Thi lớp 10 THPT của Hà Nội: Dựng rào sắt, che rèm cửa... đảm bảo an toàn phòng thi

(Dân trí) - Ngày 6/6, lãnh đạo các điểm thi lớp 10 THPT trên địa bàn Hà Nội đã họp để “chốt” lần cuối cùng các nhiệm vụ được giao. Theo ghi nhận của PV Dân trí, các “điểm nóng” cơ sở vật chất chưa đảm bảo trước kì thi, công tác khắc phục đã nhanh chóng được thực hiện như dựng tường rào, dán báo vào cửa sổ chưa an toàn, bổ sung các loại máy móc còn thiếu… để chuẩn bị cho kì thi diễn ra vào ngày 8/6/2016.

Dựng tường rào, che rèm, dán báo

Ghi nhận của PV Dân trí vào sáng 6/6, tại các “điểm nóng” về cơ sở vật chất được thanh tra Sở GD&ĐT “chỉ tên” trước kì thi lớp 10 THPT, cơ bản đã hoàn tất công tác khắc phục sự cố, chuẩn bị chu đáo trước khi kì thi được diễn ra.

Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm), theo kết quả của đoàn thanh tra trước kì thi, đơn vị này còn chưa có máy photocopy và một số cửa sổ nhà dân còn sát với phòng thi. Tuy nhiên, trong sáng 6/6, những sự cố này đã được khắc phục.

Trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì) dựng tạm hàng rào bằng dây thép gai cho 3 đoạn tường rào bị đổ vì mưa lũ vừa qua (Ảnh: M.H)
Trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì) dựng tạm hàng rào bằng dây thép gai cho 3 đoạn tường rào bị đổ vì mưa lũ vừa qua (Ảnh: M.H)

Bà Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết, điểm thi này có 12 phòng thi cho các học sinh Trường THPT Việt Đức. Trong đó, có 4 phòng thi ở tầng 2 có cửa sổ nhà dân nhìn sang. Để đảm bảo an toàn và đúng quy định, trước ngày 3/6, trường đã cho dán báo che kín cửa sổ để từ nhà dân không thể nhìn ra phòng thi. Một số phòng thi khác, do có rèm của lớp bán trú nên nhà trường kéo rèm để che chắn.

Trao đổi với PV Dân trí vào trưa 6/6, ông Nguyễn Đình Thắng, Hiệu trưởng THPT Ba Vì (huyện Ba Vì) cho biết, do trận mưa lớn vừa qua, trường có 3 đoạn tường rào sát mép ruộng lúa bị đổ. “Khi mưa lớn, trường ngập cục bộ nên những đoạn tường yếu đó đổ ra phía bên ngoài ruộng. Để khắc phục, chúng tôi đã huy động cán bộ và thuê người dân thu dọn chỗ tường đổ, dựng tạm thời những đoạn đổ này bằng hàng rào dây thép gai. Nếu tính từ nền lên đến đỉnh, hàng rào có độ cao 2,2m. Nếu tính phía bên trong, hàng rào cao 1m75 đúng như quy định".

Cũng theo ông Thắng, năm nay trường có 25 phòng thi. Trong đó có 24 phòng có 24 thí sinh và một phòng chỉ 20 thí sinh. Hệ thống cửa giả của nhà trường vừa mới sửa nên rất chắc chắn và kiên cố.

Tại Trường THPT Chúc Động (huyện Chương Mỹ), năm nay trường có 28 phòng thi với 2 điểm thi. Ngày 6/6, trường đã họp lãnh đạo cũng như thông báo đến toàn thể thí sinh về lịch thi và phòng thi. Ngày 7/6, học sinh toàn trường sẽ tập trung học tập quy chế.

Ở địa điểm thi THPT Ứng Hòa A (huyện Ứng Hòa) năm nay có 23 phòng thi lớp 10 THPT với hơn 600 thí sinh. Chia sẻ với PV Dân trí, ông Đỗ Danh Thông, hiệu trưởng nhà trường cho biết, do địa điểm trường nằm gần sông nên khi mưa to, nước sẽ bị ngập cục bộ ở sân trường. Có đoạn ngập sâu nhất khoảng 40cm. Tuy nhiên, khoảng 1 giờ đồng hồ sau nước sẽ rút hết nếu không mưa kéo dài.

