Xét tuyển đại học 2016:

Thí sinh sẽ gặp khó nếu có nhiều “nhóm xét tuyển”

(Dân trí) - Nếu một khu vực nào đó (Bắc, Trung, Nam) có nhiều "nhóm xét tuyển", thí sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cập nhật thông tin và thực hiện việc đăng ký dẫn đến kết quả không mong muốn cho kỳ tuyển sinh.

Đó là 1 trong 7 góp ý của GS. Hà Huy Khoái và TS. Phan Huy Phú Trường Đại học Thăng Long đưa ra khi Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH được thành lập “nhóm xét tuyển” để tránh ảo.


Thí sinh hoang mang lo lắng khi có nhiều đổi mới trong xét tuyển ĐH 2016

Thí sinh hoang mang lo lắng khi có nhiều đổi mới trong xét tuyển ĐH 2016

Nên vận động để các “nhóm xét tuyển” trong một khu vực (Bắc, Trung, Nam) sáp nhập lại với nhau

Khắc phục những hạn chế bất cập trong xét tuyển năm 2015, năm nay, Bộ chủ trương có hai thay đổi để khắc phục các điểm chưa tốt năm trước, đó là thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 2 trường trong đợt xét tuyển đầu và thí sinh không được thay đổi nguyện vọng.

Ngay lập tức nhiều người đã nhận thấy là kết quả của đợt 1 sẽ rất "ảo". Để đối phó với "ảo" các trường chỉ còn cách là dựa vào kinh nghiệm. Sẽ có một số trường do gọi nhiều thí sinh để trừ hao dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu rất nhiều, gây khó khăn cho các trường khác, và Bộ cũng khó phạt những trường tuyển vượt chỉ tiêu.

Để hạn chế “ảo", một số trường (ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân...) dự định sẽ tổ chức xét tuyển theo nhóm trường. Bộ cũng có dự kiến cho phép các trường liên kết theo nhóm để tuyển sinh.

GS Hà Huy Khoái cho biết, nếu Bộ cho phép các trường tổ chức các “nhóm xét tuyển” thì có thể có một số "nhóm xét tuyển" độc lập gồm chỉ một trường và có thể có một số "nhóm xét tuyển" gồm hàng chục trường.

Sẽ có hai cực: cực thứ nhất là tất cả các “nhóm xét tuyển” đều là nhóm độc lập (trường hợp của năm 2015), và cực thứ hai là cả nước là một "nhóm xét tuyển” (trường hợp mà những người đề xuất áp dụng thuật toán để xét tuyển mong muốn).

Cần phải khẳng định ngay hai điều sau. Điều đầu tiên là phần mềm xét tuyển của Bộ áp dụng được cho nhóm trường mà không có trở ngại gì, qui mô lớn hay nhỏ đều được. Điều thứ hai là khi tham gia vào một “nhóm xét tuyển”, các trường không hề bị giảm sự tự chủ.

Ngay cả hình thức tuyển bằng học bạ hay thi riêng (Đại học Quốc gia HN) cũng tham gia được vào một “nhóm xét tuyển” gồm nhiều trường, và danh sách trúng tuyển theo phương thức xét học bạ hay thi riêng cũng được xác định nhờ chạy chung chương trình xét tuyển của Bộ.

Phần mềm xét tuyển của Bộ mà các trường đã sử dụng trong kỳ tuyển sinh năm ngoái càng tỏ rõ tính ưu việt khi được sử dụng cho nhóm càng lớn. Hơn nữa, một trường khi đã nhận thấy được lợi ích của việc tham gia vào một “nhóm xét tuyển” thì cũng sẽ nhận thấy ngay rằng “nhóm xét tuyển” càng lớn thì các trường trong nhóm càng lợi trong việc xét tuyển.

Vì vậy, GS Hà Huy Khoái cho rằng, nên vận động để các “nhóm xét tuyển” trong một khu vực (Bắc, Trung, Nam) sáp nhập lại với nhau sao cho có càng ít nhóm càng tốt, tốt nhất là mỗi khu vực chỉ có một “nhóm xét tuyển” và các trường độc lập.

Cho phép một trường tham gia nhiều nhóm xét tuyển

Theo GS Hà Huy Khoái, vì có thể có nhiều “nhóm xét tuyển” trong một khu vực nên cần phải cho phép một trường có thể tham gia vào nhiều “nhóm xét tuyển”, miễn là mỗi “mã xét tuyển” của trường chỉ được tham gia vào một nhóm (mỗi “mã xét tuyển” đều xác định rõ các ngành tuyển, các tổ hợp xét tuyển, tổng chỉ tiêu...). Ví dụ: ngành Kế toán của trường A tham gia vào “nhóm xét tuyển” có Trường Đại học Kinh tế quốc dân, còn ngành Điều dưỡng của trường A lại tham gia vào “nhóm xét tuyển” có Trường Đại học Y Hà Nội.

Khi đưa ra qui định về việc tổ chức các “nhóm xét tuyển”, Bộ cũng cần công bố luôn qui định về đăng ký nguyện vọng của thí sinh.

GS Khoái cho rằng, có 4 phương án không quá xa với chủ trương của Bộ đã công bố (thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng).

Phương án 1: Thí sinh được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng và thứ tự ưu tiên các nguyện vọng được xếp theo trường (thứ tự ưu tiên các nguyện vọng là 1, 2 và 1, 2). Nếu áp dụng phương án này thì việc tổ chức các nhóm trở nên vô nghĩa.

