Bạn đọc viết:

Tôi ân hận vì tạo áp lực thành tích cho con

(Dân trí) - Tôi không thích căn bệnh thành tích. Nhưng với con thì tôi lại khác. Tôi luôn sợ mình là giáo viên mà có con học dở. Rồi tôi sợ con sau này không có tương lai... Thế là tôi lại tạo áp lực cho con…

Hôm nay con trai tôi đi thi học kì 1 về với vẻ mặt buồn hiu. Suốt chặng đường cháu chẳng nói gì với tôi cả. Tưởng có chuyện gì tôi vội vàng dừng xe hỏi han con. Chỉ chờ có thế, cháu òa lên khóc nức nở. Rằng mẹ cho con xin lỗi vì con làm bài chưa tốt. Nói rồi con rối rít xin lỗi tôi không ngừng.

Quả thực, là cha mẹ ai chẳng mong con học giỏi. Cả hai vợ chồng tôi luôn kì vọng vào con. Đối với chúng tôi, con là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Tôi luôn bắt con phải học hành và đặt mục tiêu để phấn đấu. Đôi khi chính tôi hay tạo áp lực cho con. Cả hai vợ chồng thường đưa ra chỉ tiêu để con hướng tới. Hai đứa con tôi vốn rất vui vẻ và hoạt bát. Hàng ngày sau giờ trên lớp, hai con thường xin ba mẹ cho đi chơi lòng vòng trong xóm. Lúc đầu chúng tôi đều vui vẻ đồng ý.

Thế rồi dạo gần đây tôi sợ con lơ là trong học tập nên luôn bắt con ở nhà. Lúc nào tôi cũng bắt con học. Nào học ở trường, học thêm ở nhà riêng của thầy. Bên cạnh đó tôi còn mua rất nhiều sách để con đọc tham khảo thêm. Tôi luôn muốn sau này con có một tương lai tươi sáng.

Ngày tháng cứ dần trôi. Tôi luôn lấy cái tôi để áp đặt con. Thực ra tôi cũng không thích căn bệnh thành tích. Đây là căn bệnh mà tôi không ít lần dị ứng. Nhưng với con thì tôi lại khác. Tôi luôn sợ mình là giáo viên mà có con học dở. Rồi tôi sợ con sau này không có tương lai... Thế là tôi lại tạo áp lực cho con. Tôi luôn nhắc nhở con ráng học cho giỏi. Rằng ba mẹ trước đây không có điều kiện học hành, còn bây giờ con có đủ điều kiện thì ráng phấn đấu. Nhiều lúc thấy con lo lắng sợ sệt nhưng tôi vẫn cứ kệ. Tôi luôn cho là mình đúng trong mọi việc.

Vào những bữa ăn, tôi luôn lấy những tấm gương con cô này, thầy kia để giáo dục con (tôi cứ tưởng đây là giải pháp hay). Lúc nào tôi cũng bảo con nếu con không ráng học sau này con sẽ khổ... Hình như chưa bao giờ tôi lắng nghe những tâm tư suy nghĩ của con. Rằng con cần gì, muốn gì trong cuộc sống này. Tôi luôn bắt con phải ráng học cho bằng bạn bằng bè. Ngay cả định hướng tương lai cho con chồng tôi cũng hay áp đặt. Bé lớn nhà tôi thì to cao nên thích thể thao. Riêng thằng bé con thì rất mê vẽ. Nhưng chồng tôi luôn hướng cho con theo ba môn là Toán, Lý, Hóa để vào khối A.

Nhìn mặt con giàn giụa nước mắt mà tôi ân hận vô cùng. Lần đầu tiên tôi khóc vì ân hận. Có lẽ tôi sai thật rồi. Tôi đã làm khổ con. Thực ra tôi cũng từng phản đối bệnh thành tích. Tôi chẳng thích những thành tích ảo (trong dạy học tôi thừa biết điều này). Thế nhưng đối với con, tôi lại thực hiện ngược lại. Có lẽ tính sĩ diện trong tôi quá lớn. Tôi ngại với bạn bè đồng nghiệp vì con họ đều giỏi cả. Dường như tôi không chấp nhận sức học thực của con mình.

Bao nhiêu bậc cha mẹ đã từng ân hận vì tạo áp lực cho con? Cũng thật may vì con tôi chưa sao, chứ không tôi sẽ ân hận cả đời. Đến giờ thì tôi hiểu mỗi đứa trẻ sẽ có những thế mạnh riêng. Mỗi em sẽ có những đam mê và sở thích khác nhau. Nhưng chúng ta luôn lấy cái tôi của bậc làm cha mẹ để áp đặt con. Lúc nào chúng ta cũng muốn con trở thành “ông nọ bà kia” mà chẳng biết sức học con mình đến đâu.

Chiều nay nhìn con lo lắng quá mà tôi thương quá chừng. Thực ra tôi chỉ muốn điều tốt cho con. Tôi luôn nghĩ đầu tư cho giáo dục là đầu tư đúng đắn nhất. Vậy mà kết quả lại là những lo lắng sợ hãi của con tôi. Rồi cả những lời nói vô tình đã theo con suốt cuộc đời. Cái buồn hơn nữa là chính tôi đã đánh cắp tuổi thơ của con. Giá như tôi hiểu điều này sớm hơn. Giá như...

Tôi tự hỏi lòng, trong xã hội có bao nhiêu người vẫn dạy con kiểu này? Có bao nhiêu em vẫn phải chịu những áp lực như con tôi?

Nhất định tối nay tôi sẽ nói chuyện với chồng về cách dạy con của mình.

Trần Thị Loát

(Châu Thành - Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!