Thí sinh nên chọn nghề gì trong thời cuộc 4.0?

(Dân trí) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh đến việc làm của người lao động, không chỉ thay thế những công việc nặng nhọc mà cả những công việc đòi hỏi chuyên môn cao như luật sư, các nhà phân tích tài chính, bác sĩ, nhà báo, kế toán… cũng sẽ bị tự động hóa một phần.

Vậy, thí sinh chọn nghề gì trong tương lai? Ngày 27/11, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực - Bộ GD&ĐT đã tổ chức buổi Tọa đàm: “Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học năm 2019”.


Thí sinh lo lắng về chọn nghề thế nào cho khỏi thất nghiệp? (Học sinh trường THPT Việt Đức tại buổi tọa đàm)

Thí sinh lo lắng về chọn nghề thế nào cho khỏi thất nghiệp? (Học sinh trường THPT Việt Đức tại buổi tọa đàm)

Nhiều ngành nghề sẽ mất trong thời kỳ 4.0

Tại buổi tọa đàm ông Nguyễn Thế Hà, Phó Giám đốc, Trung tâm Quốc gia dịch vụ việc làm, Bộ Lao động thương binh và Xã hội đã phân tích về những tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường lao động Việt Nam.

Theo ông Hà, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được coi như điểm nhấn của Kỷ nguyên số và nó có tác động mạnh mẽ đến các ngành và nghề trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam - một quốc gia có nguồn cung lao động khá dồi dào và ổn định với hơn 55 triệu lao động.

Theo đó, CMCN 4.0 sẽ tác động đến số lượng, chất lượng việc làm thông qua sự thay thế sức lao động bằng máy móc, rô-bốt, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ thông tin đối với một số ngành, nghề đang diễn ra nhanh chóng thâm nhập nơi làm việc trên thị trường lao động Việt Nam. Điều này cũng sẽ làm thay đổi bản chất của việc làm, sẽ làm một số công việc biến mất nhưng đồng thời sẽ tạo ra nhiều công việc mới như Uber hay Grab taxi.

Hay như với ứng dụng điện thoại di động cho phép theo dõi thời tiết cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long; các bảng điện tử theo dõi việc làm được thanh niên TP. Hồ Chí Minh phân tích...Với những công nghệ này có tiềm năng giải phóng lao động Việt Nam khỏi những công việc có giá trị gia tăng thấp, từ đó tạo điều kiện cho lao động tham gia vào những công việc ít nhàm chán, có giá trị gia tăng cao hơn. Đồng nghĩa với việc làm tăng năng suất của người lao động.

Thậm chí, không phải là những công việc nặng nhọc mà cả những công việc đòi hỏi chuyên môn cao như luật sư, các nhà phân tích tài chính, bác sĩ, nhà báo, kế toán…có thể được tự động hóa một phần hoặc hoàn toàn.

Ông Hà cho rằng, nếu Việt Nam không có sự chuẩn bị tốt thì CMCN 4.0 có thể sẽ dẫn đến mất việc làm ở một số ngành, nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử ... Điển hình như nguy cơ thay thế lao động trong ngành dệt may, da giày ở Việt Nam.

Một trong những tác động quan trọng nữa của CMCN 4.0, theo ông Hà là chất lượng nguồn nhân lực.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, kỹ năng lao động cần thiết trong kỷ nguyên công nghệ mới ngoài yêu cầu cứng về kỹ năng kỹ thuật (mức trung bình và cao) bao gồm những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt thuộc về CMKT nhằm thực hiện công việc cụ thể thì cần phải có những kỹ năng làm việc mềm hay cốt lỗi như: Khả năng tư duy sáng tạo và tính chủ động trong công việc, kỹ năng sử dụng máy tính, internet, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng an toàn và tuân thủ kỷ luật lao động, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tập trung.

Sinh viên giỏi thất nghiệp do không có định hướng

Ông Nguyễn thế Hà cho rằng, ngành giáo dục – đào tạo ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Cụ thể, trong một thế giới hiện đại do công nghệ dẫn dắt, chính phủ của nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền công nghệ tiên tiến nhất như Mỹ và Nhật, đã có chính sách ưu tiên rõ rệt cho các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (Science, Technology, Engineering and Mathematics, viết tắt là STEM). Kết quả là những sinh viên mới, đặc biệt là sinh viên nước ngoài chuyển hướng mạnh sang học các ngành STEM để tìm kiếm cơ hội ở lại làm việc ở Mỹ.

