Thiếu ngủ làm giảm thành tích học tập

(Dân trí) - Một khảo sát với 7.363 học sinh THPT cho thấy có 81,8% học sinh ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu khoa học đều khẳng định những học sinh không ngủ đủ gặp những bất lợi nghiêm trọng vì giấc ngủ ảnh hưởng rất lớn đến thành tích học tập.

“Vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT ở TPHCM” là tên dự án nghiên cứu về lĩnh vực xã hội của hai nữ sinh Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy (Trường THPT Gia Định) tham gia vòng chung kết cấp thành phố cuộc thi Nghiên cứu Khoa học dành cho học sinh trung học năm 2017 - 2018.

Trong dự án này, Thùy Trang và Khánh Vy khảo sát với 7.363 bạn học sinh ở các trường THPT trên địa bàn TPHCM. Kết quả cho thấy có 81,8% học sinh ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày, có đến 13,7% học sinh ngủ dưới 5 tiếng. Có tới hơn 50% học sinh đi ngủ sau 23h và thức dậy trước 5h30 sáng.

Kết quả khảo sát này thật đáng giật mình bởi vì thiếu ngủ ảnh hưởng đến nhiều mặt, trong đó có hiệu suất, thành tích học tập.

Ngủ bao nhiêu tiếng thì được cho là thiếu ngủ?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), số lượng thời gian con người cần ngủ thay đổi tùy vào độ tuổi. Theo đó, trẻ em từ 6-12 tuổi cần ngủ 9-12 tiếng một ngày, trẻ trong độ tuổi mới lớn (từ 13-18 tuổi) cần ngủ 8-10 tiếng một ngày. Người từ 18 tuổi trở lên cần ngủ ít nhất 7 tiếng một ngày.

Số giờ ngủ ít hơn mức này được coi là thiếu ngủ.

Thiếu ngủ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất học tập, làm việc và mức độ tập trung. (ảnh minh họa)
Thiếu ngủ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất học tập, làm việc và mức độ tập trung. (ảnh minh họa)

Trong cuốn sách “Nuôi dạy con kiểu cá heo” (NXB Thế giới), bác sĩ Shimi Kang cho biết, trong cơ thể con người, giấc ngủ điều chỉnh mọi thứ. Tiến sĩ Shimi Kang dẫn ra một loạt nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ dẫn đến nhiều vấn đề ngắn hạn và dài hạn như:

- Thay đổi hoóc môn có thể dẫn tới tình trạng tăng cân

- Giảm thành tích và sự tỉnh táo (Một đêm ngủ không yên với chỉ 90 phút trong thời gian ngủ bị cắt giảm thôi cũng có thể làm suy giảm 33% sự tỉnh táo vào ban ngày.)

- Suy giảm trí nhớ và nhận thức

- Chất lượng cuộc sống kém (Thiếu ngủ có thể dẫn tới những vấn đề dài hạn như huyết áp cao, đau tim, suy tim, đột quỵ, béo phì, các vấn đề tâm thần (bao gồm trầm cảm và các rối loạn tâm trạng khác), suy giảm trí tuệ, chậm phát triển ở trẻ và mất ngủ.)

Đặc biệt, Tiến sĩ Shimi Kang khuyến cáo rằng, khi chúng ta thiếu ngủ, cơ thể sẽ gửi những tín hiệu cảnh báo như sự mệt mỏi, tập trung kém và lo âu. Nếu chúng ta không để ý tới những cảnh báo này, các chức năng của cơ thể sẽ bắt đầu suy giảm, và dù lúc đó chúng ta có đủ thời gian để ngủ, thì chúng ta cũng không còn có thể ngủ được nữa (đó là lúc chúng ta có thể mắc chứng mất ngủ).

Nói về tác hại của chứng mất ngủ, nhà sinh học phân tử thực nghiệm John Media khẳng định, mất ngủ làm tổn thương sự chú ý, chức năng thực thi, trí nhớ làm việc, tâm trạng, kỹ năng định lượng, khả năng lập luận logic và thậm chí sự khéo léo về vận động.

Một học sinh TPHCM tranh thủ ngủ trong thang máy khi chuẩn bị đến trường. (Ảnh: Hoài Nam)
Một học sinh TPHCM tranh thủ ngủ trong thang máy khi chuẩn bị đến trường. (Ảnh: Hoài Nam)

Một lý do khiến mọi người nói chung và học sinh nói riêng thức khuya dẫn đến thiếu ngủ là vì họ nghĩ rằng nếu ngủ ít hơn thì họ sẽ làm được nhiều việc hơn. Nhưng trong cuốn sách “Nghệ thuật theo đuổi sự tối giản” (NXB Lao động - Xã hội), nhà tư vấn lãnh đạo và doanh nghiệp Greg McKeown cho biết, nghiên cứu chỉ ra rằng một giấc ngủ ngon sẽ giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn, chứ không phải là kém đi.

Theo tác giả Greg McKeown, trong khi giấc ngủ thường được gắn với sự nghỉ ngơi của cơ thể thì nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng giấc ngủ thực ra lại liên quan đến não bộ nhiều hơn. Một nghiên cứu của trường Đại học Luebeck ở Đức đã đưa ra bằng chứng cho thấy một giấc ngủ đầy đủ cả đêm sẽ giúp tăng cường sức mạnh của não bộ, và do đó tăng cường khả năng giải quyết vấn đề của chúng ta.

Giấc ngủ giúp bù lại nguồn năng lượng đã bị tiêu hao trong não. (ảnh minh họa)
Giấc ngủ giúp bù lại nguồn năng lượng đã bị tiêu hao trong não. (ảnh minh họa)

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature, trong khi chúng ta đang ngủ thì não bộ vẫn chăm chỉ làm những việc mã hóa và sắp xếp lại các thông tin. Do đó khi chúng ta tỉnh dậy, não bộ đã thiết lập những kết nối thần kinh mới, và nhờ đó mở ra được nhiều giải pháp hơn cho các vấn đề. Một báo cáo khác chỉ ra rằng một chu kỳ giấc ngủ say giúp tăng cường kết nối các thông tin không liên quan với nhau.

Trong cuốn sách “Luật trí não” (NXB Lao động - Xã hội) viết về cách hoạt động của trí não, Tiến sĩ John Media cũng khẳng định, các nơ ron trong não bạn hoạt động nhịp nhàng, mãnh liệt trong lúc bạn ngủ - có thể diễn lại những gì bạn đã học ngày hôm đó.

Phân tích những giá trị của giấc ngủ đầy đủ, tác giả Greg McKeown kết luận, giấc ngủ giúp chúng ta vận hành được ở mức đóng góp cao nhất để có thể đạt được nhiều hơn, trong thời gian ngắn hơn.

Xuân Vũ

>> “Bí mật” làm việc hiệu quả của thiên tài Leonardo da Vinci

>> 8 cách giúp con bạn thông minh hơn

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con