Thêm 2 câu hỏi gây tranh luận trong đề thi Lịch Sử THPT quốc gia 2017

(Dân trí) - Liên quan đến đề thi môn Lịch sử của bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội kỳ thi THPT Quốc gia, nhiều giáo viên và thí sinh phát hiện thêm hai câu hỏi gây tranh cãi về tính chính xác, chặt chẽ.

Cụ thể, câu 5 (mã đề 304), câu 9 (mã đề 306), câu 1 (mã đề 314), câu 1 (mã đề 320) gây tranh luận về việc xác định "không gian lịch sử". Theo đó, câu hỏi được đưa ra là: Trong những năm 20 của thế kỉ XX, ở Việt Nam tổ chức nào dưới đây ra đời sớm nhất?

A. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

B. Đông Dương Cộng sản đảng.

C. An Nam Cộng sản đảng.

D. Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

Nhiều giáo viên, học sinh tranh luận tính chính xác của câu 5 (Mã đề 304).
Nhiều giáo viên, học sinh tranh luận tính chính xác của câu 5 (Mã đề 304).

Đáp án đúng Bộ GD&ĐT đưa là A - Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên liệu có thực sự chính xác?

Về ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng - Phó Trưởng bộ môn Lý luận & Phương pháp dạy học (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: "Đáp án đúng mà Bộ GD&ĐT đưa ra là Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên nhưng thực tế, tổ chức này lại ra đời vào tháng 6/1925 ở Quảng Châu - Trung Quốc, chứ không phải ở Việt Nam".

Một câu hỏi khác gây tranh luận có sử dụng về cụm từ “giai cấp” và “tầng lớp” nằm ở câu 5 (mã đề 305), câu 23 (mã đề 311), câu 13 (mã đề 319), câu 19 (mã đề 321). Câu hỏi đưa ra là: "Giai cấp, tầng lớp nào giữ vai trò động lực của phong trào cách mạng 1930 - 1931 ở Việt Nam?

A. Công nhân và nông dân.

B. Công nhân và tiểu tư sản.

C. Công nhân và trí thức.

D. Công nhân, nông dân và trí thức”.

Thêm 2 câu hỏi gây tranh luận trong đề thi Lịch Sử THPT quốc gia 2017 - 2

Đáp án là Giai cấp công nhân và nông dân. Vậy "tầng lớp" đâu? (khái niệm “tầng lớp” thường được dùng để chỉ những nhóm người ngoài kết cấu các giai cấp trong một xã hội nhất định như: Tầng lớp công chức, trí thức, tiểu nông... những tầng lớp này đều có những mối quan hệ nhất định với giai cấp này hay giai cấp khác trong xã hội).

Nhiều thí sinh giãi bày vì mình căn cứ vào “từ khóa của câu hỏi” có từ "tầng lớp" nên đã chọn đáp án Giai cấp công nhân, nông dân và trí thức (vậy là mất 0,25 điểm).

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng nhận định, ở câu hỏi này có thể người ra đề muốn “đánh lạc hướng” thí sinh. Bởi, trong phong trào cách mạng 1930 – 1931 ở Việt Nam, chỉ có giai cấp công nhân và nông dân “giữ vai trò động lực”, đã hình thành nên liên minh công - nông. Tầng lớp trí thức trên thực tế phải từ phong trào cách mạng 1936 - 1939 mới có vai trò tích cực.

"Nếu tôi là người phản biện trong Hội đồng ra đề, tôi sẽ bỏ cụm từ “tầng lớp” để không làm khó các em thí sinh, cũng sẽ tránh được sự tranh luận không đáng có", giảng viên này chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).

Là người từng nhiều năm tham gia công tác làm đề thi và tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng cho rằng, những người ra đề thi luôn chịu một áp lực rất lớn của cả xã hội. Đúng thì không sao, nhưng chỉ sai một kĩ thuật nhỏ là cả dư luận xã hội “dậy sóng”.

Vị giảng viên khoa Sử cũng nhấn mạnh: “40 câu hỏi trong mỗi mã đề thi hay hoặc chưa hay xin chưa cần bàn tới, nhưng yêu cầu số 1 đối với xã hội, đặc biệt với giáo viên và học sinh đó là nội dung câu hỏi trong đề thi cần phải đúng, từ ngữ phải tường minh, rõ ràng, các “từ khóa” để hỏi hoặc câu đề không được đánh đố, thách thức thí sinh. Bởi vì đây là Kì thi Trung học phổ thông mang tính quốc gia, chứ không phải kì thi chọn học sinh giỏi”.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng, Bộ GD&ĐT nói chung, Cục Khảo thí nói riêng đã rất cố gắng nỗ lực và thành công trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017. Với riêng môn Lịch sử, có một tín hiệu mừng vì số lượng thí sinh đăng kí dự thi nhiều hơn so với các năm trước. Những sai sót nhỏ thế này chắc chắn sẽ được hội đồng thi rút kinh nghiệm, khắc phục trong các kỳ thi năm sau.

Lệ Thu