Tăng cường thực hành trong đào tạo luật

(Dân trí) - Việc đặt nặng kiến thức sách vở, tập trung vào lý thuyết khiến sinh viên còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, lúng túng khi rời giảng đường tiếp cận với thực tế. “Học đi đôi với hành” là phương án hiệu quả và cần được áp dụng rộng rãi trong các trường Đại học, giúp kéo gần khoảng cách giữa sách vở và cuộc sống.

Từng theo học Luật ở nước ngoài, tiếp xúc với nền giáo dục hiện đại và đề cao tính thực tiễn trong giảng dạy, đào tạo, Luật sư Phạm Liêm Chính, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính và Cộng sự chia sẻ về quãng thời gian học tập tại Pháp: “Ở phương Tây, sinh viên Luật ngoài giờ học họ sẽ đến tòa nghe xét xử các vụ án đang diễn ra, đối với các vụ xét xử theo nguyên tắc công khai. Thời tôi đi học, có những người bạn của tôi học Luật Anh, Mỹ tại Pháp, vì Anh và Pháp gần nhau nên thỉnh thoảng họ lại sang Anh để xem tòa án ở Anh xét xử như thế nào. Họ muốn trực tiếp quan sát, lắng nghe để có cái nhìn rộng mở và sâu sắc hơn với thực tiễn áp dụng luật pháp ở các nước khác nhau.”

Từ lý thuyết trường học đến thực tiễn trường đời

Ở Việt Nam hiện nay, các trường đào tạo chuyên môn Luật đã chú trọng đưa thực hành trở thành phần quan trọng, không thể thiếu trong chương trình đào tạo. Nắm được tầm quan trọng đó, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã thành lập Trung tâm Thực hành Luật và Khởi nghiệp (CLE) - mô hình giáo dục lấy trải nghiệm thực tiễn của sinh viên làm trọng tâm để triển khai các hoạt động thực hành Luật cho sinh viên trong quá trình đào tạo.

Trung tâm thường xuyên tổ chức cho sinh viên đi tuyên truyền pháp luật, học kỹ năng mềm. Những buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các thẩm phán, luật sư, nhà thực hành chuyên môn mang đến những kiến thức về cách nhận định, giải quyết tình huống pháp luật mà sách vở không mang lại được. Họ là những người truyền cảm hứng, khơi gợi khát vọng nghề nghiệp, giúp sinh viên tiến gần hơn đến rất nhiều vấn đề pháp luật trong cuộc sống.

Tăng cường thực hành trong đào tạo luật - 1
Phiên tòa giả định tại Hội trường B, Đại học Luật, Đại học Huế

Hoàng Thùy Linh - sinh viên khóa K39, Trưởng ban Quan hệ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp, CLE, Trường Đại học Luật, Đại học Huế chia sẻ: “Những trải nghiệm mà CLE mang lại cho sinh viên giúp ích rất nhiều trong việc rèn luyện được tinh thần chủ động, làm quen với áp lực, kỹ năng phản biện, thuyết trình, làm việc nhóm. Quan trọng hơn là được củng cố những kiến thức pháp luật được học, nuôi dưỡng niềm yêu thích tìm hiểu pháp luật để ứng dụng trong cuộc sống và phổ biến cho cộng đồng”.

Hằng năm, Đại học Luật, Đại học Huế liên hệ thực tập cho sinh viên tại các cơ quan, doanh nghiệp, công ty Luật, Văn phòng công chứng để sinh viên có cơ hội trải nghiệm môi trường công việc tại các cơ quan, đơn vị.

Là đơn vị thường xuyên tạo điều kiện cho sinh viên Luật Huế thực tập, Luật sư Lê Cao - Giám đốc Công ty Luật FDVN cho biết: “Khi thực tập tại các doanh nghiệp, sinh viên được tiếp cận hồ sơ vụ việc thực tế, nghiên cứu và học cách giải quyết các vấn đề pháp lý thực tiễn như một người hành nghề luật. Học soạn một tờ đơn, làm một cái hợp đồng, nghiên cứu một bản án để so sánh đúng sai và nhận định về sự điều chỉnh của pháp luật, tất cả sẽ trở thành những kiến thức thực tiễn giúp ích rất nhiều cho sinh viên khi bước vào môi trường làm nghề sau này”.

Đào tạo Luật đi vào cuộc sống

Về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, PGS.TS Đoàn Đức Lương - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tạo môi trường thực hành nghề nghiệp cho sinh viên: “Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động bổ trợ nghề nghiệp để sinh viên có cơ hội phục vụ cộng đồng, phát triển kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm đang còn rất thiếu trong phần đông sinh viên hiện nay, giúp các em phát triển toàn diện, tự tin trước những yêu cầu của công việc trong tương lai”.

Tăng cường thực hành trong đào tạo luật - 2
PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Đại học Huế cùng sinh viên trên giảng đường

Ngoài việc tạo điều kiện từ phía các cơ sở đào tạo, sinh viên cũng cần có ý thức quan tâm đến các sự kiện, đời sống pháp luật trong xã hội, chủ động tự quan sát, tìm hiểu, tự giải đáp những thắc mắc từ lý thuyết luật pháp khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống để hiểu thấu đáo vấn đề trong các vụ việc. Kiến thức “tự thu thập” này sẽ trở thành những hành trang vững chắc cho sinh viên khi theo đuổi nghề luật.

“Đội ngũ giảng viên cần ý thức không chỉ dừng lại ở việc mô tả, giải thích điều luật cho sinh viên mà còn cần đưa vào bài học những kiến thức thực tiễn để sinh viên hiểu rõ những điều luật đang được áp dụng trong thực tiễn sống động như thế nào”, Luật sư Phạm Liêm Chính chia sẻ.

Để nâng cao chất lượng trong đào tạo Luật, PGS.TS Đoàn Đức Lương nhấn mạnh thêm: “Nhà trường thường xuyên lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan về chất lượng các Chương trình đào tạo và hoạt động tổ chức đào tạo để từ đó có cơ sở điều chỉnh, bổ sung, cải tiến các nội dung và hoạt động tổ chức đào tạo tại trường nhằm đáp ứng linh hoạt và tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động hiện nay”.