, bị buộc thôi học ngay lần đầu tiên bị phát hiện vi phạm.

Sinh viên hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ chịu hình thức xử lý nặng hơn, bị buộc thôi học ngay lần đầu tiên bị phát hiện vi phạm. (Ảnh: Minh họa).

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hình thức kỷ luật của học sinh, sinh viên từ cảnh cáo trở lên sẽ được lưu vào hồ sơ và thông báo cho gia đình.

Trường hợp học sinh, sinh viên bị kỷ luật mức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học, nhà trường phải gửi thông báo cho địa phương và gia đình biết để phối hợp quản lý, giáo dục.

Cá nhân và tập thể học sinh, sinh viên nếu xét thấy các hình thức khen thưởng và kỷ luật không thỏa đáng có quyền khiếu nại lên hiệu trưởng.

Nếu nhà trường đã xem xét lại mà chưa thỏa đáng, có thể khiếu nại lên cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Theo dự thảo, căn cứ nội dung của Quy chế này, nhà trường có trách nhiệm xây dựng quy chế, quy định cụ thể về công tác HSSV phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn công tác tổ chức giáo dục và đào tạo của nhà trường. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, gia đình HSSV, các cơ quan có liên quan trên địa bàn để tổ chức thực hiện tốt công tác HSSV.

Tổ chức tổng kết, đánh giá công tác HSSV, báo cáo Bộ GD&ĐT vào cuối năm học; gửi báo cáo đột xuất về Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan quản lý trực tiếp về những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng xảy ra có liên quan đến HSSV.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường theo thẩm quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác HSSV. Các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về công tác HSSV tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định.

Mỹ Hà