Sự xấu hổ của con vẹt

Trong một giờ văn ở bậc đại học, có lần thầy giáo hỏi cả lớp tôi: “Anh chị hãy phân biệt sự khác nhau giữa từ “giai” trong “giai thoại” và từ “giai” trong “giai đoạn”? Cả lớp mấy chục người im phăng phắc, không một cánh tay giơ lên…

Thầy gọi vài bạn học khá trong lớp nhưng không ai trả lời được. Với cương vị là lớp phó học tập, tôi cũng được thầy gọi, nhưng câu trả lời của tôi chỉ nhận được cái lắc đầu thất vọng từ thầy...

 

Cho đến ngày ra trường, tôi vẫn mang theo nỗi hổ thẹn ấy. Dẫu rằng giờ đây tôi đã có thể tự trả lời rành rẽ câu hỏi của thầy, nhưng chính câu hỏi khi xưa đã hé lộ một thực trạng đáng buồn về tình trạng học vẹt của một bộ phận HS - SV. Những thuật ngữ, những khái niệm mà chúng tôi nhai đi nhai lại không biết bao nhiêu lần trong các bài làm văn; những thuật ngữ, những khái niệm được chúng tôi sử dụng hết ngày này qua ngày khác trong những giờ thảo luận, chúng tôi lại không hiểu tí gì về nó.

 

Một lối học thật đáng sợ khi người ta không hiểu mình đang học gì, học để làm gì! Phải chăng đó là tình trạng “vẹt hóa” về tư duy, là sự thui chột khả năng nắm bắt, tìm tòi sáng tạo cùng những đam mê khám phá tri thức?

 

Gần nhà tôi có một cô bé học THCS. Mỗi buổi sáng em vác cặp sách to đùng theo xe mẹ tới trường. Ngoài thời gian học thêm kín như bưng, hễ về tới nhà là em ra rả những bài văn, bài toán, bài lý... Có lần nghe em đọc thơ Đường theo bản phiên âm, đọc đi đọc lại đến mấy chục lần mà vẫn ngắc ngứ, quên một từ là quên tất cả, tôi bỗng cảm thấy thương cho em. Rồi đây em sẽ thu lượm được gì ngoài những con điểm vô hồn của thầy cô trong những giờ “kiểm tra trí nhớ”?

 

Phải làm sao để chúng ta không mang mãi trong mình mặc cảm con vẹt, thay vào đó, chúng ta có thể tự hào vì những thế hệ HS - SV năng động, sáng tạo, giàu đam mê và khát vọng cống hiến?

 

Câu hỏi xin dành cho tất cả những ai quan tâm đến sự nghiệp trồng người.

 

Lê Minh Kha (Bình Định)

Tuổi trẻ