“Thương bạn, em chỉ biết cõng bạn đến trường...”

(Dân trí) -Nếu không chứng kiến tận mắt cảnh Thu Nguyên cô cõng bạn Bích Ngọc (sinh viên năm 2 ngành Cử nhân Anh văn Trường Cao đẳng Cần Thơ) lên cầu thang, chúng tôi không thể tin nổi cô sinh viên có dáng người mảnh khảnh ấy lại có thể ngày 2 buổi cõng bạn đến trường.

"Em biết hoàn cảnh gia đình Ngọc khó khăn. Bù bệnh tật nhưng Ngọc vẫn cố gắng học tập, nhưng giờ đây hai chân Ngọc sắp bị liệt nếu không phẫu thuật. Trước mắt em chỉ biết cõng bạn đến trường..." - em Lê Thị Thu Nguyên, bạn học chung với Bích Ngọc chia sẻ.
 
Em Nguyễn Thị Bích Ngọc là nhân vật trong bài viết “Em sợ đến một ngày không nhìn thấy gì nữa” được đăng trên báo điện tử Dân trí ngày 11/12/2011. Nhờ sự hỗ trợ của bạn đọc báo Dân trí, Bích Ngọc đã được phẫu thuật mắt, thoát khỏi cảnh mù lòa do căn bệnh Lupus ban đỏ hệ thống gây nên. Giờ đây căn bệnh quái ác tiếp tục biến chứng gây thoái hóa chỏm xương đùi của Bích Ngọc. Theo các bác sĩ, nếu không phẫu thuật kịp thời, hai chân Ngọc có thể bị liệt hoàn toàn.

Tự nguyện làm đôi chân thứ 2 cho bạn

Không đợi chúng tôi hỏi thăm về trọng lượng cơ thể, Thu Nguyên bộc bạch: Từ năm lớp 12 đến giờ, em vẫn "trung thành" với trọng lượng cơ thể khi qua 3 năm số ký chỉ quanh mốc 38 kg. Tuy gầy thế, nhưng Thu Nguyên khẳng định mình rất khỏe, có thể cõng bạn Bích Ngọc đến khi ra trường, dù bạn Ngọc nặng hơn 7 kg.

Cô sinh viên gầy nhom cõng bạn đến trường

Hàng ngày, Thu Nguyên cõng bạn Bích Ngọc đến trường. Mỗi lần lên cầu thang thế này rất vất vả.

Như báo Dân trí từng phản ánh, vừa lọt lòng mẹ, Bích Ngọc chưa kịp gặp mặt cha thì cha ruột đã bỏ đi biệt tích. Mặc dù gia cảnh khó khăn, nhưng suốt 12 năm học liền, Ngọc luôn là học sinh khá giỏi. Đến năm lớp 11, Bích Ngọc phát hiện mình mắc căn bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, phải uống thuốc đến cuối đời. Khi bước vào năm học thứ nhất, căn bệnh biến chứng làm hai mắt Ngọc bị mờ. Rất may nhờ bạn đọc Dân trí tiếp sức nên Ngọc có tiền đi phẫu thuật, thoát khỏi cảnh mù lòa. Nhưng giờ đây, Bích Ngọc đang đối mặt với “án treo” hai chân bị liệt do thoái hoá chỏm xương đùi do biến chứng căn bệnh Lupus ban đỏ gây nên.

“Niềm vui chưa được bao lâu, qua Tết nguyên đán vừa rồi, bạn Ngọc cứ than hai chân đau nhức. Thấy thế, tụi em báo với gia đình và đưa Ngọc lên bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám, các bác sĩ cho biết bạn bị thoái hoá chỏm xương đùi. Để cứu hai chân khỏi liệt thì phải phẫu thuật sớm nhưng với hoàn cảnh như gia đình bạn Ngọc, việc kiếm 20 - 30 triệu đồng làm phẫu thuật là rất khó. Riêng tụi em chỉ biết động viên bạn tiếp tục học hành, góp gạo nấu cơm cho bạn ăn. Riêng em tự nguyện làm đôi chân thứ 2 cho bạn Ngọc mỗi khi đến lớp học” - Thu Nguyên chia sẻ.

Về quê lấy gạo nuôi bạn

Hồi học phổ thông, Thu Nguyên và Bích Ngọc chẳng quen biết gì nhau, chỉ khi học chung lớp Cử nhân Anh văn, hai cô bạn mới thân thiết. “Trong dịp họp lớp đầu năm học, em ngồi gần bạn Ngọc nên qua trò chuyện mới biết về hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn của Bích Ngọc. Ngoài ra em và Ngọc có chung ước mơ làm nghề gõ đầu trẻ nên tụi em quyết định “góp gạo, thổi cơm chung” nhưng ở riêng, vì lúc đó và cho đến bây giờ bạn Ngọc ở ký túc xá của trường, còn em thì ở nhà trọ bên ngoài” - Nguyên cho biết.

Bích Ngọc kể, trong 1, 2 tháng đầu, bạn Nguyên cho Ngọc đóng góp, nhưng kể từ tháng thứ 3, do Nguyên thấy Ngọc phải tốn kém nhiều cho các toa thuốc chóng lại căn bệnh Lupus ban đỏ nên một mình cán đáng hết mọi chuyện từ, gạo đến các chi phí mắm muối, bột ngọt… và quan trọng nhất là việc đưa đón Ngọc đến trường hàng ngày.

Cô sinh viên gầy nhom cõng bạn đến trường

Thu Nguyên và Bích Ngọc cố gắng từng ngày để ước mơ trở thành cô giáo trường làng sớm trở thành hiện thực.

Thu Nguyên chia sẻ: “Gia đình sống bằng nghề nông, bởi vậy chuyện gạo thóc xem như là dư dả, khỏi phải bỏ tiền mua. Còn chuyện cá thịt, rau cải…, em thấy chẳng tốn kém là bao, bởi vì mỗi lần em và Ngọc về quê tranh thủ mua rau cải, cá thịt… ở dưới quê mang lên. Tuy có tốn công một chút nhưng thực phẩm ở chợ quê giá cả thấp hơn ở Cần Thơ từ 1 - 2 lần. Nhờ vậy, tụi em mới sống nổi với cơn bão vật giá leo thang như hiện nay.”

Hỏi về ước mơ của mình, Thu Nguyên và Bích Ngọc đều cho biết có nguyện vọng làm việc trong ngành Sư phạm. Bởi thế, trong học kỳ hè này, Ngọc và Nguyên đã đăng ký học các tín chỉ Sư phạm để ra trường có nguyện vọng về các trường THCS ở các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ công tác. Khi có chỗ dạy học, hai bạn sẽ tiếp tục học lên Đại học để nâng cao trình độ chuyên môn cho mình.

Nguyên nhìn bạn Ngọc nói trong lo lắng: “Học kỳ hè này, em và Ngọc đã đăng ký nhưng thời gian sắp đến rồi mà gia đình bạn Ngọc vẫn chưa có đủ chi phí để phẫu thuật cho bạn nên em thấy lo cho đôi chân và cả ước mơ trở thành cô giáo của Bích Ngọc lắm”...

Nguyễn Hành