Thư viện lưu hành... sách giả!

Theo phản ánh của nhiều sinh viên, phụ huynh, thư viện ĐH Sư phạm Đà Nẵng (ĐHSPĐN) hiện đang lưu hành hàng loạt sách giả. Thực hư chuyện này ra sao?

Sách giả - chủ yếu là sách văn học, triết học, lịch sử Đảng... phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy của thầy trò ĐHSPĐN - bên ngoài là bìa in ấn "chính hiệu", có ghi hẳn hoi NXB Giáo dục, trong ruột là những tài liệu... photo.

 

Có cuốn đọc được, có cuốn mờ nhạt đến nỗi chỉ có thể giở ra để đoán chữ, không thể phục vụ công tác giảng dạy hay nghiên cứu. 1.613 cuốn của 23 đầu sách này đã được nhập về thư viện ĐHSPĐN từ năm 2002, nhưng mãi đến 2004, "nhờ" một đơn thư phản ánh của sinh viên, lãnh đạo ĐHSPĐN mới phát hiện ra vụ việc này và đang tiến hành điều tra giải quyết. Đến năm 2005, lại tiếp tục có hàng loạt đơn thư phản ánh. Nhưng đến nay, đã sang năm 2006, vụ việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Kết luận vẫn phải... chờ!

 

Sự việc bắt nguồn từ ông Trần Đức Hiệp, là phụ trách bộ phận thư viện của trường ĐHSPĐN. Năm 2002, do yêu cầu của khoa Văn về những đầu sách cần phục vụ cho công tác học tập và nghiên cứu của sinh viên, ban giám hiệu ĐHSPĐN đã duyệt chi 46 triệu đồng (con số này do thanh tra ĐH Đà Nẵng báo cáo lại, nhưng khi tìm hiểu tại ĐHSPĐN, con số này lên đến hơn 100 triệu đồng ! - PV), giao cho ông Hiệp nhập về lượng sách nói trên. Đáng nói là từ khâu tìm hiểu thị trường, báo giá, kiểm tra và nhập sách về trường đều do ông Hiệp cùng những cấp dưới của mình làm còn lãnh đạo nhà trường thì không hề cử người theo dõi nên không phát hiện ra.

 

Cũng theo thanh tra, ông Hiệp cho biết, những tài liệu này khi nhập về từ Trung tâm sách báo X&N, đã ký xong thỏa thuận mua và bán, khi trung tâm này chuyển sách đến thì ông Hiệp và những đồng nghiệp của mình mới phát hiện ra lô sách này hầu hết là sách giả. Ngoài bìa sách giống y như thật, có ghi ngày xuất bản, tác giả, số lượng phát hành, nhà xuất bản... nhưng bên trong đều được sao chép, photo.

 

Ông Hiệp cũng thanh minh là do nhu cầu quá bức bách về tài liệu phục vụ cho sinh viên cũng như việc khoa yêu cầu những loại sách khan hiếm nên khi phát hiện ra việc bị trung tâm sách báo bán sách giả cho thư viện của mình, do đã "lỡ" cộng thêm mối quan hệ làm ăn lâu dài, ông Hiệp đành "ngậm bồ hòn làm ngọt". Dĩ nhiên, ông Hiệp và những đồng nghiệp trong thư viện cũng giấu nhẹm chuyện này với lãnh đạo ĐHSPĐN.

 

Đáng nói là những cuốn sách giả này có giá không hề thấp hơn sách thật, thậm chí còn cao gấp 2-3 lần. Điều này làm một số tiền không nhỏ của nhà trường đã thất thoát vào túi tư nhân. Thanh tra ĐH Đà Nẵng cũng cho biết, trong buổi làm việc giữa thanh tra và ông Hiệp, ông Hiệp lý giải rằng: "Đây là sự cố ngoài ý muốn, nếu tôi làm việc này để kiếm tiền thì tôi đã tiếp tục cho nhập loại sách này trong những năm kế tiếp chứ không chỉ làm năm 2002 rồi dừng!".

 

Không chỉ thế, trong số 1.613 cuốn sách trên, ông Hiệp cũng có tham gia photo đến 551 cuốn. Theo ông Đặng Quốc Hòe - Trưởng phòng hành chính ĐHSPĐN: "Người có nghiệp vụ và thâm niên công tác tại thư viện lại không phân biệt được sách thật và sách photo thì quả là... trong khi người bình thường nhìn là biết ngay!”.

 

Việc nhập sách giả rõ ràng ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp tư liệu chính thống cho sinh viên, giảng viên bởi nhiều cuốn không thể đọc được. Chưa kể, việc tồn tại hàng loạt sách giả trong thư viện của một trường đại học là không thể chấp nhận được.

 

Được biết, ĐHSPĐN vừa tổ chức họp kiểm điểm ông Hiệp. Và bước giải quyết kế tiếp dự kiến sẽ là hạ ông Hiệp một bậc lương, nộp trả lại nhà trường số tiền tương ứng với số lượng sách theo thời giá năm 2002. Số sách giả ngoài những cuốn sách quan trọng, không tái bản trên thị trường thì giao cho khoa Văn của trường cho sinh viên, giảng viên tự phân phối, cho mượn. 800 cuốn còn lại không sử dụng sẽ tiêu hủy. Nhưng đó vẫn là... dự kiến!

 

 

Theo Diệu Hiền

Thanh Niên