Tập huấn hay đi du lịch?

Chuyện ghi được từ một lớp tập huấn được tổ chức tại một tỉnh phía Bắc Trung bộ vào đầu tháng chín vừa qua. Ngày học chung đầu tiên ở hội trường, không khí ngột ngạt nóng bức, chỉ sau ít phút nghe giảng viên thuyết trình, hội trường đã biến thành... cái chợ nhỏ.

Chỉ những học viên ngồi bên trên còn chú tâm nghe, còn bên dưới đa số ồn ào, nhóm này nhóm kia xúm vào trò chuyện rôm rả như những người thân lâu ngày gặp lại. Ngày đầu ký tên nhận tài liệu, học viên có mặt khá đông đủ. Qua những ngày sau, lác đác nhiều học viên đã tranh thủ trốn học đi tham quan, mua sắm. Số ngồi học cũng chưa hẳn đã nghiêm túc.

 

Nhiều năm nay, khi bắt đầu thí điểm chương trình và sách giáo khoa mới, Bộ GD-ĐT thường tập trung một số giáo viên (GV) cốt cán và cán bộ quản lý về Hà Nội hoặc các tỉnh phía Bắc tập huấn thay sách mỗi năm 1-2 đợt. Mỗi đợt cả ngàn cán bộ GV cả nước (còn cấp chuyên viên sở thì chuyện ra Hà Nội tập huấn như cơm bữa).

 

Các đợt tập huấn chẳng những tốn kém chi phí nhà nước mà cả chi phí của đơn vị (Nhà nước chỉ thanh toán đi bằng xe lửa, nhưng đi xe lửa phải mất thêm vài ngày đi về nên nơi nào muốn tranh thủ thời gian phải bỏ thêm một khoản kinh phí cho GV của mình đi máy bay). Thế nhưng khi về, theo một GV tham gia lớp tập huấn nói trên, tất cả tài liệu đem về được chia cho những người ở nhà nghiên cứu thực hiện, GV thu hoạch được gì cũng chẳng ai quan tâm. Sau nhiều đợt tập huấn, các GV khi được cử đi kháo nhau "được dịp đi du lịch".

 

Bộ GD-ĐT có lẽ cũng khá rõ tình trạng này nên trong một đợt tập huấn cho các cán bộ chuyên gia cốt cán các sở GD-ĐT mới đây được tổ chức ở TPHCM, chúng tôi được nghe một chuyên viên bộ "đề dẫn" bằng câu nói nửa như trách nửa như răn: "Lần trước làm ở Tam Đảo, địa bàn chỉ đi vài vòng là hết nên lớp học đông đủ, không ai trốn. Còn lần này làm ở TPHCM có nhiều nơi tham quan, tôi nhắc các anh chị không được bỏ lớp!".

 

Theo Kim Liên

Tuổi Trẻ