Sự kiện điểm thi Hà Giang: Nên chuyển kỳ thi “2 trong 1” sang kỳ thi trên máy tính?

(Dân trí) - Khi tổ chức một kỳ thi Đại học bằng hình thức trắc nghiệm nên chuyển sang thi trắc nghiệm trên máy tính… lúc đó không ai có thể can thiệp vào kết quả của bài thi được nữa, lại có điểm ngay và không thể có tiêu cực thi như ở Hà Giang.


Càng thi trên giấy càng dễ nảy sinh tiêu cực

Càng thi trên giấy càng dễ nảy sinh tiêu cực

Phương án kỳ thi “hai trong một” liệu có còn khả thi ?

Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã thực hiện phương án “hai trong một”, tức là ghép “cơ học” hai kỳ thi làm một, tổ chức 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả này vừa đề xét tốt nghiệp THPT vừa để tuyển sinh đại học.

Để thực hiện “mục tiêu chung” này, Bộ GD&ĐT hy vọng những người soạn đề sẽ thiết kế được một đề thi sao cho cùng lúc đạt được mục tiêu của hai kỳ thi : vừa đánh giá đạt chuẩn vừa có tính phân loại cao của người dự thi

Thực tế các đề thi năm 2017, 2018 đã không đạt được kỳ vọng mà Bộ đã đặt ra.

Cụ thể, đề thi 2017 quá dễ, dẫn đến độ phân loại thấp, học sinh trung bình cũng đạt điểm cao, tuyển sinh Đại học không chọn được người xứng đáng. Đề thi 2018 lại quá khó, gây bất lợi cho nhóm học sinh yếu, những học sinh vùng nông thôn miền núi.

Do vậy nếu dùng điểm thi THPT để xét tuyển vào Đại học như mấy năm vừa qua là khập khiễng, là nguồn gốc của sự tiêu cực mà sự kiện Hà Giang là ví dụ điển hình. Sự kiện điểm thi cao bất thường ở Hà Giang chỉ là “giọt nước làm tràn ly”.

Những mặt trái của bài thi trắc nghiệm trên giấy.

Bản chất của đề thi trắc nghiệm chỉ kiểm tra các kỹ năng đơn giản, trí nhớ mức hiểu. Đề thi trắc nghiệm có thể đánh giá phạm vi kiến thức rộng, nhưng học sinh có thể sử dụng mẹo để làm bài mà không nhất thiết phải nắm vững kiến thức.

Ngoài ra còn có xác xuất may rủi (25% chọn câu trả lời đúng) ngay cả khi hoàn toàn không hiểu câu hỏi. Đối với các môn học như Toán, Lý, Hóa… loại câu hỏi trắc nghiệm không đánh giá được cách thức lập luận để giải bài toán, không đánh giá được năng lực diễn đạt của học sinh, không đánh giá năng lực tư duy bậc cao của người học.

Trong bài “Công nghệ cao đang phá sản kỳ thi Quốc gia” trên Dân trí, tác giả đã cảnh báo : trong thời đại CMCN 4.0 nếu vẫn duy trì phương thức tổ chức thi trên giấy, khả năng lộ đề hay tiêu cực ở các khâu tổ chức thi là không thể tránh khỏi.

Với môn trắc nghiệm trên giấy, ở pha 3 và pha 4, Sửa lỗi của thí sinh và chấm thi. Quy trình này dù có chặt nhưng được vận hành bởi con người nên khi có sự thông đồng tiêu cực với nhau, cán bộ chấm thi chỉ cần một cái tẩy với một cây bút chì, có thể dễ dàng và đủ để nhanh chóng thay đổi các đáp án đã chọn cho thí sinh.

Cán bộ chấm thi có thể mở từng bài thi của thí sinh để “sửa bài”, sửa hết các lỗi để có thể chấm bài thi tự động Sau đó, máy chỉ việc quét theo đúng đáp án. Như vậy, kể cả có thanh kiểm tra khâu chấm cũng khó mà phát hiện bởi bài thi theo giấy trắng, mực đen.

