Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Bộ không cấp phép cho lớp học kích não

(Dân trí) - Trả lời câu hỏi về các lớp học kích não đang rầm rộ hiện nay, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vào chiều 29/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Đến nay, Bộ không cấp phép bất kỳ lớp học nào như thế này.

Theo đó, Thứ trưởng Ga cho biết, Bộ GD&ĐT đã nhận được thông tin liên quan đến lớp học kích não tại TP Hồ Chí Minh qua báo chí. Cho đến giờ phút này, Bộ không cấp phép cho bất kỳ một lớp học kích não nào, đồng thời đang yêu cầu có báo cáo để có hướng xử lý.

“Tất cả các phương pháp áp dụng trong giáo dục phải được nghiên cứu kỹ càng, phải được cơ quan quản lý giáo dục cấp phép nhằm tránh sự phát triển tai hại đối với trẻ em.

Bộ GD&ĐT đã yêu cầu cơ quan đại diện phía Nam nắm bắt tình hình, báo cáo lãnh đạo Bộ, trên cơ sở đó Bộ sẽ xử lý, thông tin cho nhân dân được biết”, Thứ trưởng Ga nói.

Học sinh nhận biết màu sắc tại một lớp học kích não
Học sinh nhận biết màu sắc tại một lớp học kích não

Như Dân trí đã đưa tin trước đó, thời gian gần đây, nhiều phụ huynh truyền tai nhau về một lớp học có thể biến con mình thành "thiên tài". Lớp học này mang tên kích hoạt bán cầu não, hay còn gọi tắt là lớp học kích não.

Phần lớn những trung tâm này được mở ra tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, một số lớp được mở nhỏ lẻ tại các tỉnh thành khác.

Theo lý giải của những người phụ trách ở các trung tâm này, phương pháp kích hoạt bán cầu não sẽ giúp trẻ nhỏ phát triển tốt khả năng của não phải, giúp cân bằng cả hai bán cầu não, làm tăng khả năng học tập, ghi nhớ của trẻ. Ngoài ra, việc cho con tham gia các lớp kích não cũng đem lại 6 lợi ích to lớn như: cải thiện trí nhớ , tăng cường khả năng tập trung, tăng tự tin, ổn định cảm xúc... Đồng thời, trao tặng cho con cơ hội trở thành thiên tài.

Trả lời PV Dân trí, một số chuyên gia từ ĐHSP Hà Nội và ĐHQG Hà Nội cho biết, họ ủng hộ việc giáo dục trẻ trên cơ sở tôn trọng sự phát triển tự nhiên. Việc can thiệp thô bạo vào cấu trúc sinh học (não bộ) hoặc ép trẻ theo các mô hình nào đó để cải thiện tư duy của trẻ đều để lại nhưng hậu quả đáng tiếc. Những hậu quả này có thể thấy ngay nhưng cũng có thể về lâu dài mới thấy.

“Hiện tại, theo tôi được biết các nghiên cứu não bộ vẫn chưa thể giải mã 100% cấu trúc cũng như hoạt động của nó. Vì thế, tôi cho rằng chưa có đủ căn cứ khoa học để khẳng định việc kích não trở thành thần đồng là hợp khoa học”, một chuyên gia đến từ ĐHSP Hà Nội khẳng định.

TS Trần Thành Nam, Giảng viên chuyên nghành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên (Trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội), cho hay: “Phương pháp kích hoạt não giữa chưa từng được các nước có nền khoa học phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Singapore thẩm định về chuyên môn. Ngoài ra, ông cũng chưa tìm được tài liệu nghiên cứu nào khẳng định tác động của nó đến năng lực vượt trội của trẻ”.

Theo TS Nam, việc kích não sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường như: Khiến trẻ hoặc ảo tưởng về năng lực của mình, hoặc bị áp lực về năng lực đó. Chưa kể, trẻ có thể sử dụng năng lực đó vào những mục đích cá nhân không chính đáng.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)