Thi THPT quốc gia: Tăng tốc ôn thi, bồi dưỡng chống điểm “liệt”

(Dân trí) - Bước vào giai đoạn nước rút, chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia 2019, các trường THPT tăng tốc ôn thi, mở lớp bồi dưỡng, chống điểm “liệt”.

Ôn thi "nước rút"

Ghi nhận của PV Dân trí tại Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình), học sinh lớp 12 đang bước vào giai đoạn ôn thi nước rút.

Em Nguyễn Quang Minh, học sinh lớp 12D cho biết, năm nay mình lựa chọn các môn thi khối A. Hiện nhà trường đang cho học sinh ôn thi “nước rút”. Bản thân em cũng ôn tập “hòm hòm”.

Em Nguyễn Thị Kim Liên, học sinh lớp 12N chia sẻ, qua tham khảo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, em thấy kiến thức bao quát cả khối 11 và chủ yếu là lớp 12. Nếu đề thi ra tương tự thế này, em nghĩ mình có thể làm được. Tuy nhiên, riêng đề thi tham khảo môn Anh, Kim Liên thấy khá khó.

Cũng theo Kim Liên, một tuần các em được ôn thi cả hai buổi/ngày và học luân phiên các môn. “Chúng em đã được thi thử nhiều lần trong năm, có thể tự tin đủ điểm tốt nghiệp nhưng em vẫn khá lo lắng”, học sinh này nói.

Hoc sinh thi

Học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình) ôn thi "nước rút". (Ảnh: M. Hà)

Ông Lê Văn Thuyết, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình) chia sẻ, hết tháng 5, học sinh hoàn thành chương trình tuy nhiên trường vẫn tiếp tục ôn tập. Học sinh chỉ được nghỉ cách kỳ thi khoảng 10 ngày, nếu không kiến thức sẽ rơi rụng.

Theo hiệu trưởng, thời điểm này nhà trường đang tăng tốc ôn thi cho học sinh lớp 12 và rất tự tin vì kết quả thi thử của học sinh điểm rất khả quan.

Với tình hình thực tế như vậy, kỳ thi năm nay Bộ GD&ĐT ra đề giữ nguyên cấu trúc như đề minh họa không có những câu hỏi quá khó thì trường hoàn toàn tự tin.

Để đạt tỉ lệ đỗ ĐH, CĐ hàng năm trên 80% như các năm gần đầy, ngay từ đầu năm học, trường đã lên kế hoạch dạy học và bồi dưỡng học sinh cho kỳ thi THPT quốc gia để Sở GD&ĐT phê duyệt.

Trường xác định rõ hai mục tiêu, đạt tỉ lệ 100% học sinh tốt nghiệp và đạt điểm cao để có học sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ top đầu.

“Đối với học sinh lớp 12, trường ưu tiên chọn giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn là những người vững chuyên môn, biết cách quan tâm, chăm lo cho học sinh. Trong quá trình học, qua các bài kiểm tra, đánh giá, giáo viên phân loại học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng”, thầy Thuyết cho hay.

on thi THPT quoc gia

Trong quá trình học, qua các bài kiểm tra, đánh giá, giáo viên phân loại học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng (Ảnh: M. Hà).

Bồi dưỡng chống điểm “liệt”

Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia của Ninh Bình là 8.974 em. Trong đó, gần 8.700 thí sinh đang học lớp 12.

Lượng thí sinh đăng ký dự thi bài tổ hợp là 8.745 em. Trong đó, số đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên là gần 3.000 (chiếm 33,89%). Số thí sinh đăng ký bài Khoa học xã hội chiếm gần 66% và chỉ có 0,02% tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài tổ hợp.

Ông Thuyết cũng chia sẻ, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, thầy và trò áp lực hơn bởi cách tính điểm tốt nghiệp theo tỉ lệ 70-30 (70% điểm thi và 30% điểm học bạ) thay vì 50-50 như trước.

Với cách tính này, học sinh đỗ tốt nghiệp hay không, phụ thuộc khá nhiều vào điểm thi. Do đó, trong lần thi thử mới đây, trường có 13 học sinh trượt tốt nghiệp, trong khi năm trước, cũng thời điểm thi thử chỉ có 5 học sinh. Những con số này buộc trường không được chủ quan.

Ngoài ra, hiệu trưởng trường này cũng thừa nhận thực tế, học sinh khi đã đăng ký các tổ hợp thi, vẫn có hiện tượng học lệch, học tủ.

Ninh Bình từng có những học sinh trường chuyên có điểm xét tuyển đại học lên tới 24 nhưng do một môn bị điểm liệt mà trượt tốt nghiệp. Vì vậy, trường Yên Khánh A rút kinh nghiệm ngay từ trước khi kỳ thi năm nay diễn ra.

Để việc ôn tập có hiệu quả, theo Hiệu trưởng Thuyết, nhà trường thành lập nhiều CLB, tổ nhóm để học sinh ôn tập cùng nhau. Trên thư viện điện tử, giáo viên đưa nhiều dạng đề, cách giải để học sinh cùng ôn tập ở nhà.

Nhà trường thường xuyên tổ chức các kỳ thi, kiểm tra nhằm phân loại, sàng lọc. "Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp để bồi dưỡng những học sinh có nguy cơ bị điểm liệt", ông Thuyết nhấn mạnh.

Mỹ Hà