Còn ở Việt Nam không có những định hướng rõ nét, dẫn đến tình trạng những sinh viên giỏi nhất thường lựa chọn các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng …, làm điểm chuẩn vào các trường đào tạo các chuyên ngành này cao hơn hẳn so với vào các trường công nghệ và kỹ thuật, trong đó có những trường đầu đàn truyền thống như Bách Khoa.… Bản thân số trường đào tạo các ngành công nghệ và kỹ thuật cũng không nhiều.

"Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực trong một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh trong thời đại số hóa và tự động hóa, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin. Báo cáo mới nhất về ngành công nghệ thông tin (CNTT) của VietnamWorks cho thấy, trong 3 năm gần đây, số lượng công việc của ngành này đã tăng trung bình 47%/năm, nhưng số lượng nhân sự chỉ tăng ở mức 8%.

Sự lựa chọn “lạc hướng” của các thanh niên khi bước vào đại học là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây” - ông Hà nhấn mạnh.

Theo ông Hà, CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh đến số lượng, chất lượng hay bản chất của việc làm hiện tại và tương lai. Và hiện nay, một lý do cơ bản là vì thiếu thông tin về cơ hội việc làm, thiếu thông tin về chất lượng người lao động, thiếu thời gian mà hạn chế lựa chọn công việc, thiếu thu nhập nên khó chuyển sang những công việc phù hợp hơn, hay một loạt những yếu tố khác dẫn đến mất cân đối giữa cung cầu trên thị trường lao động. Do đó, để giải quyết vấn đề trên, đó chính là công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động.

Thí sinh phải tự định hướng cho bản thân

Chia sẻ với các thí sinh trong việc chọn nghề trong năm tới, TS. Trần Văn Tính, trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, thí sinh cần xác định rõ được các năng lực và phẩm chất của của mình như sở thích, khả năng, cá tính… để định hướng nghề nghiệp vì hoạt động nghề nghiệp sẽ theo suốt cuộc đời. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu được kiến thức về ngành học trong trong các trường Đại học trong và ngoài nước để có thể lựa chọn hoặc điều chỉnh việc lựa chọn nghề trong và sau quá trình học.


TS. Trần Văn Tính

TS. Trần Văn Tính

Để xác định được mục tiêu nghề nghiệp cho mình, theo TS Tính, học sinh nên tham gia các hoạt động ngoại khoá, các hoạt động xã hội để tạo động lực và lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp thích hợp nhất.

TS Tính cho biết, có 3 yếu tố học sinh cần kết hợp để lựa chọn nghề cho mình:

Thứ nhất, học sinh cần biết về đặc điểm tâm lý, năng lực học tập và yếu tố sinh lý của cá nhân. Đây là yêu tố chủ quan nhưng có thể quyết định đến việc thành công trong nghề nghiệp của cá nhân sau này.

Thứ hai, học sinh cần trả lời 7 câu hỏi: Có nghề mới xuất hiện không, xu thế xã hội hiện tại đang phát triển nghề gì?, Nghề nào phát triển tốt nhất, dễ xin việc nhất?, Nghề nào là nghề danh giá nhất?, Nghề nào thu nhập cao nhất?, Học đại học có phải là con đường duy nhất để thành công không?, Chọn một ngành học có phải là nghiệp của cả đời không?, Xã hội phát triển cần người làm nghề như thế nào?

Học sinh cần biết nghề mình muốn chọn là gì và yêu cầu của nghề đó là gì để bản thân còn có thể so sánh, thích ứng để phát triển theo nghề.

Thứ ba, thí sinh phải biết, điều kiện gia đình, truyền thống gia đình.

TS Hà cho rằng, gia đình là nơi hỗ trợ cho học sinh phát triển nghề nghiệp, nếu có sự hỗ trợ tốt thì khả năng thành công trong nghề của chúng ta càng ngày càng cao hơn.

Nhật Hồng