Đắk Lắk:

Thầy trò bản Mông mong mỏi một cây cầu

(Dân trí) - Không quản khó khăn, các thầy cô giáo băng qua những con đường lầy lội và vượt qua chiếc cầu tạm bợ nằm vắt qua sông Krông Na chảy xiết để đến với học trò bản Mông. Thầy cô nơi đây chỉ mong cây cầu mới sớm được xây dựng để cả giáo viên, học sinh và người dân qua đây được an toàn.

Gian nan gieo chữ nơi bản Mông hiếu học

Thôn Noh Prông (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) là thôn của đồng bào người Mông từ phía bắc di cư vào Tây Nguyên từ những năm 90, thôn nằm cách biệt với các thôn khác của xã. Để vào trong thôn phải băng qua những con đường lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa và vượt qua chiếc cầu tạm bợ nằm vắt qua sông Krông Na chảy xiết.


Để vào được thôn Noh Prông dạy học, giáo viên phải vượt qua cây cầu tạm thô sơ.

Để vào được thôn Noh Prông dạy học, giáo viên phải vượt qua cây cầu tạm thô sơ.

 

Điểm trường tại thôn Noh Prông được thành lập từ năm 2001 gồm 3 cấp học: mẫu giáo, tiểu học và THCS với 4 phòng học kiên cố, 9 phòng học tạm bằng gỗ, mái lợp tôn xanh, đây nơi theo học của 726 học sinh đồng bào Mông. Để vào điểm trường trong thôn, các giáo viên phải vất vả vượt qua những cửa ải khó khăn mới vào tận thôn gieo chữ. Không ít lần, các giáo viên bị té ngã trên đường và bị ngã khi băng qua cầu nhưng “tai nạn” trong hành trình đi gieo con chữ nơi bản Mông khiến cho thầy cô nơi đây kiên cường hơn và càng thêm yêu nghề giáo.

 


Con đường lầy lội, trơn trượt mà hằng ngày thầy cô giáo phải vượt qua.

Con đường lầy lội, trơn trượt mà hằng ngày thầy cô giáo phải vượt qua.

 

Cô Trương Thị Bạch Yến - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hòa Phong chia sẻ: tại điểm trường mẫu giáo tại thôn Noh Prong có tất cả 3 lớp với khoảng 100 em học sinh, 3 cô giáo của trường được cắt cử nhau vào dạy nơi đây. “Do đường sá đi lại khó khăn, việc các cô giáo bị té ngã trên đường đến lớp là chuyện như cơm bữa, do thôn ở xa nên từ sáng sớm giáo viên đã phải di chuyển và mang theo cơm để ăn trưa sau đó về nhà vào buổi chiều, dù vất vả nhưng các cô giáo vẫn không hề than vãn và vẫn rất lạc quan”.

Cô Yến cũng cho biết, người đồng bào Mông tại thôn Noh Prông rất ý thức và quan tâm đến việc học tập của con cái nên 100% trẻ em ở thôn đều đi học mẫu giáo, “việc người dân đưa con em tới trường là tín hiệu rất vui mừng, ngoài lao động sản xuất người dân đã nghĩ đến con chữ”, cô Yến cho hay.

 

Những lớp học tạm bợ, thiếu thốn
Những lớp học tạm bợ, thiếu thốn

Chỉ mong sớm có cây cầu

Có thâm niên dạy tại điểm trường thôn Noh Prông từ khi vừa thành lập đến nay, thầy giáo Y Thông - giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Phong chia sẻ sau khi điểm trường được thành lập, thầy Y Thông đã mạnh dạn xin nhà trường để vào buôn dạy học, trong những lần đi dạy thầy đã gặp phải không ít tai nạn nhớ đời.

“Cách đây khoảng 2 năm tôi và các giáo viên khác đến lớp để dạy, hôm đó trời mưa rất to nên đi rất vất vả, các thầy cô bị té ngã trên đường liên tục. Đến đoạn di chuyển qua cây cầu tạm bắc qua sông Krông Na ai nấy đều rất run sợ vì cầu này mưa thường bị nước cuốn trôi đi, tôi chạy xe máy đi qua giữa cầu thì bị rơi cả người và xe xuống suối, lúc đó tôi vô cùng sợ hãi nhưng may được người dân cứu vớt kịp thời. Anh em giáo viên ai nấy đều mong cây cầu mới sớm được xây dựng hoàn thiện để cả giáo viên, học sinh và người dân qua đây đều được an toàn”, thầy Y Thông tâm sự.

Tuy khó khăn, gian nan là thế nhưng chưa một lần nào thầy Y Thông có ý định rời xa mái trường tại thôn Noh Prông, suốt 13 năm qua thầy vẫn miệt mài gieo chữ, dẫu có muôn vàn khó khăn nhưng thầy luôn tâm huyết và yêu mến bao thế hệ nơi bản Mông nghèo.

 

Thầy trò bản Mông mong mỏi một cây cầu - 4
Thầy cô giáo luôn tận tụy với nghề dù muôn vàn khó khăn
Thầy cô giáo luôn tận tụy với nghề dù muôn vàn khó khăn

 

Còn đối với cô giáo người dân tộc Nùng Lưu Thị Vân mặc dù nhà ở cách trường 160km nhưng cô đã thuê nhà trọ và tình nguyện được dạy tại điểm trường vùng xa. “Do điểm trường tại thôn Noh Prông là phân hiệu nên không có nhà ở nội trú cho giáo viên nên tôi phải thuê nhà ở cách thôn 20km. Vào mùa mưa lũ là chúng tôi sợ lắm, đường lầy lội, khó đi vẫn không sợ bằng cây cầu tạm bị nước lũ cuốn trôi, nhiều khi chúng tôi không vào được thôn vì không có cầu nên phải nghỉ dạy cả tháng trời, đợi hết lũ lại tất bật dạy bù. Dù có nhiều khó khăn nhưng các giáo viên vẫn quyết tâm bám thôn để các em có cái chữ”, cô Vân cho hay.


Học sinh người đồng bào Mông của thôn rất hiếu học.

Học sinh người đồng bào Mông của thôn rất hiếu học.

Thầy Nguyễn Ngọc Thế - Hiệu trưởng Trường tiểu học Cẩm Phong cho biết: “Tập thể giáo viên trong trường luôn động viên nhau vượt qua những khó khăn và gắn bó lâu dài với các em học sinh tại thôn Noh Prông. Học sinh người Mông ở thôn không còn bỏ học như trước đây, người dân đã ý thức nhiều hơn trong việc giáo dục con em mình nên giáo viên rất phấn khởi. Điều chúng tôi mong mỏi nhất là chính quyền sớm hoàn thiện được con đường vào thôn và xây dựng xong chiếc cầu treo bắc qua sông để giáo viên an tâm công tác khi mùa mưa lũ đang về”.

 

100% học sinh mẫu giáo của thôn đến lớp học chữ
100% học sinh mẫu giáo của thôn đến lớp học chữ

 

Ông Y Liệu Niê - Chủ tịch UBND xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) cho biết: Thôn Noh Prông là thôn đồng bào Mông di cư từ miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên. Cả thôn có 409 hộ, 2.436 khẩu. Năm 2012, thực hiện Dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do, thôn Noh Prông được Nhà nước đầu tư 1,7 tỷ đồng để xây dựng giao thông nội vùng và cầu treo dây võng cùng điểm trường kiên cố cho học sinh. Tuy nhiên, đường giao thông liên thôn và dự án cầu treo hiện chưa hoàn thành khiến cho công tác giảng dạy, cũng như đi lại của bà con nơi đây gặp rất nhiều trở ngại.

Thúy Diễm