Thi THPT quốc gia 2018: Có đề minh họa vẫn tốt hơn

(Dân trí) - Thông tin Bộ GD-ĐT sẽ không công bố đề thi minh họa năm 2018 khiến các học sinh đang học lớp 12 cảm thấy lo lắng. Dù phương án thi được công bố sớm để các trường THPT chủ động hơn nhưng các giáo viên vẫn có đôi chút băn khoăn liệu kiến thức chương trình lớp 11 sẽ thi như thế nào?

Khi biết sẽ không có đề minh họa, em Minh Trang, học sinh Trường THPT Marie Curie (TPHCM) bày tỏ lo lắng: “Từ đầu năm học chúng em tập trung cho việc học trên lớp là chính và đợi khi có đề minh họa mới ôn tập cho đúng hướng. Giờ nghe nói sẽ không có đề mẫu chúng em thấy lo không thể biết cách ra đề có thay đổi gì hay không. Đặc biệt, nếu đưa kiến thức lớp 11 vào đề thi thì sẽ lấy những phần nào? Nếu đề cho toàn bộ chương trình lớp 11 thì em nghĩ quá nặng đối với học sinh”.


Học sinh lo lắng năm 2018 thi thêm kiến thức lớp 11 sẽ chưa biết ôn tập trọng tâm nào (ảnh minh họa)

Học sinh lo lắng năm 2018 thi thêm kiến thức lớp 11 sẽ chưa biết ôn tập trọng tâm nào (ảnh minh họa)

Còn Minh Hoàng, một thí sinh tự do chia sẻ rằng nếu giống năm 2017 thì chỉ ra đề thi kiến thức lớp 12 thôi, đề năm nay phải khác năm ngoái vì có cả kiến thức 11. Như vậy, nếu năm 2017 em học 6 cuốn giáo khoa thì năm 2018 này phải học 12 cuốn sách. Nếu không có đề mẫu thì em không biết chọn kiến thức nào là trọng tâm để ôn tập cho hiệu quả.

Trong khi đó, hầu hết các trường THPT tại TP.HCM cho biết có phần phấn khởi khi năm nay Bộ công bố từ đầu năm học, giúp thầy trò có thể chủ động hơn khi lên kế hoạch ôn tập. Tuy vậy, nếu có thêm đề minh họa thì các trường sẽ càng thuận lợi hơn khi hướng dẫn học sinh ôn tập tốt.

Ths Bùi Gia Hiếu, hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt chia sẻ rằng: “Công bằng mà nói tính cấp bách của đề minh họa năm nay không bằng năm ngoái khi đó là lần đầu thi trắc nghiệm với hầu hết các môn. Còn năm nay, Bộ GD-ĐT đã công bố sớm phương án thi THPT với cách thức ổn định không thay đổi gì so với năm ngoái nên phần nào các giáo viên đã quen cách thức ra đề thi trắc nghiệm thêm nữa là các đề chính thức đã thi năm ngoái.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên và học sinh lo lắng với việc không công bố mẫu đề minh họa cũng là điều dễ hiểu bởi trong công bố của Bộ GD-ĐT nêu rằng nội dung thi mở rộng thêm chương trình lớp 11. Bên cạnh đó, năm ngoái mức độ phân hóa của đề thi không được tốt nên Bộ thông tin sẽ nâng cao độ phân hóa của đề thi so với năm 2017 nếu vậy rất cần mẫu đề minh họa sẽ giúp ôn tập tiện hơn”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, dù tính cấp bách không bằng năm ngoái nhưng thiết nghĩ vẫn nên có đề minh hoạ. Việc công bố đề mẫu thời điểm này chính là giúp ổn định tâm lý của học sinh và phụ huynh hơn.

Các giáo viên cho rằng có đề minh hoạ vẫn tốt hơn
Các giáo viên cho rằng có đề minh hoạ vẫn tốt hơn

Ông Nguyễn Đình Độ, hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân thì cho rằng việc Bộ không công bố đề minh họa cũng có lý do, bởi nếu đề mẫu khó hay dễ hơn thực tế sẽ bị dư luận phản đối. “Dù vậy đa số giáo viên có kinh nghiệm không cảm thấy bất ngờ nhưng đối với học sinh nếu không có đề minh họa thì các em sẽ hoang mang. Bởi đơn giản ở chỗ học sinh làm nắm được tỷ lệ kiến thức chương trình lớp 11 sẽ bao nhiêu, cách thức ra đề như thế nào theo kiểu thuần túy của lớp 11 hay là sử dụng kiến thức chương trình lớp 11 để giải bài của lớp 12”, ông Độ cho biết.

“Nếu các môn khác có thể giáo viên không băn khoăn gì tuy nhiên riêng môn Vật lý thì giáo viên chia sẻ rằng các năm trước đề thi hầu như không cho kiến thức lớp 11. Kiến thức môn Lý trong chương trình lớp 11 hoàn toàn độc lập với chương trình 12, trong khi đó các môn Hoá, Toán thì năm nào cũng lồng kiến thức lớp 11 mới giải được nội dung của lớp 12. Do đó, nếu Bộ công bố mẫu đề một cách cụ thể, rõ ràng hơn sẽ phù hợp và giải được nỗi lo cho cả thầy trò hiện nay”, ông Nguyễn Đình Độ kiến nghị.

Trong khi đó, một giáo viên tại một trường THPT ở quận 3 thì nhận định mặc dù còn một số điểm gây tranh cãi nhưng đề minh họa năm trước đã giới hạn, định hướng ôn tập rất tốt. Năm nay phần kiến thức xuất hiện trong đề thi theo Bộ nói sẽ bao gồm cả chương trình lớp 11. Do đó bản thân giáo viên cũng không biết chắc là phần kiến thức nào sẽ được đưa vào và đề sẽ đặt câu hỏi trắc nghiệm cho các phần đó như thế nào. Theo giáo viên này, để tránh sự đoán mò từ phía giáo viên lẫn học sinh, cũng như đảm bảo việc học, ôn tập hiệu quả thì Bộ cần nhanh chóng công bố đề minh họa.

Lê Phương