Giáo viên quyết định sự thành bại của chương trình phổ thông mới

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng, việc thành bại hay không khi áp dụng chương trình mới đều do đội ngũ này. Tuy nhiên, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện cả nước còn thiếu hơn 75 nghìn giáo viên ở các cấp học. Một số địa phương “kêu” thiếu giáo viên nhưng một số bộ môn và một số cấp học lại thừa cục bộ.

Địa phương “kêu” thiếu giáo viên

Tại hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành về chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 9/1, một số địa phương lo ngại tình trạng thừa/thiếu cục bộ giáo viên, khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, qua rà soát, Phú Thọ còn thiếu trên 1.000 giáo viên phổ thông. 

Riêng cấp tiểu học, địa phương này còn thiếu hơn 800 giáo viên văn hoá, trong đó môn Tin học thiếu 268, môn tiếng Anh thiếu 218 giáo viên. 

Để chuẩn bị cho công tác triển khai chương trình lớp 1 từ năm học 2020-2021, địa phương này đã rà soát và lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán cấp tiểu học.

Dự kiến, Phú Thọ sẽ triển khai ở 1.100 lớp 1 với 2.400 giáo viên và chuẩn bị cho lớp 2 và lớp 6, tiếp theo là lớp 3,7 và lớp 10.

 

Giáo viên quyết định sự thành bại của chương trình phổ thông mới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Chỉ yêu cầu đổi mới từ một phía mà không quan tâm thực sự đến tâm tư nguyện vọng, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, chính sách cho giáo viên thì rất khó".

 

Được biết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT, ngoài 5 môn học bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh), các môn còn lại (Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2) sẽ được phân theo các nhóm để học sinh tự chọn.

Về điều này, đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng lo ngại, liệu có ảnh hưởng đến việc làm của giáo viên? Những môn học không được học sinh lựa chọn thì giáo viên bộ môn đó sẽ làm gì? Việc tích hợp một số môn ở cấp THCS liệu có khiến nhiều thầy cô có nguy cơ thất nghiệp?

Trả lời vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) khẳng định, khi triển khai thực hiện chương trình mới, với một số môn tích hợp, hay môn tự chọn, đội ngũ giáo viên sẽ có sự dao động không đáng kể. Bởi chương trình mới không bỏ đi môn học nào mà chỉ có sự cơ cấu, sắp xếp lại.

Theo ông Minh, giáo viên không nên quá lo lắng, bởi không có giáo viên nào thiếu việc làm, mà các thầy cô sẽ được bồi dưỡng để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới. Việc bồi dưỡng sẽ được Bộ GD&ĐT tiến hành online, đảm bảo các thầy cô có thể học tập nâng cao trình độ mọi lúc mọi nơi, không nhất thiết phải đi lại để tham dự các cuộc tập huấn. 

 

Giáo viên quyết định sự thành bại của chương trình phổ thông mới - Ảnh 2.

Chương trình mới không bỏ đi môn học nào mà chỉ có sự cơ cấu, sắp xếp lại. (Ảnh: Mỹ Hà).

 

Không để áp lực dồn nén lên giáo viên

Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục (Bộ GD&ĐT), so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người. Trong đó, cấp mầm non là 43.732 người, tiểu học: 18.953, THCS: 10.143, THPT: 3.161 người.

Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh.

Hiện, Bộ GD&ĐT yêu cầu ngành GD&ĐT các địa phương căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục của mỗi cấp học trong chương trình mới tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên hiện có ở từng trường để dự kiến số lượng giáo viên còn thiếu, số lượng giáo viên dôi dư theo từng môn học, cấp học làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều chuyển, sắp xếp giáo viên hợp lý. 

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước, đặc biệt là các môn học mới. 

Nhận xét về mức độ quan trọng của giáo viên khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đội ngũ giáo viên rất quan trọng. Thành bại hay không khi áp dụng chương trình đều ở đây nên các địa phương cần có trao đổi rõ để cơ quan chức năng của các bộ tiếp thu và có hướng giải quyết.

 

Giáo viên quyết định sự thành bại của chương trình phổ thông mới - Ảnh 3.

"Có những việc đang gây áp lực cho các thầy cô mà nằm trong thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, các bộ ngành liên quan, các địa phương, cần giải quyết triệt để. (Ảnh: Mỹ Hà)

 

“Tôi cho rằng, thành bại là do các thầy các cô. Tôi rất trăn trở về điều này. Chúng ta có gần 1,2 triệu giáo viên đứng lớp, đây là lực lượng rất lớn, ngày đêm tâm huyết. Gần đây cũng có một số thầy cô, tuy chỉ là cá biệt nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư nguyện vọng của các giáo viên và uy tín của ngành.

Chúng ta một mặt muốn các thầy cô phải đạt được chuẩn mới, đáp ứng yêu cầu mới nhưng bên cạnh đó cũng phải có động lực cho các thầy cô, chỉ yêu cầu một phía mà không quan tâm thực sự đến tâm tư nguyện vọng, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, chính sách, thì rất khó,” ông Nhạ nói.

Về thang bảng lương, tư lệnh ngành cho hay, do điều kiện nước ta cần có lộ trình. Tuy nhiên, có những việc đang gây áp lực cho các thầy cô mà nằm trong thẩm quyền của Bộ và các bộ ngành liên quan, các địa phương, thì giải quyết triệt để.

Thậm chí, theo Bộ trưởng, cần phải giao trách nhiệm cho các địa phương, giảm tối đa sổ sách để giáo viên không bị áp lực. Phía Bộ GD&ĐT cũng sẽ có chế tài để kiểm soát việc này, tránh các áp lực dồn nén gây những sự việc đáng tiếc như thời gian vừa qua.

Mỹ Hà