Phương án 2: Thí sinh được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng và thứ tự ưu tiên được xếp cho các nguyện vọng cùng “nhóm xét tuyển”, không tách theo trường (nếu cả 2 trường cùng nhóm thì thứ tự ưu tiên các nguyện vọng là 1, 2, 3, 4). Phương án này làm cho việc tổ chức nhóm có ý nghĩa và không mâu thuẫn gì với chủ trương Bộ đã công bố (2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng).

Phương án 3: Thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào nhiều nhất 2 “nhóm xét tuyển” và thứ tự ưu tiên được xếp cho các nguyện vọng cùng “nhóm xét tuyển” (có thể 4 nguyện vọng vào 4 trường cùng nhóm).

Cả hai phương án 2 và 3 đều chưa loại bỏ được hiện tượng "ảo" nhưng phương án 3 tốt cho việc xét tuyển hơn so với phương án 2 vì nó cho thí sinh nhiều cơ hội lựa chọn hơn và với phần mềm xét tuyển của Bộ thì 4 nguyện vọng cùng một “nhóm xét tuyển” không tạo ra “ảo” ngay cả khi 4 nguyện vọng thuộc 4 trường khác nhau.

Phương án 4: 4 nguyện vọng của thí sinh phải thuộc cùng một “nhóm xét tuyển” và thứ tự ưu tiên được xếp từ 1 đến 4. Phương án này tránh triệt để hiện tượng “ảo” nhưng khó khả thi vì sẽ bị dư luận phản đối (khi đăng ký vào nhóm 1 trường, thí sinh không được đăng ký vào trường thứ hai, và như thế là thí sinh bị “mất quyền lợi”).

Không để mỗi "nhóm xét tuyển" đưa ra mẫu đăng ký riêng.

Theo GS Hà Huy Khoái, khi đã xác định được qui định về đăng ký nguyện vọng của thí sinh, Bộ phải sớm đưa ra được mẫu đăng ký nguyện vọng phù hợp với qui định, dùng chung cho toàn quốc (như trước đây).

Không thể để mỗi "nhóm xét tuyển" đưa ra mẫu đăng ký riêng. Trong đợt xét tuyển đầu, mỗi thí sinh chỉ nộp một phiếu đăng ký xét tuyển, và Bộ (đại diện là Cục Khảo thí và Đảm bảo chất lượng) phải là nơi điều phối việc này như trước đây.

Mẫu đăng ký xét tuyển cho trường hợp phương án 3 sẽ phức tạp hơn nhiều so với các mẫu đăng ký xét tuyển trước đây, vì vậy Bộ nên xem xét kỹ và nên tham khảo ý kiến các chuyên gia trước khi chính thức công bố mẫu.

Cần phải tuyên truyền, giải thích rõ cho thí sinh và phụ huynh lợi ích của việc các trường liên kết để tổ chức xét tuyển theo nhóm: tránh ảo, giảm các trường hợp bất hợp lý, các trường tuyển được thí sinh tốt hơn, tiết kiệm công sức và tiền bạc cho các trường và thí sinh, rút ngắn thời gian xét tuyển và “nhóm xét tuyển” càng lớn thì các điểm ưu việt nêu trên càng rõ.

Nếu hiểu được vấn đề, thí sinh sẽ muốn đăng ký nguyện vọng vào “nhóm xét tuyển” nào có nhiều trường, vì vậy những trường đứng một mình sẽ bất lợi hơn những trường tham gia vào một nhóm nào đó. Và khi có một “nhóm xét tuyển” càng có nhiều trường thì các trường đứng một mình càng bất lợi.

Thông tin về các “nhóm xét tuyển” không thể chỉ công bố theo từng nhóm một cách rời rạc, càng không thể chỉ công bố theo từng trường riêng rẽ. Phải tập hợp thông tin về một mối và công bố cho thí sinh hai bảng tổng hợp sau.

Bảng tổng hợp 1 liệt kê theo “nhóm xét tuyển”: Nhóm N gồm những ngành nào của trường nào.

Bảng tổng hợp 2 liệt kê theo trường, ngành: Trong trường T thì ngành N có bao nhiêu chỉ tiêu, xét tuyển theo tổ hợp môn nào, và thuộc “nhóm xét tuyển” nào.

Các thông tin này phải công bố cho thí sinh càng sớm càng tốt, chậm nhất là ngay sau khi có kết quả thi. Các thông tin này lại chỉ được xác định sau khi các “nhóm xét tuyển” ổn định, vì vậy phải rất khẩn trương thực hiện các việc nêu trên.

Nếu một khu vực nào đó (Bắc, Trung, Nam) có nhiều "nhóm xét tuyển" thì thí sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cập nhật thông tin và thực hiện việc đăng ký dẫn đến kết quả không mong muốn cho kỳ tuyển sinh.

Bộ nên chủ trì việc lập các "nhóm xét tuyển", có thể với sự cộng tác của một số trường nòng cốt, xem như thực hiện một dịch vụ "công" (nhiều nhất là 3 nhóm, mỗi khu vực một nhóm).

Mỗi trường tự quyết định có tham gia vào "nhóm xét tuỵển" của khu vực hay không. Như vậy mỗi khu vực chỉ có một "nhóm xét tuyển" gồm nhiều trường, các trường còn lại thực hiện xét tuyển độc lập. Khi đó, thí sinh sẽ thuận lợi trong việc cập nhật thông tin và thực hiện việc đăng ký.

Hồng Hạnh (ghi)