Tiến sĩ Văn học và 4 bí quyết làm tốt bài thi THPT môn Ngữ Văn

(Dân trí) - Trước thềm kì thi THPT quốc gia 2016, Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết (nguyên Giáo viên chuyên Văn,Trường THPT Chu Văn An- Hà Nội) chia sẻ một số lưu ý để làm tốt bài thi môn Ngữ Văn.

1. Nhận đề thi, đọc kĩ một lượt, gạch chân các cụm từ ngữ thể hiện yêu cầu của mỗi câu hỏi! Ghi qũi thời gian tối đa dành cho mỗi câu vào tờ đề thi! ( nên dành khoảng 10' cho phần đọc đề, suy nghĩ và ghi nhanh ra nháp hướng làm bài khái quát, huy động kiến thức/ 20' cho câu đọc hiểu/ 50' câu NLXH/ 100' cho câu NLVH). Luôn tự nhắc mình vấn đề cần trả lời, viết đoạn ở câu đọc hiểu; vấn đề cần nghị luận ở hai câu NLXH và NLVH; và làm chủ thời gian trong suốt quá trình làm bài.

2. Câu đọc hiểu chiếm gần 1/3 quĩ điểm toàn bài, nếu làm tốt, em sẽ dễ dàng đạt điểm hơn rất nhiều hai câu nghị luận - vì vậy đừng bỏ lỡ cơ hội tìm kiếm từng 1/4 điểm ở phần này! Các câu 1,2,3,5 6,7 thường kiểm tra kiến thức tiếng Việt hoặc khả năng phân tích, cảm thụ..., các em nên viết ngắn gọn, đề hỏi gì trả lời ngay vào vấn đề đó, có thể gạch đầu dòng! Các câu 4,8 thường yêu cầu viết đoạn, phải viết đúng vào vấn đề và viết theo đúng cấu trúc đoạn ( tổng phân hợp / diễn dịch/ qui nạp...), không được gạch đầu dòng! Cụm từ ngữ thể hiện đề tài/ vấn đề phải được nhắc tới trọn vẹn trong câu mở đoạn hoặc kết đoạn tuỳ theo từng kiểu bố cục đoạn.

Theo TS Tuyết, câu nghị luận xã hội cần viết hàm súc, chân thành, tránh kể chuyện lan man.
Theo TS Tuyết, câu nghị luận xã hội cần viết hàm súc, chân thành, tránh kể chuyện lan man.

3. Câu NLXH cần viết hàm súc, chân thành, tránh kể chuyện lan man, đặc biệt cần thể hiện cái " tôi" của người viết trong xúc cảm, nhất là suy ngẫm, bài văn chỉ chặt chẽ và thuyết phục khi không bàn luận một chiều, khiên cưỡng, áp đặt, vấn đề nghị luận phải được quan sát từ nhiều chiều, nhiều góc độ.

4. Câu NLVH cần dành nhiều nhất quĩ thời gian và tâm huyết, công phu! MỞ BÀI nêu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận; KẾT LUẬN khẳng định vấn đề đã nghị luận và nâng cao thành những giá trị khái quát về nội dung ( ví dụ giá trị nhân đạo, khuynh hướng sử thi, chủ nghĩa anh hùng cách mạng...), về nghệ thuật ( ví dụ tính dân tộc, chất cổ điển/ hiện đại...), các em không cần lo lắng nghĩ một cái mở bài hay kết luận với những lời lẽ hoa mĩ mà sáo, vừa tốn thời gian, vừa có thể vẫn không đạt những yêu cầu tối thiểu về kiến thức.
THÂN BÀI luôn thể hiện rõ nhất khả năng của các em về kiến thức và kĩ năng nghị luận! Cần huy động lượng kiến thức sâu/ rộng nhất có thể, nhưng vẫn tránh lan man xa đề! Cần lưu ý tránh kiểu phân tích thơ thành diễn xuôi, phân tích văn xuôi thành kể chuyện! Nhớ nguyên tắc " từ văn ra ý" - thơ cần phân tích các yếu tố ngôn từ ( nhịp/ âm hưởng/ thanh/ biện pháp tu từ/ từ ngữ/ hình ảnh/...) để tìm ra " tiếng lòng" của nhà thơ; văn xuôi cần phân tích các yếu tố về bố cục văn bản/ nghệ thuật trần thuật/ các chi tiết khắc họa nhân vật ( ngoại hình/ hành động/ cử chỉ/ đối thoại/ độc thoại nội tâm/ ...) để tìm ra những giá trị về nội dung hoặc nghệ thuật tác phẩm ( giá trị nhân đạo, chủ nghĩa anh hùng/ chủ nghĩa yêu nước/ vẻ đẹp tâm hồn nhân vật/ khuynh hướng sử thi/ cảm hứng lãng mạn...).

Có thể có em sẽ nghĩ cô vừa cung cấp một " mô hình" cho bài văn, trong khi văn chương phải hướng tới sự bay bổng lãng mạn " lưu thủy hành vân"; văn chương quả thật là tiếng lòng, nhưng đó là khi sáng tác, hoặc bình văn lúc "trà dư tửu hậu"; còn bây giờ các em đang đối diện với một cuộc chiến rất cần chiến thắng, các em vẫn nên có một điểm tựa chắc chắn để đạt hiệu quả cao nhất trong bài văn quan trọng này!
Chúc các em thành công, và cô hẹn các em sẽ cùng bay bổng với những áng văn chương đem tới cái Đẹp, cái Thiện mà các em sẽ tiếp nhận trong suốt cuộc đời, lúc ấy, chúng ta sẽ quên hết những " mô hình", chỉ mở lòng trọn vẹn với văn chương.

Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết