Sự thật đằng sau tỷ lệ “chọi”?

(Dân trí) - Trong mấy ngày qua, nhiều thí sinh cảm thấy lo lắng khi nghe các trường công bố tỷ lệ “chọi” với mức tăng đáng kể. Thí sinh Hoàng Thanh Bình (Đồng Dao, Ninh Bình) tỏ vẻ thất vọng khi hay tin ĐH Nông nghiệp Hà Nội “bội thực” hồ sơ dự thi.

>> Tỷ lệ “chọi” của 34 trường ĐH năm 2007

 

“Bố mẹ em đều bảo trường này hợp với điều kiện gia đình và cũng dễ thi vì thí sinh thành phố không mấy khi chọn thi trường này. Nay em được biết, ngay tại Hà Nội đã có tới mấy nghìn hồ sơ dự thi vào đây. So với thí sinh Hà Nội thì em địch làm sao được!” - Bình than vãn.

 

Còn thí sinh Quốc Cường (Hà Đông, Hà Tây) cho biết sẽ không dám dự thi vào ĐH Công nghiệp mặc dù đã nộp hồ sơ dự thi vào đây. “Em nghe nói thí sinh tỉnh Hà Tây của em đổ xô đi nộp hồ sơ dự thi vào đây. Đó là còn chưa kể rất nhiều thí sinh của các tỉnh thành khác cũng nộp vào ĐH Công nghiệp. Đọ sức với thí sinh tỉnh nhà em còn không tự tin, huống hồ lại phải tranh tài với rất nhiều thí sinh khác”- Cường than phiền.

 

Để tránh rơi vào cảnh có nhiều lượng hồ sơ ảo do thí sinh hoang mang vì tỷ lệ chọi cao sẽ không dám dự thi vào trường của mình, nhiều ĐH đã phải bí mật về số hồ sơ dự thi của thí sinh. Theo một cán bộ tuyển sinh của ĐH Thương mại thì trường chỉ công bố số lượng hồ sơ chung chứ không công bố số lượng thí sinh dự thi vào từng ngành để tránh cho thí sinh rơi vào tâm trạng hoang mang không cần thiết.

 

Cũng theo cán bộ tuyển sinh này thì đây chính là thời điểm mà tỷ lệ “chọi” dễ gây ra những ảo giác khiến thí sinh hay đưa ra những quyết định sai lầm nhất. Vì số hồ sơ dự thi của thí sinh vào các trường ĐH, CĐ chưa thể “gút” lại con số cuối cùng, nếu lấy con số này so sánh với số chỉ tiêu để đưa ra kết luận về tỷ lệ “chọi” là hết sức vô nghĩa.

 

Chẳng hạn như trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006, tỷ lệ “chọi” ban đầu của Học viên Tài chính là 1 thí sinh “chọi” với gần 9 thí sinh nhưng so với thực tế dự thi của thí sinh thì 1 thí sinh chỉ phải “chọi” với khoảng 4 thí sinh.

 

Hầu hết các trường đều có tình trạng tỷ lệ “chọi” ảo như vậy. Trong năm 2006, nhóm các trường Kinh có tỷ lệ “chọi” ảo cao nhất. Ví dụ: ĐH Thương mại có tỷ lệ chọi ban đầu là 1 “chọi” gần 12, tuy nhiên, “chọi” thực tế chỉ là 1/6. ĐK Kinh tế quốc dân có tỷ lệ “chọi” ban đầu là 1/6, thực tế chỉ có 1/3...

 

Tượng tự, các trường thuộc khối Xã hội cũng thường có nhiều hồ sơ ảo. Ví dụ như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có tỷ lệ “chọi” ban đầu là 1 “chọi” gần 10, thực tế chỉ là 1/6. Học viện Báo chí tuyên truyền có tỷ lệ “chọi” ban đầu  là 1/9, sau là 1/6...

 

Đáng tin nhất về tỷ lệ “chọi” có lẽ chỉ có ở một số trường thuộc khối Y, Dược. 

Tỷ lệ chọi thực tế của 11 trường trong 3 năm 2004, 2005, 2006

(xếp theo thứ tự lần lượt từng năm)

 

* 6 ĐH trọng điểm:

1. ĐH Quốc gia Hà Nội: 5,73; 5,19; 4,1

2. ĐH Quốc gia TPHCM: 2,49; 3,67; 4,40

3. ĐH Bách khoa Hà Nội: 2,49; 2,92; 1,21

4. ĐH Sư phạm Hà Nội: 10,05; 9,5; 5,74

5. ĐH Sư phạm TPHCM: 13,05; 12,65; 10,43

6. ĐH Kinh tế quốc dân: 4,26; 4,09; 2,37

 

* 5 ĐH vùng:

1. ĐH Cần Thơ: 11,29; 9,03; 8,95

2. ĐH Đà Lạt: 6,18; 6,14; 5,61

3. ĐH Tây Nguyên: 13,79; 10,74; 9,96

4. ĐH Quy nhơn: 8,38; 9,12; 8,83

5. ĐH Huế: 8,9; 8,55; 7,90.

 

(Nguồn Bộ GD- ĐT)

 

Qua bảng tổng hợp có thể thấy một điều rất rõ: Các trường ĐH trọng điểm như 2 ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa... mặc dù có tỷ lệ chọi rất thấp nhưng điểm chuẩn vào những trường này thường khá cao. 

 

Trong khi đó, ở những ĐH vùng, đặc biệt như ĐH Tây Nguyên, điểm chuẩn chỉ bằng mức sàn nhưng có tỷ lệ chọi lại rất cao.

 

M.M