“Do trường có khu phòng học 2 tầng và 3 tầng nên nếu mưa lớn, chỉ có sân trường bị ngập cục bộ trong thời gian ngắn chứ phòng thi không ảnh hưởng”, ông Thông cho biết.

Có thể giữ học sinh ở trường nếu thiên tai bất thường

Được biết năm nay, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 81.500 học sinh lớp 9 xét tốt nghiệp THCS, tham gia dự tuyển vào lớp 10 năm học 2016-2017.

Trong 154 điểm thi của Hà Nội, có 105 điểm thi tại các trường THPT, 48 điểm thi đặt tại trường THCS, 1 điểm thi đặt tại trung tâm giáo dục thường xuyên. Tổng số giáo viên được huy động làm nhiệm vụ coi thi là gần 9.000 người, trong đó có 50% là giáo viên dạy cấp THCS, 50% là giáo viên dạy cấp THPT và đều là những giáo viên không dạy các môn Ngữ văn, Toán.

Đoạn tường rào vừa dựng tạm ở Ba Vì có chiều cao tính từ mặt đất lên đến đỉnh khoảng 2,2m theo quy định. (ảnh: M.H)
Đoạn tường rào vừa dựng tạm ở Ba Vì có chiều cao tính từ mặt đất lên đến đỉnh khoảng 2,2m theo quy định. (ảnh: M.H)

Do kỳ thi có tính cạnh tranh cao, khâu coi thi được đặc biệt coi trọng. Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD& ĐT Hà Nội nhận định: Có hai yếu tố bắt buộc phải thực hiện nghiêm túc trong khâu coi thi, đó là thực hiện quy trình tổ chức coi thi và ý thức trách nhiệm của giám thị.

Chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng ở mọi khâu tại điểm thi, trưởng điểm thi có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch chi tiết và chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho các thành viên tại điểm thi theo đúng quy trình, đúng người đúng việc.

“Hiện các tồn tại ở một số điểm thi đã được khắc phục nhưng các trưởng điểm thi kiểm tra, nếu cơ sở vật chất hoặc phương tiện phục vụ kì thi vẫn chưa đầy đủ thì có thể kiến nghị chỉnh lý”, ông Đại nói.

Được biết, để hỗ trợ các trưởng điểm thi thực thi nhiệm vụ, Sở GD&ĐT đã in và phát cho từng trưởng điểm thi tài liệu mô tả chi tiết quy trình từng bước thực hiện các đầu việc trong ngày thi, từ hiệu lệnh trống, tập trung thí sinh, đánh số báo danh, đến phát đề, thu bài, bảo quản bài thi...

“Tuy nhiên, với học sinh cơ sở nhiều khi các em vẫn còn bé nên các điểm thi nhớ nhắc nhở thí sinh chú ý giờ giấc, tránh sai sót đáng tiếc. Các trưởng điểm thi phải cam kết thực hiện nghiêm túc việc tổ chức cho giám thị coi thi học quy chế thi, nếu giám thị coi thi không thuộc quy chế, dứt khoát không được thực hiện nhiệm vụ. Sở cũng nghiêm cấm các điểm thi phổ biến quy chế thi qua loa”, ông Đại nhấn mạnh.

Theo lưu ý của Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc phân công giám thị coi thi cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc: Hai giám thị coi thi trong một phòng thi phải là giáo viên dạy khác trường (một người là giáo viên dạy cấp THPT, một người là giáo viên dạy cấp THCS); hai giám thị coi thi không cùng coi thi quá một lần. Việc phân công giám thị coi thi phải được giữ bí mật.

Ông Đại cũng lưu ý thêm: “Sau khi thi xong, nếu có mưa lũ bất thường, tiên liệu đường về nhà có thể sẽ khó khăn, các giáo viên có thể giữ học sinh lại để đảm bảo an toàn, nhất là các trường vùng trũng”.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)