Việc sửa bài phiếu trắc nghiệm rất dễ dàng vì có đáp án sẵn, họ và tên và số báo danh của thí sinh cũng có sẵn không cắt phách chỉ cần xóa đáp án cũ và tô lại và thời gian tô lại bài thi chưa đến 2 phút là xong mà rất khó không ai phát hiện được. Đây là “lỗ hổng” rất lớn để xảy ra tiêu cực trong chấm thi trắc nghiệm trên giấy.


Thí sinh dự thi đánh giá năng lực trên máy tính vào ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2016

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực trên máy tính vào ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2016

Chuyển kỳ thi “hai trong một” sang một kỳ thi đại học trên máy tính

Từ thông tin của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018 đạt 97,57%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao gần như tuyệt đối đã phản ánh một thực trạng khách quan: ngày nay tốt nghiệp THPT mang tính phổ cập.

Một câu hỏi cần đặt ra là: có cần phải tổ chức một kỳ thi Quốc gia rầm rộ, tốn kém cho toàn xã hội, huy động hàng vạn giảng viên Đại học trên cả nước tham gia vào “trận đánh giáo dục” chỉ nhằm loại bỏ 2,43% học sinh dự thi THPT? Đã đến nên giao về cho Sở GDDT từng tỉnh, thành phố xét và cấp Bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh xong lớp 12/12 cho các Trường THPT.

Khi các Trường Đại học được giao tự chủ, mỗi trường Đại học sẽ có cách tuyển sinh riêng. Từng trường sẽ có đề thi với độ khó, độ phân loại, và chất lượng đề thi tuyển sinh … sao cho phù hợp nhu cầu đặc thù chuyên ngành của Trường. Với những trường Đại học chưa đủ tiềm lực để tổ chức kỳ thi xét tuyển, có thể sử dụng kỳ thi quốc gia do Bộ GD & ĐT tổ chức

Nhiều học sinh chỉ có nguyện vọng học xong THPT, tự liệu khả năng để đi học nghề hoặc tham gia ngay vào lực lượng lao động xã hội.

Những học sinh nào sau khi tốt nghiệp THPT muốn tiếp tục học bậc Đại học sẽ tham dự kỳ thi Đại học, kỳ thi Đại học không còn tính chất bắt buộc. Nhờ trao quyền tự chủ cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh sẽ giảm, quy mô và gánh nặng kỳ thi cũng giảm tương ứng.

Khi tổ chức một kỳ thi Đại học bằng hình thức trắc nghiệm nên chuyển sang thi trắc nghiệm trên máy tính. Mỗi học sinh chuẩn bị một laptop có khả năng kết nối wi-fi, mỗi phòng thi có một thiết bị thu phát wifi.

Các kết quả thi sẽ được truyền đến trung tâm mạng xử lý. Không ai có thể can thiệp vào kết quả của bài thi được nữa, lại có điểm ngay…Đại học Quốc Gia Hà Nội đã mạnh dạn chuyển sang tổ chức kỳ thi trên máy tính đánh giá năng lực từ 2015 và đã thành công.

Nếu Bộ GD& ĐT vẫn duy trì kỳ thi “hai trong một”, nhiều học sinh sức học “thường thường bậc trung”, ban đầu không có nguyện vọng học Đại học, nhưng nhờ đề thi dễ (như năm 2017) hoặc được dự thi ở điểm thi coi thi lỏng lẻo, “bỗng nhiên” điểm thi cao hơn so với năng lực … nên có điều kiện nộp hồ sơ vào các Trường Đại học top trên, đồng nghĩa sẽ cướp đi một suất học của thí sinh xứng đáng thực chất hơn, gây bất bình, làm mất niềm tin của mọi người đối với ngành giáo dục.

PGS.TS Ngô Tứ Thành, trường Đại học Bách khoa Hà Nội