SV đoạt giải nhất nghiên cứu khoa học sẽ được đi du học

(Dân trí)- Ngày 30/1, tại buổi lễ trao giải thưởng sinh viên NCKH 2009, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết: “Bộ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách gửi các SV đạt giải nhất Giải thưởng “Sinh viên NCKH” của Bộ đi đào tạo sau ĐH bằng nguồn ngân sách nhà nước”.

Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 20” và giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC lần thứ 17” và Sáng tạo Việt Nam với doanh nghiệp lần thứ nhất do Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 30/1.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đã khen thưởng 649 công trình do 1.461 sinh viên thực hiện, trong đó có 13 giải Nhất, 51 giải Nhì, 128 giải khuyến ba và 457 giải khuyến khích; khen thưởng 20 giảng viên tham gia hướng dẫn và 21 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên.

Quỹ VIFOTEC quyết định khen thưởng 83 công trình, trong đó có 5 giải nhất, 22 giải Nhì và 56 giải ba. Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã quyết định tặng huy hiệu “Tuổi trẻ Sáng tạo” cho 27 sinh viên thực hiện 13 công trình đạt giải nhất và bằng khen cho 89 sinh viên thực hiện 51 công trình đạt giải nhì.
 
SV đoạt giải nhất nghiên cứu khoa học sẽ được đi du học - 1
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý
trao giải cho sinh viên đoạt giải nhất NCKH: (Ảnh - Hiếu Nguyễn)

Theo đánh giá của các chuyên gia, nội dung nghiên cứu của các công trình dự thi rất phong phú, đề cập đến nhiều lĩnh vực mới và có khả năng triển khai ứng dụng. Đặc biệt, một số công trình đã mạnh dạn đề cập đến những vấn đề lớn mà xã hội rất quan tâm. Cụ thể, công trình “Xây dựng mô hình cảnh báo khủng hoảng tài chính và những khuyến nghị cho Việt Nam” do sinh viên Huỳnh Ngọc Huy và Nguyễn Ngọc Duy - Trường ĐH Kinh tế TPHCM thực hiện;  công trình “Xây dựng từ điển điện tử giải nghĩa kèm phim, ảnh minh họa từ ngữ giáo khoa lớp 1 khuyết tật trí tuệ” do sinh viên Huỳnh Nguyễn Thùy Dung và Đỗ Minh Luân - Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực hiện. Đề tài này nếu được hoàn thiện và triển khai giúp trẻ khuyết tật trí tuệ và giáo viên dạy trẻ có công cụ quan trọng hữu ích hỗ trợ trẻ phát triển nhận thức, tham gia vào những hoạt động chung với bạn cùng tuổi và xã hội.

Công trình “Xây dựng giải thuật CPT mở rộng tăng cường tỷ lệ và chất lượng giấu tin trên ảnh nhị phân” do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện. Công trình nghiên cứu đề xuất một cải tiến cho thuật toán giấu tin CPT để có thể tăng thêm khả năng giấu tin thêm 1 bit, có thể ứng dụng vào việc giấu thông tin trong ảnh với một số mục đích như bảo vệ bản quyền, mã hóa thông tin trong an ninh quốc phòng… Kết quả công trình đã được chấp nhận là “short paper” đăng tại Kỷ yếu hội nghị quốc tế KSE 2009, do IEEE xuất bản.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, các công trình nghiên cứu khoa học, còn nhiều vấn đề hạn chế và yếu kém như tỷ lệ sinh viên tham NCKH còn thấp, chất lượng đề tài NCKH chưa cao, chưa bám sát yêu cầu của đời sống xã hội nên các đề tài có khả năng ứng dụng chưa nhiều.

Khó khăn chủ yếu trong triển khai công tác NCKH của sinh viên do kinh phí hỗ trợ còn thấp, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thư­ viện vừa thiếu. Đặc biệt, nhiều cơ sở đào tạo thiếu cán bộ khoa học hướng dẫn sinh viên NCKH, chưa có các chính sách động viên khuyến khích các giảng viên, các nhà khoa học, các nhà quản lý đóng góp tích cực cho công tác NCKH của sinh viên.

Theo Ban tổ chức, bắt đầu từ năm 2009 này, Bộ GD-ĐT phối hợp với Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings) xét trao Giải thưởng “Sáng tạo Sinh viên Việt Nam với doanh nghiệp”. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố 2 công trình xuất sắc nhất để xây dựng thành dự án, mỗi dự án có thể được tài trợ đến 80 triệu đồng để triển khai thực hiện.

Tính đến nay, 39 sinh viên dạt giải Nhất Giải thưởng “Sinh viên NCKH” đã vinh dự được nhận học bổng đi học sau đại học ở nước ngoài. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết: “Bộ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách gửi các sinh viên đạt giải nhất Giải thưởng “Sinh viên NCKH” của Bộ đi đào tạo sau đại học tại các nước phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước... nhằm tạo động lực khuyến khích SV nghiên cứu khoa học có hiệu quả”.

Hồng Hạnh